Chiếc cúp Monte Carlo từ tay Hoàng tử Albert đệ nhị lại được trao cho người được cho là Vua của mặt sân đất nện Rafael Nadal chứ không phải ông Vua của tennis hiện tại Novak Djokovic.

Đó là lần thứ tám liên tiếp Nadal đăng quang ở giải đấu này, thiết lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử môn thể thao này, mà có lẽ sẽ tồn tại vĩnh viễn, hoặc nó chỉ có thể bị xô đổ bởi chính anh trong năm tới.



Rafael Nadal, ông vua sân đất nện trong làng tennis, và Hoàng tử Albert đệ nhị của Công quốc Monaco

Ngay cả khi Djokovic bị tác động mạnh bởi nỗi đau ông của anh đã qua đời ngay trước khi tay vợt này bước vào vòng đấu thứ ba (thua Dolgopolov trong set một rồi thắng ngược dòng), và điều đó đã chi phối tới thể lực, tinh thần của anh trong cả chặng đường còn lại của giải, thì cũng không thể phủ nhận sự xuất sắc của Nadal ở giải đấu năm nay cũng như cả bảy lần lên lên ngôi trước đó.

Nadal đã không để thua một set nào ở Monte Carlo năm nay, và trong chuỗi 40 trận thắng liên tiếp ở giải đấu này, anh chỉ để mất có sáu set. Trong chuỗi tám trận chung kết ở đây, Nadal đã đánh bại những người xuất sắc nhất, trong đó có Coria, Federer ba lần liên tiếp, với Djokovic đây là lần thứ hai, hay Federer trong năm xuất sắc nhất của tay vợt này - 2011...
Đất nện giải cứu Nadal

Chức vô địch Monte Carlo 2012 đã chấm dứt cơn khát danh hiệu kéo dài 10 tháng của Nadal, một quãng thời gian chỉ ngắn hơn so với cơn khủng hoảng của năm 2009 - 2010 khi anh phải xa sân đấu 5 tháng và có 7 tháng thi đấu 13 giải không danh hiệu.

Sự khác biệt giữa hai quãng thời gian cháy danh hiệu ấy của Nadal, nếu như lần đầu tiên là do chấn thương, thì lần thứ hai là do Djokovic vươn lên mạnh mẽ (Nadal vẫn lọt vào chung kết ba Grand Slam và bốn Masters 1000). Nhưng có một điều trùng lặp là cả hai lần Nadal đều tự giải hạn được ở Monte Carlo, hay cụ thể hơn nữa là trên sân đất nện sau khi anh giành được danh hiệu cuối cùng cũng trên chính mặt sân đất nện. Năm 2009, danh hiệu trước khi gặp hạn của Nadal là Rome Masters, còn danh Nadal có trước khi bước vào Monte Carlo 2012 là Roland Garros 2011.

Dù đã phát triển và hoàn thiện nhiều kỹ năng khác để trở thành một tay vợt khá toàn diện, thì Nadal vẫn tìm thấy ở sân đất nện những điều kiện lý tưởng nhất để thi triển những ưu điểm của anh như khả năng phòng ngự, sử dụng những cú đánh xoáy và đôi chân di chuyển thật đặc biệt. Trong suốt chiều dài lịch sử tennis thế giới, cũng đã từng có những chuyên gia sân đất nện tầm cỡ, nhưng Nadal như được sinh ra để chơi và thống trị mặt sân này.

Monte Carlo 2012 là danh hiệu thứ 47 của anh và nó là danh hiệu thứ 33 trên mặt sân đất nện. Hay bảy danh hiệu Masters 1000 gần đây nhất của Nadal thì chẳng có cái nào trên mặt sân cứng hay sân trong nhà. Chỉ có hai người có được bộ sưu tập cúp trên mặt sân đất nện nhiều hơn Nadal là Guillermo Villas (Argentina) và Thomas Muster (Áo). Nhưng cả hai chỉ có một Roland Garros cho riêng mình, và Villas chỉ có một danh hiệu tương đương với Masters 1000, còn Muster có sáu.


Nadal hay Bjorn Borg


Thành ra, chỉ có một người thực sự xứng đáng để so đọ với Nadal xem ai thực sự là Vua đất nện, là Bjorn Borg, người có 30 danh hiệu trên sân đất nện, trong đó cũng có sáu chiếc cúp Roland Garros. Nếu như Nadal năm nay mới 26 tuổi và có thể sẽ tự nâng cao những kỷ lục trong từng năm tới, thì huyền thoại người Thụy Điển cũng để lại cho thế giới một câu hỏi rằng nếu ông không gác vợt năm 27 tuổi, chỉ sau tám năm chơi chuyên nghiệp, liệu ông có thể giành thêm bao nhiêu Roland Garros và các giải đất nện khác nữa. Hoặc cứ cho rằng Borg treo vợt sớm bởi ông bị ám ảnh rằng John McEnroe sẽ đánh bại ông ở những lần chạm trán tiếp theo, thì có một thực tế là ông chưa bao giờ thất bại trước đối thủ lớn nhất ấy trên mặt sân đất nện.

Hay việc ông chỉ có tám danh hiệu trên mặt sân đất nện trong tổng số 15 chiếc cúp ở đẳng cấp Masters (và giải đấu tương đương), thì Borg lại chứng tỏ cho mọi người thấy ông xuất sắc ở thời của mình như thế nào qua việc chỉ thua đúng một trận chung kết trên mặt sân đất nện (Monte Carlo 1973 - năm đầu đánh giải) Illie Natase (một chuyên gia đất nện khác người Rumani).

Còn Nadal đã có tổng cộng 20 trận chung kết trên mặt sân đất nện ở Masters 1000 nhưng đã bị Federer và Djokovic mỗi người hai lần đánh bại.

Thực ra so sánh hai cá nhân ở hai thời điểm khác nhau là sự khó khăn bởi sự khác biệt của điều kiện thi đấu mà ở tennis là sự hỗ trợ của công nghệ trong việc sản xuất ra những chiếc vợt. Chẳng hạn, Nadal sẽ không thể tạo nên những cú đánh tới 3.700 vòng/phút nếu như giờ đây tất cả vẫn dùng vợt gỗ, và không có những bộ dây nhìn bề mặt thì tròn và trơn nhưng bên trong lại có tới tám cạnh như dây RPM17 mà anh đang sử dụng. Hay chưa bao giờ tennis lại là cuộc chơi khắc nghiệt về mặt thể lực như hiện nay, và để một chuyên gia cuối sân như Borg thành công trên mặt sân đất nện trong những năm 70-80 là tương đối thuận lợi bởi hầu hết đều theo trường phái giao bóng - lên lưới.

Nadal ở Monte Carlo mới đây đã nói rằng hãy chờ cho tới khi anh giải nghệ để nói về anh và Bjorn Borg xem ai là người xuất sắc hơn ai trên mặt sân đất nện. Đó có lẽ là câu trả lời chính xác nhất và như thế dù không thay đổi tính cách khiêm tốn của mình, Nadal cũng đã mở cho tất cả một đáp án: nếu anh tiếp tục chinh phục các giải đất nện, anh sẽ thực sự là Vua đất nện của mọi thời đại, giống như khi Federer vô địch Grand Slam thứ 15, không còn ai đặt câu hỏi giữa anh với Sampras, ai mới thực sự là xuất sắc nhất của lịch sử môn thể thao này.

Match Point

Nadal như vậy lại vượt lên trước Federer trong cuộc đua xem ai là người giành nhiều Masters 1000 nhất trong lịch sử tennis. Federer với 19 danh hiệu, sẽ phải chờ tới Madrid tổ chức đầu tháng 5 tới để có cơ hội san bằng kỷ lục 20 danh hiệu của Nadal. Và Nadal có cơ hội để nâng số cúp trên sân đất nện lên thành 34 danh hiệu khi anh bảo vệ Barcelona Open tuần này.


(Phạm Tấn - TT&VH Cuối tuần)