Kết quả 1 đến 3 của 3
  1. #1

    Ngày tham gia
    Nov 2013
    Bài viết
    0

    Olga Berggoltz, nàng thơ kiêu hãnh của thành Len thống khổ

    Olga Berggoltz, nàng thơ kiêu hãnh của thành Len thống khổ.
    Trích bài phòng vấn Nguyễn Thụy Anh (TA) do phóng viên Kiều Bích Hậu thực hiện
    http://viettennis.net/diendan/member.../113/779-1.jpg

    Có bao giờ TA nằm mơ gặp được Olga, và hai người trò chuyện những gì?

    Nằm mơ thì không nhưng nghĩ ngợi về Olga thì nhiều. Những khi đọc về bà, có thời điểm hân hoan sung sướng với mỗi một phát hiện, có lúc lại muốn nức nở lên vì nhiều khi tôi cảm thấy tôi đắm chìm vào cuộc đời quá truân chuyên của bà mà không thoát được ra. Có lẽ hai người chúng tôi cũng đã từng nói chuyện với nhau thông qua sự giao tiếp lạ lùng trong ý nghĩ.

    Đằng sau những vinh quang mà số phận dành tặng cho nữ sĩ, đằng sau những say mê, quyết liệt trong tình yêu, tôi muốn chia sẻ với bà nỗi sợ. Cái nỗi sợ mà Olga luôn phải kìm nén, chế ngự để sống và viết, để nâng đỡ những người xung quanh bằng năng lượng tinh thần của mình. Có thể, với một người từ xa rất xa nhìn vào cuộc đời bà, đọc kỹ lưỡng từng đoạn, từng từ trong nhật ký, thư từ, thơ không công bố của bà, thì Olga sẽ không ngần ngại mà không che giấu gì nữa chăng? Cuộc đời một người nghệ sĩ hóa ra lại có biết bao nỗi sợ, không chỉ trong chiến tranh, khi đối mặt với cái đói, cái chết, bom đạn, mà ngay trong thời bình, nỗi sợ bám theo họ, đôi khi vô hình, khó xác định nhưng lại vẫn tồn tại, khiến nhiều người trong số họ rơi vào bi kịch. Tôi còn muốn nói với bà rằng điều tôi hiểu thấu đáo nhất ở bà là tình mẫu tử bản năng đã khiến người mẹ khi cho con bú cũng cảm thấy mình như một con thú tai và đuôi vẫy vẫy, nỗi đau cùng cực khi mất những đứa con và khao khát được làm mẹ khiến những triệu chứng phù nề vì cơn đói cũng khiến Olga tưởng tượng ra một mầm sống đang hình thành trong mình. Chính những điều này từng là lý do để tôi mong muốn được dịch thơ Olga sau 10 năm tôi đọc và yêu quý bà. Chỉ khi ấy, tôi mới cảm thấy giữa tôi và bà có được một điểm chung, cảm thấy mình có thể gần gũi bà ở mức cao nhất. Và tôi nghĩ, khi người dịch đến được gần tác giả nhất là lúc có cơ duyên chuyển ngữ tác phẩm được trung thực nhất với những cảm nhận của mình.

    Sau khi ẵm giải thưởng về dịch Olga, TA suy tưởng như thế nào về Olga, hoặc tự nói với bà ấy điều gì?

    Tôi rất vui khi được nhận giải thưởng. Trước hết là vui mừng cho Olga. Bà có vị trí đặc biệt trong lòng người đọc Việt Nam, và điều này tôi đã không ít lần phát biểu rằng, công đầu thuộc về nhà thơ Bằng Việt, rồi đến dịch giả Ngân Xuyên. Cái lần gặp gỡ đầu tiên bao giờ cũng quan trọng và cho một ấn tượng lớn để người ta quyết định sẽ yêu hay sẽ thờ ơ. Một điều vui nữa là không chỉ người đọc lớn tuổi mà những bạn trẻ 8x cũng quan tâm đến số phận của nhà thơ Nga này. Tôi muốn nói với Olga, rằng bà thật hạnh phúc, sau tất cả những bi kịch, những đắng cay thống khổ mà bà phải chịu đựng. Bà có được tình yêu, bà không bị lãng quên. Tôi cũng thật hạnh phúc khi có được một nhân vật để mình yêu, say mê và ngưỡng mộ. Không phải và không chỉ về thơ ca – mà tôi ngưỡng mộ cuộc đời của bà – số phận kỳ lạ cũng như cách bà vượt lên trên số phận để sống, viết và yêu. Tôi hy vọng có thể tiếp tục làm trọn vẹn hơn công việc đưa nàng thơ của thành Len năm xưa đến với người đọc Việt Nam – tiếp tục làm hiển hiện ra những góc đẹp lung linh trong tâm hồn và cuộc đời bà. Chẳng hạn, có thể khai thác mảng viết cho thiếu nhi mà Olga khá nổi tiếng trước chiến tranh hoặc những bài bút ký và tiểu luận của bà với văn phong giản dị nhưng khá sắc sảo.


    Một vài bài thơ trong tập thơ của Olga do Thụy Anh dịch (không phải thơ tình)

    ALIONUSHKA

    1.

    Khi mùa xuân xanh biêng biếc

    sẽ lại bừng ấm nắng vàng,

    thành Alionushka tôi bước

    ra bờ nước thẳm khóc than.

    Chung quanh bạch dương hiền dịu

    nghiêng mình buồn bã mơ màng.

    Chiếc lưới hoa văn xinh đẹp

    vừng đông trải dài mênh mang

    Và nước dưới đầm trong vắt

    con nước mùa xuân lững lờ.

    Ở nơi vực sâu ấy có

    em tôi tận đáy nằm trơ.

    Tảng đá đặt ngang trên ngực

    sắc cạnh, không phải đá thường.

    Ivanushka, Ivanushka em hỡi,

    họ đã làm gì em tôi?

    Ivanushka yêu dấu của tôi

    sáng hơn, đẹp hơn ánh ngày,

    bị người nhận chìm, hủy hoại,

    lời chị gọi em có hay?

    Chàng trai bị đời lừa gạt

    hàm oan, chẳng tội tình gì

    Ivanushka, Ivanushka yêu quý,

    có còn về lại nữa chăng?

    Bạch dương dịu hiền im lặng

    buồn rầu trên vực nước sâu.

    Và màng lưới vàng mong mỏng

    ráng chiều bao phủ một màu.

    2.

    Từ sáng sớm tôi gào vang khắp vực

    bằng giọng thú non tôi lồng lộn cuồng điên:

    “Alionushka, tâm trong sạch của em,

    Hãy đáp lời em, chị hỡi”

    Những đống lửa trong sân sẽ nhen lên chiều tối,

    những hồn ma mài sắc lưỡi dao.

    Hãy trả cho em hình hài người cũ thuở nào,

    ơi Alionushka của em tươi sáng!

    Em nào có sợ chết đi, sợ chi ngọn lửa

    - chỉ hãi hùng phải chết trong lốt thú tâm người.

    Ôi, xin tha lỗi cho em, em đã chẳng nghe lời,

    chị hãy giúp giải lời nguyền độc ác!

    Ôi, tha thứ cho em rằng một lần trong cơn khát

    nước của đêm em đã uống no lòng

    từ lốt chân thú khuya để lại trong rừng

    Ra thứ nước kia thật là đáng sợ…”

    Chị tôi trả lời: “Em gái thân yêu!

    Sự độc ác con người ta không làm sao sửa lại

    Tảng đá, tảng đá, một tảng đá trên ngực chị đây hoang dại

    Mắt phủ mờ sình lầy lội tối đen…”

    … Nhưng tôi lại gào lên cuồng điên,

    cơn hãi sợ của thú non trong tim không giấu nữa.

    Biết đâu Alionushka sẽ cứu tôi qua làn nước,

    hỡi lương tri xa cách của tôi?

    1940
    Chú thích: Alionushka là nhân vật trong câu chuyện cổ tích kể về chú bé Ivanushka không nghe lời chị mình là Alionushka - đã uống nước ở bờ đầm bị bùa chú và biến thành con dê con. Alionushka đã ngồi bên bờ đầm mà khóc than và gọi em trai mình mãi: "Ivanushka... Ivanushka..." (N.D.) Bài thơ ghi lại những cảm xúc ngột ngạt, hoang mang, hãi sợ mà Olga phải trải qua thời kỳ sau khi ra tù.

    VỚI TỔ QUỐC (Linh cảm thấy cái ngày khói lửa…)

    Linh cảm thấy cái ngày khói lửa

    lại gần ta từng phút từng giờ.

    Giờ đã điểm. Tổ Quốc ơi! Đến tận cùng hơi thở

    hiến dâng Người tất cả cuộc đời tôi!

    Phút giây này tôi vẫn chưa nguôi

    niềm cay đắng của một thời tàn bạo.

    Nhưng ánh lửa chói lòa gươm giáo

    khiến tôi hiểu ra rằng không phải mình đau,

    chính là Người đã dũng cảm đương đầu,

    và chờ đợi…

    Không, Tổ Quốc ơi, dù ký ức đau thương chưa bao giờ dịu vợi,

    dù đã chết đi hay oan trái tù đày,

    theo tiếng gọi của Người tôi vẫn đội mồ đứng dậy

    Không phải chỉ mình tôi, ai cũng dậy mà đi…

    Tôi yêu Người không tính toán điều chi,

    tình mới mẻ, đắng cay, độ lượng

    Ôi Tổ Quốc đẹp xinh trong tâm tưởng

    với tràng hoa mận dại trên đầu,

    và cầu vồng tối thẫm phía trời cao

    Giờ đã điểm.

    Giờ khắc này còn có nghĩa gì sao –

    chỉ có tôi và Người hiểu hết.

    Tôi yêu Người – Không thể khác hơn, tôi biết:

    Tôi và Người vẫn là một như xưa.

    6-1941
    Chú thích: Bài thơ viết vào thời điểm đất nước Xô Viết sắp bước vào cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Để tận hiểu được bài thơ này, phải hiểu được đoạn đời đắng cay của nhà thơ trước đó - những năm cuối thập kỷ 30, bất hạnh chất chồng kéo đến với người phụ nữ này. Bị khai trừ khỏi Đảng. Bị bắt. Bị kết tội. Thậm chí trong tù bà đã mất đứa con còn là một bào thai...


    CẢ NGÀY TRONG CUỘC HỌP TÔI NGỒI…


    Cả ngày trong cuộc họp tôi ngồi

    Rồi biểu quyết, rồi nói điều giả dối

    Lời hổ thẹn sao chưa làm tôi chết nổi?

    Nỗi chán chường không khiến bạc đầu thêm?

    Bước ra đường, tôi ngồi xuống bậc thềm

    Nơi tôi được là mình, ngồi thật lâu không nhúc nhích

    Qua khe cổng cùng người coi sân chia điếu thuốc

    Vào quán chiều chiêu vài ngụm vốt-ka

    Nơi tủi cực này có nhiều uất ức được nói ra

    Trong câu chuyện của hai phế binh héo hắt

    (Năm Bốn ba từng là hai chàng trai anh dũng nhất

    Chiếm lấy Krasnyi Bor - rừng thông đỏ máu rực trời)

    Thức tỉnh trong tôi hoài niệm chói ngời

    Dĩ vãng hào hùng rũ tro tàn đứng dậy:

    Những phạm binh đây như lại đang băng qua bãi mìn bỏng rẫy

    Những trinh sát viên quả cảm phi thường

    Ai đó được tung hô sau khốc liệt chiến trường

    Số còn lại nằm lặng thầm mãi mãi

    Máu đổ xuống đất lành không mưu toan lời lãi

    Có hay đâu để chuộc mọi lỗi lầm

    Chưa bao giờ phạm phải với lương tâm!

    Khó nhọc thu trí tàn trong cơn giận tím bầm

    Qua cơn say tôi kêu lên đau khổ:

    “Lũ ngoan đạo kia, ta chán các người đến tận cổ

    Và yêu sao ôi bao kẻ tội đồ!”

    1948-1949
    http://viettennis.net/diendan/member.../113/780-2.jpg


    Olga Berggoltz, những ngày tràn đầy nhiệt huyết với cuộc đời
    http://viettennis.net/diendan/member.../113/781-3.jpg


    Cuối những năm 30 đầy thống khổ
    http://viettennis.net/diendan/member.../113/782-4.jpg


    Kiêu hãnh và trung thực đến cùng
    http://viettennis.net/diendan/member.../113/783-5.jpg


    Olga và Lugovsky, người bạn mà Olga viết tặng bài thơ Mùa lá rụng

  2. #2

    Ngày tham gia
    Dec 2013
    Bài viết
    0
    Hic, không hiểu sao em không làm cho ảnh trong bài hiện lên được

    Có bác nào trong BQT giúp em được không ?

  3. #3

    Ngày tham gia
    Dec 2013
    Bài viết
    0
    Máy em vẫn thấy ảnh đầy đủ mà bác

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •