Một trong những niềm tự hào lớn nhất của giải đấu Roland Garros là Coupe des Mousquetaires (tiếng Anh là The Musketeers’s Cup: Cúp của những chàng lính ngự lâm).

Coupe des Mousquetaires
4 chàng lính ngự lâm, họ là ai?

Trong giai đoạn cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỷ trước, 4 chàng lính ngự lâm mà chúng ta đang nói đến chính là những kẻ thống trị làng banh nỉ thế giới. Trong khoảng thời gian đó, họ đã thay nhau đoạt tới gần 20 danh hiệu Grand Slam ở nội dung đánh đơn, và 23 danh hiệu ở nội dung đánh đôi. Không những vậy, ở giải đấu Davis Cup dành cho ĐTQG, 4 tay vợt này đã giúp nước Pháp giành 6 chiếc cúp liên tiếp, kéo dài từ năm 1927 đến năm 1932. 4 vị anh hùng của quần vợt Pháp khi đó, chính là Jean Borotra (1898–1994), Jacques Brugnon (1895–1978), Henri Cochet (1901–1987) và René Lacoste (1904–1996).

Jean Borotra trong cả sự nghiệp đã giành được 5 danh hiệu Grand Slam đơn nam, Jacques Brugnon chưa giành được 1 Grand Slam nào ở nội dung đơn nhưng ông đã có trong tay tới 10 danh hiệu ở nội dung đánh đôi. Henri Cochet ấn tượng hơn với 7 danh hiệu Grand Slam nội dung đơn, còn René Lacoste cũng có thành tích tương tự với 7 chiếc cúp danh giá. 4 huyền thoại này đều đã trở thành những tượng đài bất tử trong làng tennis Pháp nói riêng và cả thế giới nói chung. Cả 4 người đều đã được vinh danh trong ngôi đền của những huyền thoại “International Tennis Hall of Fame” vào năm 1976.

4 chàng lính ngự lâm huyền thoại của quần vợt Pháp

Vinh dự hơn, để vinh danh những chiến công và đóng góp của 4 người, Liên đoàn quần vợt Pháp đã gọi họ là “4 chàng lính ngự lâm Musketeers” và dùng cái tên này để đặt tên cho chiếc cúp Roland Garros, giải Grand Slam danh giá trên mặt sân đất nện, bắt đầu từ năm 1927, thời điểm mà họ đã cùng nhau giúp ĐT Pháp lần đầu tiên vô địch Davis Cup.
Một kiệt tác của nghệ thuật kim hoàn

Phiên bản của chiếc cúp mà chúng ta vẫn thấy các nhà vô địch giương cao ngày nay được hình thành từ năm 1981, theo sáng kiến của chủ tịch Liên đoàn QV Pháp khi đó là huyền thoại Philippe Chatrier. Và nghệ nhân có vinh dự tạo nên chiếc cúp này chính là hãng kim hoàn gần 400 năm tuổi Mellerio hay còn gọi là Meller, một gia đình gốc Bắc Ý đến lập nghiệp tại Paris từ năm 1515. Hãng kim hoàn danh tiếng Paris Mellerio đã tham gia cuộc thi thiết kế chiếc cúp cho giải Roland Garros và giành chiến thắng khi mẫu dự thi đáp ứng được đầy đủ những gì người Pháp mong đợi: thể hiện hoàn hảo chiến công huyền thoại những năm 20 của thế kỷ XX do “Bốn chàng Ngự lâm” nước Pháp lập nên.

Phần đế Cúp với tên các nhà vô địch

Chiếc cúp nặng tới 14kg, cao 21 cm và rộng 19cm và được làm hoàn toàn bằng bạc khối. Mép trên cùng chiếc cúp được viền bằng một hàng họa tiết hình lá nho đều đặn và tinh xảo, với hai tay cầm hình đôi thiên nga giang cánh. Dưới cùng chiếc cúp là một chân đế vững chắc bằng đá cẩm thạch, trên đó khắc tên những nhà vô địch theo từng năm thi đấu. Bản gốc của chiếc cúp được lưu giữ tại phòng Bảo tàng của sân Roland Garros, và chỉ được trao tượng trưng cho nhà vô địch trong trận chung kết, còn chiếc cúp mà các tay vợt lên ngôi được mang về chỉ là bản sao, nhưng hãng Mellerio cũng phải mất tới gần 100 giờ mới có thể chế tác giống hệt bản gốc!

Bản gốc (phải) và bản sao của chiếc Cúp Mousquetaires trong lễ trao giải
Chiếc cúp danh giá nhưng cũng khắc nghiệt nhất thế giới

Chiếc cúp Mousquetaires đã từng được những huyền thoại lẫy lừng nhất của làng banh nỉ giương cao và đặt những nụ hôn chiến thắng lên nó. Người đầu tiên vinh dự được nâng cao phiên bản mới nhất của chiếc cúp vào năm 1981 là huyền thoại Bjorn Borg. Kể từ đó đến nay, đã có không ít những tay vợt đã vươn đến đỉnh cao trong sự nghiệp ở giải Grand Slam danh giá này, có thể kể đến Ivan Lendl, Andre Agassi, Gustavo Kuerten, và đặc biệt là ông vua sân đất nện Rafael Nadal hay huyền thoại vĩ đại nhất làng banh nỉ Roger Federer. Chiếc cúp Mousquetaires cũng đã chứng kiến những sự lên ngôi có thể coi là bất ngờ bậc nhất trong lịch sử như khi Michael Chang vô địch năm 1989 hay Andres Gomez người Ecuador vô địch 1 năm sau đó.

Tuy nhiên không phải huyền thoại nào cũng có được vinh dự mang về phòng truyền thống dù chỉ là bản sao của chiếc cúp Mousquetaires. Những Pete Sampras, Jimmy Connors, Boris Becker hay John McEnroe đều là những tượng đài của lịch sử tennis nhưng họ chưa từng 1 lần được nếm trải vinh quang tại Roland Garros. Chính vì thế giải Grand Slam trên mặt sân bụi đỏ này cũng luôn được xem là một trong những giải đấu danh giá nhất nhưng cũng là khắc nghiệt nhất đối với mọi tay vợt.
Xem công đoạn chế tác cúp Mousquetaires:

24h.com.vn