Mất hai tuần quần quật ở Paris mới kiếm được 1,7 triệu USD, nhưng chỉ có mặt ở Đức năm ngày và đánh hai trận đơn, Rafael Nadal đút túi tới hơn 1 triệu USD.
550 ngàn USD cho một trận đấu

Ít người biết Nadal nhận được số tiền khủng khiếp ấy (so với công lao động của anh), bởi người ta không vẽ một tấm séc to đùng và lôi anh ra chụp ảnh khoe với công chúng. Và đấy cũng không phải là tiền thưởng để niêm yết công khai, vì một giải ATP 250 như Halle chỉ treo thưởng 115.000 euro (gần 150.000 USD) cho nhà vô địch. Mà Nadal lại chỉ lọt vào tới tứ kết.

Nói như ngôn ngữ thể thao thương mại, đó là tiền phí ra sân, bao gồm việc nhà tổ chức đưa tên Nadal vào danh sách tham dự, anh có mặt ở đó tham dự vài cuộc họp báo thông thường, và cuối cùng là ra sân thi đấu với một điều khoản cả hai bên cùng thuộc lòng: Kết quả của những trận đấu không phải là căn cứ để xem xét lại giá trị của bản hợp đồng.


Rafael Nadal - Ảnh Getty

Như vậy, nếu không tính việc Nadal tham dự nội dung đôi nam (với người đồng hương Marcel Granollers), mỗi trận đấu của anh ở Đức có giá khoảng 550.000 USD, đắt hơn chiếc đồng hồ Richard Mille mà anh đeo trên tay hiện là niềm mơ ước của biết bao dân sưu tập đồng hồ khủng! Thế mới hiểu vì sao ngay sau khi Nadal phát hiện chiếc đồng hồ của mình không cánh mà bay ở khách sạn tại Paris (cảnh sát Pháp đã tìm thấy chỉ sau 14 tiếng điều tra), anh gọi điện ngay cho ông chủ của hãng đồng hồ tài trợ, hứa sẽ đền đủ số tiền 370.000 USD nếu cảnh sát không tìm được.

Tiền công ngất ngưởng, vậy giá trị Nadal mang lại cho giải đấu tổ chức trên mặt sân cỏ hiếm hoi ở Đức và cả thế giới ấy là gì? Rất dễ suy luận: Là thương hiệu của một giải đấu sau khi giữ chân Roger Federer nhiều năm liền, nay quyến rũ được tay vợt vĩ đại thứ hai của tennis đương đại, sẽ còn thu hút được các tay vợt đỉnh cao khác, gọi được nhiều nhà tài trợ và bán được nhiều vé vào sân.

Còn với nhiều người quan tâm tới tennis trên góc độ chất lượng và tính cạnh tranh thực sự, sự hiện diện của Nadal đã mang lại những gì cho giải đấu và các khán giả?

Nadal loại Lukas Lacko (Slovakia) trong một trận đấu có chất lượng trung bình với tỉ số 7-5 6-1 ở trận đầu tiên. Ở trận thứ hai, anh trở thành diễn viên phụ để tay vợt được mệnh danh là "thần đồng không bao giờ lớn" của Đức, Philipp Kohlsreiber (từng vô địch châu Âu năm 14 tuổi) tỏa sáng. Nadal thua sau hai set trong một trận đấu anh luôn bị bẻ gãy game giao bóng từ rất sớm mà ít khi thể hiện được những cú đánh đã làm nên tên tuổi.

Nhưng, Nadal không đánh lừa ban tổ chức, những người đã cực kỳ hạnh phúc khi ký được hợp đồng với anh, đã nói trong lễ trao giải cho Tommy Haas (thắng Federer trong trận chung kết), là việc Nadal tới đây đã minh chứng về tầm vóc của giải.

Ai cũng biết là kể từ ngày Nadal đánh giải sân cỏ ATP 250 tổ chức giữa Roland Garros và Wimbledon, anh mới chỉ một lần vô địch (tại Queen, London 2008). Còn lại, anh luôn dừng bước ở tứ kết. Tức là Nadal nếu phải tham dự từ vòng một (những năm đầu) thì anh sẽ đánh ba trận, còn nếu được miễn (khi thứ hạng đã cao), anh chỉ ra sân đúng hai trận là bay ngay về Mallorca, nghỉ xả hơi trước khi bắt đầu tập trở lại để hướng tới Grand Slam trên sân cỏ sẽ diễn ra sau đó một tuần.


Ít tiền, đừng mơ mời Nadal và Federer


Thực ra, số tiền Nadal kiếm được từ Halle vẫn còn khiêm tốn so với 1,5 triệu USD mà giải Bangkok từng trả để đưa anh tới châu Á và cũng chỉ chơi dưới sức sau khi đã giành ba Grand Slam liên tiếp (năm 2010). Nó cũng cho thấy là với các tay vợt hàng đầu (trong đó có Federer, Novak Djokovic, Andy Murray), đánh giải nhỏ đôi khi lại kiếm tiền nhiều hơn các giải lớn. Và số tiền mà họ kiếm được từ phí ra sân và tài trợ mới là nguồn thu chủ yếu.

Chỉ còn thiếu đúng 793 USD nữa, Nadal sẽ chạm ngưỡng 50 triệu USD tiền thưởng và là người thứ hai trong lịch sử môn thể thao này làm được điều đó (sau Federer). Thế nhưng, là công dân Tây Ban Nha, nơi mà những người thu nhập từ 300.000 euro trở lên mỗi năm phải nộp thuế 52%, ngoài phần thuế phải nộp tại những nơi thi đấu, số tiền Nadal thực nhận “chỉ” còn lại hơn 20 triệu USD sau hơn chục năm theo đuổi tennis chuyên nghiệp.

Dẫu vậy, theo Tạp chí Những người giàu, Nadal hiện có tổng số tài sản ước tính hơn 70 triệu USD (đầu 2012). Phần lớn trong số đó là từ tài trợ và tiền phí ra sân. Năm ngoái, Nadal cũng kiếm được 31 triệu USD trước thuế dù cho tiền thưởng từ các giải đấu mà anh thu hoạch được chưa tới chục triệu USD. Một tỉ lệ tương tự cũng xảy ra với Federer, người kiếm được hơn 70 triệu USD tiền thưởng, nhưng hiện có tổng tài sản ước tính khoảng 150 triệu USD.

Nếu so sánh với các môn thể thao khác, phí ra sân của riêng Nadal hay Federer xem ra ngang ngửa với chi phí trả cho những câu lạc bộ bóng đá hàng đầu châu Âu tới các nước châu Á vào mỗi dịp hè vẫn thường dao động trong khoảng 1-2 triệu USD.

Nhưng có lẽ, đó không phải là tin vui cho các fan tennis Việt Nam, những người vẫn đang mong chờ một ngày nào đó được thấy Nadal và Federer thi đấu đâu đó ở Hà Nội hay TP.HCM.

Phạm Tấn - TT & VH Online