Tại giải quần vợt Pháp mở rộng (Roland Garros) năm nay, Ban tổ chức đặc biệt gây chú ý khi tuyển dụng 9 chú chim ưng, một loài sinh vật cao cấp, làm nhiệm vụ canh gác trên bầu trời các sân đấu.

Duy trì sự liên tục của các trận đấu là nhiệm vụ mà Tara (một chú diều hâu Harris có nguồn gốc từ châu Mỹ) và 8 người bạn đảm nhiệm.

Để thực hiện nhiệm vụ, chúng đã trải qua một kỳ huấn luyện đặc biệt đảm bảo rằng chúng sẽ liên tục đi tuần trên các sân của Roland Garros, không cho phép một vị khách không mời nào bỗng nhiên xuất hiện từ trên không khi các giải đấu đang diễn ra, giúp các tay vợt tập trung hơn cho cuộc đấu.

Tara là "trưởng nhóm" bảo vệ bầu trời tại RG năm nay

Trên các sân đấu, trong đó có tennis, thỉnh thoảng lại xuất hiện những chú mèo, chó nhỏ ở dưới đất hay chim chóc trên không khiến các nhân viên phục vụ rất vất vả. Sự xuất hiện bất thình lình của chúng được xem là điềm chẳng lành cho các tay vợt, dù sự nguy hại lớn nhất mà chúng gây ra cũng chỉ là gây mất tập trung của các tay vợt, sự chú ý của nhân viên trên sân cũng như khán giả.

Roland Garros không phải là giải đấu đầu tiên tính tới giải pháp sử dụng những chú chim ưng, mà là Wimbledon. Câu chuyện động vật xuất hiện trên sân trở thành vấn đề lần đầu tiên được bàn thảo tại giải đấu lâu đời nhất thế giới từ năm 1989.

Trận bán kết đơn nam năm đó giữa McEnroe và Edberg đã bị gián đoạn khi hai con chim sẻ xông vào sân. Còn trong một trận đôi, cú đánh vận tốc 180km/h đã mang xuống khán đài một chú bồ câu chết.

4 năm trước, BTC Wimbledon đã thuê hai chú diều hâu Harris làm nhiệm vụ trên không, những nơi mà hiện con người chưa thế với tới, đặc biệt là các sân ngoài trời. Diều hâu sẽ xua đuổi đám bồ câu, nhưng chúng có thể giết chết đối phương. Vì vậy, sáng kiến này chưa kịp thực hiện đã phải dừng lại vì vấp phải sự phản đối của các nhà bảo vệ động vật.

Một tuần trước khi Roland Garros năm nay diễn ra, Tara và 8 người bạn của chú đã có những buổi tập luyện cuối cùng. Đúng vào lúc 5h30 sáng, chúng bay lượn trên các sân của Roland Garros. Nhiệm vụ đơn giản này được thực hiện vào buổi sáng và chiều, mỗi buổi một giờ đồng hồ.

Chim ưng được huấn luyện trước khi RG khởi tranh

Chúng là những con chim rất oai vệ với sải cánh dài, miệng và móng sắc nhọn đủ để dọa dẫm những chú bồ câu, không cho chúng gây gián đoạn các trận đấu, cũng như ngăn không cho phân của chúng vô tình rơi lên mũ các vị khách sang trọng.

Do Tara và bạn của chú trông quá dữ tợn nên nhiều người bắt đầu lo lắng cho sự an toàn của các chú chim nhỏ. Nhưng người huấn luyện cho rằng điều đó không đáng lo: “Ai cũng nghĩ rằng Tara sẽ ăn tươi nuốt sống các chú bồ câu. Nhưng đó không phải là sự thật. Chúng được huấn luyện để chỉ dọa bồ câu, và đuổi chúng đi. Khả năng tiếp xúc giữa hai loài chỉ là 1%”.

Các nhân viên tại Roland Garros đều có thẻ, và Tara cũng không ngoại lệ. Trên thẻ của chú ghi: Tara – Nghề nghiệp: Bird Scaret.

Tara đang thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu

Dùng chim ưng xua đuổi bồ câu là cách mà không ít sân bay trên thế giới áp dụng. Sân Bernabeu của Real cũng dùng cách này để xua đuổi bồ câu, loài chim thường làm tổ trên sân và gây mất vệ sinh với không ít phân phủ lên khán đài.

Herculaneum, một thành phố di tích đổ nát của Italia cũng vậy. Họ dùng chim ưng để xua đuổi hàng đàn bồ câu làm tổ tại đây, ngăn ngừa chất axit của phân chim làm hư hỏng bề mặt chạm trổ độc đáo các công trình cổ.

Việc rèn luyện chim ưng là một nhiệm vụ khá khó khăn vì chim ưng phải được cho ăn uống đầy đủ để chúng không ăn thịt bồ câu, nhưng không cho chúng ăn no quá vì chúng lại lười làm nhiệm vụ.
DânViệt