Bóng đá và cuộc sống là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, đôi khi ngôi sao bóng đá lại chẳng khác một ngôi sao ở đời sống là mấy và người ta phải kính nể và trọng vọng một cách đáng ngạc nhiên.

Năm 1964, khi công tước xứ Edinburgh đến xem một trận bóng đá nhân chuyến viếng thăm Sao Paulo, một cuộc tranh luận tương đối căng thẳng giữa đại diện của Hoàng gia Anh và Ủy ban nghi lễ của thành phố Sao Paulo đã bùng nổ xung quanh câu hỏi: nên giới thiệu công tước với Pele hay phải để Pele đến chào công tước? Kết quả, công tước xứ Edinburgh phải đến gặp Pele!

Còn khi Pele đến thăm nước Pháp, ông được đón tiếp bởi một bộ trưởng và được đoàn xe mô tô hộ tống vào thủ đô Paris như một nguyên thủ quốc gia. Lúc Pele đến thăm Nigeria, đúng vào thời điểm cao trào của một cuộc nội chiến, các phe thỏa thuận ngưng bắn để xem Pele chơi bóng.

Có thể khẳng định, người ta gọi Pele là "Vua bóng đá" vì những sự kiện vĩ đại bên ngoài sân bóng hơn những gì trên sân. Cần nhớ, những chi tiết cụ thể nêu trên đều là chuyện có thật 100%, và đấy không phải là những chi tiết mà giới quan sát có thể nhìn nhận theo quan điểm riêng của mình.
<a rel="nofollow" href="http://nk7.upanh.com/b1.s27.d1/24d9cbda78b250c26878bf7ebe72688b_43095247.pele2.jp g" onclick="_gaq.push(['_trackEvent', 'Outgoing', 'nk7.upanh.com', '/b1.s27.d1/24d9cbda78b250c26878bf7ebe72688b_43095247.pele2.jp g']);return hs.expand(this)"></a>

Mặt khác, Pele nổi tiếng như vậy trong thời kỳ mà người ta hầu như chưa biết đến khái niệm PR, chẳng mấy ai quan tâm đến việc quảng cáo hay đánh bóng thương hiệu. Thời ấy (và cả bây giờ cũng vậy), Pele nổi tiếng đến mức độ có những người không cần biết Brazil nằm ở đâu trên thế giới, cũng chưa bao giờ được xem Pele chơi bóng, nhưng vẫn biết về Pele, vẫn có thể kể vanh vách về Pele, bởi những gì họ đọc trên sách báo, hoặc đơn giản hơn là qua những gì họ… nghe kể lại!

Trong thập niên 1960, Pele thật sự là một hiện tượng gây tiếng vang trên toàn thế giới. Ông nổi tiếng đến độ có những chuyện không sao tin được, nhưng vẫn là sự thật rành rành, được báo chí ghi nhận một cách rõ ràng.

Chẳng hạn như chuyện kỳ lạ trong một trận đấu của Santos tại Bogota vào năm 1969. Pele lĩnh thẻ đỏ do phản ứng quá lố trước những hành vi phân biệt chủng tộc của các cầu thủ Colombia. Khi đã vào đến phòng thay đồ, ông lại được gọi trở ra, và chính Pele không tin vào mắt mình. Trên khán đài, các cổ động viên Colombia bất bình đến độ tuôn ra những tràng la ó, đe dọa tính mạng của trọng tài. Cuối cùng, ban tổ chức phải thay trọng tài và gọi Pele trở lại sân để tiếp tục thi đấu. Người ta cho rằng trọng tài, chứ không phải Pele, mới là nhân vật đáng bị đuổi nhất!

Đồng đội Clodoaldo của Pele kể lại thời kỳ hào hùng mà Santos hốt bạc nhờ những chuyến đi biểu diễn khắp thế giới: "Chúng tôi thi đấu liên tục, quanh năm. Bản hợp đồng nào cũng có điều khoản buộc Pele phải xuất hiện trên sân ít nhất 65 phút. Có những nơi, người ta hôn vào nơi mà Pele đã đặt chân"!

Trong thập niên 1960, dân Mỹ nào đã biết gì về bóng đá! Vậy mà Pele lại trở thành nhân vật da đen đầu tiên xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Life nổi tiếng. Khi một CLB Italia đề nghị chuyển nhượng Pele với giá 1 triệu USD thì chính quyền Brazil, không cần biết luật chuyển nhượng của FIFA là như thế nào, nhanh chóng tuyên bố: "Pele là tài sản quốc gia, CLB Santos không được quyền bán"!

Có một chi tiết ít được bàn đến, Pele vươn lên trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khi mà các nước phương Tây thường miễn cưỡng ca ngợi một ngôi sao của phe XHCN, hoặc ngược lại. Càng khó có chuyện tôn vinh đại diện của phe bên kia như một biểu tượng thể thao, ngự trị toàn thế giới. Pele là niềm hãnh diện của thế giới thứ ba trong thời kỳ ấy. Nếu cần xác định một tượng đài thể thao vĩ đại nhất thế giới, đương nhiên ông có một sự thuận lợi không nhỏ. Suy cho cùng, đây cũng là một khía cạnh ngoài sân cỏ, và là yếu tố để làm nên một Pele "vĩ đại", chữ không phải hơn 1.000 bàn thắng và 3 chức VĐTG của ông.