Nếu như vua sân đất nện đời nào cũng có thì giờ đây ai là nữ hoàng của mặt sân khắc nghiệt này lại câu hỏi chưa lời đáp.

Maria Sharapova, người đã lên ngôi ở hai giải đất nện gần đây có quy mô tương đương với Masters 1000 của nam là Stuttgart và Rome, đã tự gạch tên mình ra khỏi danh sách những người được coi là chuyên gia trên mặt sân này, bởi “là chuyên gia đòi hỏi bạn phải thắng hết giải này tới giải khác”.

Sharapova vô địch Stuttgart 2012

Đương kim số 1 thế giới, Vika Azarenka cũng không phải là một nữ hoàng trên sân đất nện bởi sau bốn giải vô địch liên tiếp trên sân cứng, cô thất bại liên tiếp tại ba giải đất nện.

Và điều quan trọng hơn tất thảy, cả Sharapova và Azarenka, hai tay vợt Đông Âu (Nga và Belarus) trưởng thành nhờ các lò đào tạo của Mỹ, đều chưa từng có một danh hiệu Roland Garros, dù cho họ đã vô địch ít nhất một Grand Slam (Azarenka tại Australian Open), hoặc đã thâu tóm danh hiệu trên các mặt sân còn lại (Sharapova có 3 Grand Slam).

Azarenka chưa bao giờ thực sự mạnh trên mặt sân đỏ

Người vừa mới vô địch giải đất nện lớn và gần đây nhất là Madrid, Serena Williams, cũng không được coi là nữ hoàng sân đất nện. Lý do không phải sân đất nện ở đó màu xanh, mà điểm cốt tử là trong số 13 Grand Slam giành được, chỉ có một lần duy nhất cô đăng quang tại Roland Garros. Và cũng xin biết rằng vinh quang đó đã cách nay chẵn 10 năm khi hai chị em nhà Williams gặp nhau trong trận chung kết, và cô em thắng cô chị 7-5 6-3.

Rồi mở rộng ra hơn nữa, tay vợt được coi là có những tố chất bẩm sinh đặc biệt nhất, Petra Kvitova, cũng chỉ giỏi trên mặt sân cỏ (vô địch Wimbledon). Và bản thân Kim Cljister cả khi còn trẻ lẫn khi cầm vợt trở lại đều thất bại trước thử thách Roland Garros.

Bộ chân của Kvitova có lẽ thích hợp với mặt sân cỏ hơn

Ba nhà vô địch Roland Garros từ 2008-2010, Anna Ivanovic, Svetlana Kuznetsova và Francesca Schiavone, đều chỉ nổi lên nhất thời, sau khi bất ngờ vô địch, để rồi trở về với bản chất và đẳng cấp của chính họ. Li Na năm nay mới bảo vệ chức vô địch, nhưng cô có lẽ cũng không khả dĩ hơn so với ba cái tên nói trên, bởi thành tích tồi tệ trong suốt một năm qua của cô đã nói lên tất cả. Phải tới gần đây, Li Na mới lọt vào trận chung kết Rome nhưng vẫn thua cay đắng trước Sharapova dù đã thắng set 1 và dẫn trước trong set 2 tới 4-0. Schiavone năm ngoái đã lọt vào tới trận chung kết để bảo vệ danh hiệu nhưng lại bỏ lỡ cơ hội, bởi vấn đề thể lực và tuổi tác.

Kuznetsova (phải) nhẹ nhàng hạ Agnieszka Radwanska ở vòng 3 Roland Garros năm nay
Đất nện quá khắc nghiệt với các tay vợt nữ

Bạn có thể xoạc trên sân đất nện, và lợi điểm duy nhất này không thể bù lấp được những đòi hỏi rất cao về mặt thể lực do các loạt đánh bền bỉ và dai dẳng hơn diễn ra liên tục trên mặt sân chậm.


Đương kim VĐ Li Na không có nhiều hy vọng bảo vệ ngôi Hậu tại Roland Garros

Để khai thác được đặc điểm bóng nảy cao của sân đất nện, các tay vợt nữ cũng phải thực hiện những cú đánh bóng xoáy topspin giống như các tay vợt nam, rồi tiếp đến là khai thác lối đánh cuối sân. Đòi hỏi này dường như vượt quá những phẩm chất hiện có của top 4 tay vợt đang dẫn đầu bảng WTA là Azarenka, Sharapova, Agnieszka Radwanska và Kvitova.

Ở sân đất nện thì những cú giao bóng thẳng và nhanh khó phát huy tác dụng, trong khi đó cả làng banh nỉ nữ hiện nay chỉ có duy nhất Samantha Stosur (người Australia) chuyên trị những cú giao bóng xoáy đổi hướng nảy cao (kick serve). Nhưng oái oăm thay, Grand Slam duy nhất mà tay vợt này vô địch cho tới hôm nay lại diễn ra trên mặt sân cứng (US Open) sau khi đã đánh bại Serena Williams trong trận chung kết năm 2011.


Sam Stosur

Hoặc cũng có thể đặt ra câu hỏi, nếu tính tới thể lực như một ưu thế trên sân đất nện, thì chị em nhà Williams đáng ra phải là những người thống trị ở Paris. Nhưng thực tế, họ mới vô địch ở đây một lần duy nhất cách nay đã chục năm (Serena đăng quang năm 2002 sau khi đánh bại chính chị gái Venus).
Lý giải từ biểu tượng Justin Henin

Có một tay vợt mà hễ gặp ở Roland Garros, Serena luôn chịu gác vợt, là Justin Henin. Dù cho tỉ lệ đối đầu giữa họ là 8-6, nghiêng về Serena, nhưng trong năm lần họ đối đầu trên mặt sân đất nện, Henin thắng tới bốn lần, trong đó có hai chiến thắng ở Paris.

Henin cũng chính là người duy nhất kể từ sau huyền thoại Monica Seles vô địch Roland Garros ba lần liên tiếp. Và thực ra, ngoài họ không còn ai có đủ khả năng đạt được thành tích tương tự tính từ kỷ nguyên mở (Open Area) bắt đầu từ năm 1968. Ngoài ba chiếc cúp liên tiếp kể từ 2005 tới 2007, Henin còn vô địch thêm một lần nữa nhờ thắng Kim Clijsters trong trận chung kết năm 2003.

Henin với chức VĐ Roland Garros 2005

Vậy mà Henin chỉ cao 1,67 mét, đủ để bị xếp vào diện những tay vợt “lùn” trong làng banh nỉ của nữ, khi mà chiều cao của Sharapova, Kvitova hay Azarenka đều trên 1,8 mét. Nhưng có một điểm đáng chú ý là Roland Garros trong những năm qua lại ghi nhận sự thắng thế của các tay vợt hạn chế chiều cao: nhà vô địch Li Na năm 2011 cao 1,72 mét, Schiavone chỉ cao 1,67 mét và Kuznetsova cao 1,74 mét.

Những lợi điểm của các tay vợt hạn chế chiều cao là khả năng xoay sở linh hoạt, di chuyển nhanh bằng bước chân đều và nhỏ cũng như có thể đổi hướng rất mau, những đòi hỏi rất cơ bản khi thi đấu trên mặt sân đất nện. Hẳn cũng không phải ngẫu nhiên khi Roland Garros từng chào đón những nhà vô địch nam chỉ cao trên dưới 1,7 mét như Gaston Gaudio (2004). Hay tay vợt gốc châu Á có chiều cao hạn chế, Michael Chang không thể thành công ở Wimbledon hay US Open nhưng lại từng vô địch Roland Garros 1989.

Nhưng Henin vượt lên trên tất cả những tay vợt có cùng “kích cỡ” và thống trị Roland Garros ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 còn nhờ một “kho vũ khí” tầm cỡ thiên tài với cú thuận tay đón bóng sớm rất nặng và khá xoáy, những cú serve rất nhanh và chính xác, và cả cú trái một tay được mệnh danh là Roger Federer của nữ. Cũng có băn khoăn rằng tại sao Henin và Schiavone đều chơi trái một tay nhưng họ vẫn thành công ở Roland Garros? Câu trả lời ở đây là làng banh nỉ của nữ chưa có ai có thể tạo ra những cú đánh xoáy giống như Rafael Nadal để khai thác mặt trái khó đánh bóng cao của trường phái một tay.

E là Roland Garros năm nay sẽ lại chỉ tìm ra được một nhà vô địch nữ đơn thuần chứ không thể tìm thấy hình bóng của một nữ hoàng như Henin của một ngày chưa xa.
Justin Henin có 7 chức vô địch Grand Slam, trong đó có 4 lần cô lên ngôi ở Roland Garros và 2 lần ở US Open cùng 1 lần ở Australian Open. Henin 2 lần vào chung kết Wimbledon nhưng đều thất bại. Roland Garros năm nay hoàn toàn có thể sẽ đón chào 1 nhà nhà nữ vô địch mới bởi các hạt giống hàng đầu là Azarenka, Sharapova, Kvitova đều chưa từng lên ngôi ở đây.
TT&VH Cuối tuần