Các bác nên biết thông tin này để chăm sóc người nhà được tốt hơn (nếu điều không mong muốn này xảy ra)

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Bệnh nhân ung thư có thể tử vong vì suy kiệt trước khi chết vì khối u, nói cách khác là họ bị đói đến chết. Theo TS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng VN - hội chứng chán ăn gây suy mòn rất dễ gặp và đã có tới 1/3 số bệnh nhân đã chết vì đói như thế.

Các khối u tiết ra các chất trung gian viêm (cytokines), làm tăng các tín hiệu chán ăn. Ngoài ra, khối u trong cơ thể còn không ngừng ngốn chất dinh dưỡng. Nếu không đủ, nó còn tấn công toàn bộ dinh dưỡng dự trữ của cơ thể, làm đẩy nhanh quá trình tiêu hao chất đạm, chất béo, đồng thời khiến cơ thể giảm hấp thu chất. Càng sụt cân, người bệnh càng mệt mỏi, tiếp tục chán ăn. Hơn nữa, tâm lý của người bệnh lo âu, suy nhược tinh thần, do các tác dụng phụ của các liệu pháp xạ trị... khiến nhiều bệnh nhân sợ ăn. Hậu quả là phần lớn bệnh nhân ung thư bị sụt cân, suy mòn, khoảng hơn 1/2 trong số họ bị giảm thể trọng ngay từ khi chẩn đoán. Để chiến thắng ung thư, trước hết người bệnh phải vượt qua chứng chán ăn. Hãy ăn lúc cơ thể thoải mái, ổn định nhất, ăn những món mình thích. Nên ăn cùng gia đình, người thân và bạn bè. Thực tế, những bệnh nhân có nghị lực, dinh dưỡng đúng cách thì sẽ có thể lực, sức khỏe hơn hẳn so với người hay than vãn, thở hắt mỗi khi đến bữa ăn. Theo BS – ThS Nguyễn Thị Minh Hương (BV Ung bướu Hà Nội): Mỗi bữa ăn cho bệnh nhân cần có đủ 5 yêu cầu: Đầy đủ thành phần dinh dưỡng, giàu năng lượng, tăng cường chất đạm, tăng cường EPA (một axit béo omega – 3 được coi như “khắc tinh” của tế bào ung thư), dễ chế biến và hợp khẩu vị. EPA có nhiều trong dầu cá các vùng biển sâu như cá mòi, cá trích. Nên chia nhỏ bữa ăn thành 4 – 5 bữa/ngày. Tranh thủ mang thức ăn theo cùng như hộp sữa nhỏ, bánh quy hoặc hoa quả. Nên ăn nhiều dạng thực phẩm, đủ chất đạm, béo, tinh bột, rau củ tươi. Thực phẩm lý tưởng cần mềm, dễ nhai, dễ nuốt như chuối, dưa hấu, pho mai, khoai tây nghiền, mì sợi, bún phở sữa, bột ngũ cốc. Nếu không, hãy nấu thức ăn thật mềm. Nên cắt nhỏ thực phẩm và để nguội hoặc ăn khi chúng hết nóng. Cần trách thức ăn cay, nóng, rượu, thuốc lá, đồ ăn quá ngọt hoặc quá mặn. Hạn chế dầu mỡ xào nấu, thực phẩm nặng mùi. Không ăn lúc quá gần thời điểm điều trị khoảng 1 – 2h. Không nên ăn chay, kiêng khem vì sẽ làm cơ thể thêm mệt mỏi. Khi bị táo bón nên bổ sung nhiều chất xơ. Nên uống thêm nước đun sôi để nguội, nước ép hoa quả ấm, nước chanh, nước trà không chứa caffeine. Nhớ đi bộ và vận động thường xuyên. Bạn chỉ nên uống thuốc chống táo bón nếu các biện pháp trên không có hiệu quả. Uống mỗi ngày từ 1,6 – 2,5l nước. Vệ sinh răng miệng, súc miệng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ khoảng 4 lần/ngày. Không nên súc miệng bằng dung dịch có cồn vì chúng quá cay, gắt không hợp khi đang trong quá trình điều trị. Thoa vaseline để giữ ẩm môi. Giữ trọng lượng cơ thể ổn định, không nên tăng cân, bởi trên nền cơ thể suy yếu vì bệnh, việc tăng cân sẽ dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, khớp...