Trong những ngày qua, người ta nói rất nhiều về trường hợp của kình ngư số 1 Việt Nam Hoàng Quý Phước. Thông tin rạn nứt nội bộ giữa các thành viên ban huấn luyện xung quanh chuyến tập huấn tại Mỹ của Quý Phước bị người trong cuộc phản đối cật lực. Mặc dù có hay không những rạn nứt, rõ ràng là Quý Phước không thể tiến bộ trong hoàn cảnh như thế này.

Đầu tiên, việc Hoàng Quý Phước sang Mỹ tập huấn đã bị nghi ngờ về tính hiệu quả. Sở dĩ không hiệu quả là do Hoàng Quý Phước đi tập huấn theo những mối quan hệ cá nhân. HLV của kình ngư này thông qua những đầu mối quen, những người bạn để đưa anh sang Mỹ tập huấn. Chính điều này đã khiến cho Quý Phước không có được một lịch trình tập huấn theo mong muốn.

Đặt trường hợp nếu Quý Phước sang Mỹ tập huấn thông qua sự liên hệ của ngành TDTT, hoặc liên đoàn bơi trong nước với các đối tác tương đương tại Mỹ, với văn bản hoặc thỏa thuận chi tiết giữa đôi bên thì kình ngư số 1 Việt Nam sẽ có một chuyến tập huấn tốt hơn nhiều. Khi đó, Hoàng Quý Phước sẽ không phải quá lo xung quanh chuyện tìm địa điểm tập, hoặc sẽ có thêm sự hỗ trợ về mặt chuyên môn từ các chuyên gia của bạn.

Một vấn đề khác cũng được người trong giới nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua là chuyện HLV Nguyễn Tấn Quảng – HLV của Hoàng Quý Phước ở đội trẻ Đà Nẵng – cũng cùng với Quý Phước đến Mỹ, đồng thời ông Quảng cũng có tiếng nói nhất định trong công tác chuyên môn liên quan đến Quý Phước.


Chuyện HLV đội trẻ theo VĐV đến tận đội tuyển quốc gia là chuyện xảy ra ở rất nhiều môn của thể thao Việt Nam, cho dù đấy không phải là cách hay của thể thao chuyên nghiệp. HLV đào tạo Quý Phước thành tài dĩ nhiên có công lớn, nhưng người giỏi trong đào tạo trẻ chưa hẳn đã giỏi trong huấn luyện đỉnh cao.

Ở các nước có nền thể thao phát triển đúng chất chuyên nghiệp, thường thì HLV đội trẻ chỉ chuyên đào tạo trẻ, trong khi HLV đỉnh cao chỉ chuyên sâu làm đỉnh cao. Hầu như không có chuyện HLV đội trẻ theo VĐV đến tận đội lớn như ở Việt Nam.

Giữa đào tạo trẻ và huấn luyện đỉnh cao khác xa nhau, về mặt quy mô, phương pháp cũng như tâm lý đối với VĐV. Không thể đánh đồng tâm lý của một cậu bé và một người đàn ông, càng không thể có chuyện một VĐV năng khiếu và một ngôi sao thể thao có cùng một suy nghĩ, cùng một hướng giải quyết sự việc trong cùng một vấn đề.

Không nói đâu xa, ở môn bóng đá, HLV Nguyễn Văn Thịnh của SLNA từng nổi tiếng nhờ cho ra lò hàng loạt tài năng xuất chúng của bóng đá xứ Nghệ như Văn Quyến, Như Thuật, Minh Đức, Lâm Tấn…, nhưng ông Thịnh “đen” chưa bao giờ thành công lúc huấn luyện bóng đá đỉnh cao. Ông Thịnh lận đận từ đội này sang đội khác, bôn ba từ Bắc chí Nam nhưng chưa có thành công đáng kể.

Bản thân các cầu thủ kể trên lúc đã thành ngôi sao thì cũng không còn nghe ông Thịnh nói như lúc họ chưa là gì. Điều này thì chính bản thân HLV Nguyễn Văn Thịnh đã thừa nhận.

Cứ cho rằng HLV của đội tuyển bơi lội hiện nay chưa khiến các đồng nghiệp phải phục, nhưng một HLV chuyên đào tạo trẻ lại có thể can thiệp vào chuyện của đội tuyển quốc gia cũng không phải là phương pháp tốt.
24h.com.vn, Chủ nhật, 08/04/2012, 09:22 AM (GMT+7)