Nhìn vào danh sách top 5 WTA theo bảng Ranking mới nhất (sau Wimbledon 2012), thì chỉ duy nhất A.Randwanska là tay vợt chưa có được Grand Slam nào mà được xếp ở vị trí thứ 2 thế giới. Vậy A.Radwanska, cô là ai?

Tay vợt người Balan này được giới chuyên gia nhận định: thái độ của cô lãnh đạm, lối chơi của cô ủy mị. Hiếm khi cô có một cú ace, nếu có thì bóng đi với tốc độ chỉ cỡ 130 km/h, dội vào hàng rào phía sau sân không đủ gây nên một âm thanh uy lực. Cú đánh dễ nhận thấy của cô là cú forehand hoặc backhand ở tư thế ngồi xổm, liêu xiêu như chực ngã ngửa về phía sau, giống như một cô bé mất cân bằng khi đang đắp lâu đài cát trên bãi biển.

Nhưng Agnieszka Radwanska đang được xem là thứ “thuốc độc chậm” của làng tennis nữ. Nhiều người nhận xét Radwanska thuộc “trường phái cổ điển”, người độc miệng coi chiến thắng của cô là sự thụt lùi của tennis, có phụ nữ dựa vào sức mạnh thì cũng có phụ nữ thiên về (hoặc bắt buộc) trau dồi các mánh khóe và sự đa dạng trong lối chơi. Martina Hingis, thần tượng của Radwanska là một thí dụ. Chiều cao và cân nặng khiêm tốn của Radwanska (cao 1m72, nặng 56kg) không cho phép cô có được lối tấn công uy lực thì cô phải chọn sự đa dạng, bền bỉ bù đắp vào thôi. Chiến sách của A.Radwanska thay đổi theo từng đối thủ, cô luôn thay đổi nhịp độ thi đấu bằng các cú bỏ nhỏ, lốp bóng forehand kiểu móc lên, không cho các đối thủ thiết lập sự kiểm soát, cô không bao giờ đua sức với các tay vợt mạnh. Có thể coi lối chơi của Radwanska là thứ “tennis du kích”, đặc biệt là trước các đối thủ cao to, dồi dào thể lực hơn.

“Tất cả các tay vợt đều khác nhau, đều có đặc trưng riêng, không ai giống ai”, Radwanska nói, “Tôi sẽ chẳng bao giờ giao bóng được như Serena. Điều tôi cố gắng làm là trộn mọi thứ vào trong sân. Và lối chơi của tôi phải thật ổn định. Thêm điều nữa, tôi cần phải chạy rất nhiều”. Có thể có nhiều tay vợt phòng thủ tốt như Radwanska nhưng không ai có thể kết hợp giữa khả năng chơi sân với các cú đánh trả đa dạng như cô. Cô giá đến từ Krakow (Ba Lan) không la hét một cách mê cuồng khi thực hiện cú forehand, không đấm tay lên trời sau mỗi cú ăn điểm. Bước chân của cô nhẹ nhàng, cô không tốn năng lượng vào các thao tác chuẩn bị đưa bóng vào cuộc, tất cả những gì cô làm là che giấu cảm xúc của mình. “Tức giận”, Radwanska nói, “chỉ tốn sức, tốt hơn là nhìn về phía trước một cách lạc quan”. Đó là cách cô làm các đối thủ nản chí sau mỗi pha bóng đánh mãi không “chết”.

Hầu hết các tay vợt hàng đầu hiện tại không quan tâm đến đối thủ hay các tay vợt đi trước chơi ra sao, Radwanska thì khác. Cô lớn lên cùng với sự hâm mộ Hingis, Steffi Graf và Pete Sampras. Đến giờ cô vẫn là một cổ động viên nhiệt tình của tennis. “Tôi thích xem tennis. Kể cả khi tôi đi thi đấu giải rồi tập luyện cả ngày thì tối về khách sạn, tôi vẫn mơt tivi xem tennis. Đôi lúc tôi tự hỏi rằng mình có bị khùng hay không khi nhốt mình cả ngày với tennis”. Nhưng cũng có lẽ vì thế mà cô là người hiểu lối chơi của các đối thủ khác nhất. Và sự hiểu biết này có lợi cho thứ “tennis du kích” của cô.
Hình ảnh A.Randwanska trong trận thắng Kirilenko tại Wimbledon 2012

(tennis247)