Mới cách đây 7 tháng, Caroline Wozniacki còn giữ vị trí số 1 thế giới. Còn bây giờ, cô chuẩn bị văng ra khởi Top 10. Suốt gần 1 năm qua, cô chưa giành danh hiệu nào, dù là nhỏ. Kết quả các giải Grand Slam cứ tụt dần: tứ kết Australian Open, vòng 3 Roland Garros rồi bị lại ngay tại vòng 1 Wimbledon.
Thiếu sót từ lối chơi đến thái độ

Wozniacki có vấn đề gì với thể lực? Không hề. Mùa này cô còn chơi ít hơn mùa trước. Còn về tâm lý? Tình yêu của cô với tay golf Rory McIlroy đang thăng hoa nên đó không thể là vấn đề tâm lý được. Vần đề của Wozniacki là lối chơi và thái độ chuyên nghiệp. Một ngày sau khi bị loại tại Wimbledon. Wozniacki không có thời gian để dành cho nỗi buồn. Cô vợt tới Bắc Ireland để xem bạn trai Rory McIlroy đánh giải Irish Open, thay vì lao vào tập luyện để chuẩn bị cho Olympic. Tháng 9 tới, cô sẽ ra bộ sưu tập đồ lót “This is me” do cô thiết kế.

Martina Hingis nhận xét Wozniacki cần phải phát triển hơn lối chơi tấn công. Martina Navratilova nói cô phải tập trung hơn vào tennis. Thay vì nghe lời của các huyền thoại, cô xoay qua chỉ trích họ. Sau những thất bại, Wozniacki còn tỏ ra tự tin thái quá. “Bạn không nên sửa những thứ gì chưa hòng. Tôi đứng trong Top 5 suốt 3 năn liền thì hẳn tôi phải làm điều gì đó đúng chứ”, cô phản ứng như vậy trước những chỉ trích nhằm vào lối chơi nghèo nàn của cô. Hay như sau mỗi trận thua: “Nó không giống thảm họa. Phong độ của tôi chắc chắn sẽ trở lại”.

Lối chơi của Wozniacki là lối chơi phòng ngự khá khổ sở, cú giao bóng chưa thuộc loại uy lực, cú forehand khá vụng về so với các đồng nghiệp khác, ít khi ta thấy cô chủ động trong các trận đấu, bỏ nhỏ hay tràn lưới. Đó không phải là lối chơi của một tay vợt sẵn sàng chinh phục danh hiệu Grand Slam. Các chuyên gia am tường về tennis đã thấy điều này từ khi cô mới bắt đầu leo lên vị trí số 1 vào tháng 10.2010. Họ nghĩ rằng Wozniacki khi đó mới 20 tuổi còn nhiều thời gian để hoàn thiện về lối chơi, nhưng thực tế cho thấy, càng ngày Wozniacki càng thụt lùi. Còn vì sao Wozniacki đứng ở vị trí số 1 thế giới khá lâu thì đã có sự giải thích rồi: thời điểm đó, các tay vợt như Serena Williams, Maria Sharapova chấn thương, chưa trở lại phong độ trong khi Petra Kvitova, Victoria Azarenka, A.Radwanska, Kerber chưa trưởng thành . . .
Thay đổi không có nghĩa là mất hết

Cha con Wozniacki cũng từng muốn thay đổi. Trước Australian Open 2012, họ đã thuê HLV người Tây Ban Nha Ricardo Sanchez để thay đổi lối chơi, chủ động và giàu sức tấn công hơn nhưng chỉ sau 2 tháng, họ chia tay. Lý do chính là xung đột quan điểm giữa ông Ricardo Sanchez và ông Piotr Wozniacki. “Tôi rất tôn trọng ông Piotr vì những việc ông ấy đã làm cho tennis, dù ông ấy chưa từng chơi tennis chuyên nghiệp. Nhưng Piotr có hệ thống của ông ấy, tôi có hệ thống của tôi. Nếu chúng tôi tiếp tục thì tôi sẽ phải nằm trong hệ thống của ông Piotr. Đó là lý do chúng tôi chia tay”, Sanchez giải thích. Còn Wozniacki giải thích: “Tôi cảm thấy ông ấy không thể tạo ra khác biệt lớn trong lối chơi của tôi. Tôi có lẽ tiếp tục sẽ làm việc với cha tôi, tôi không thích đội hình của mình quá lớn, tôi thích không khí ấm áp”. Trước Roland Garros 2012, Wozniacki mời Thomas Johansson, cựu tay vợt Thụy Điển từng vô địch Australian Open 2002 làm việc, tất nhiên là dưới sự điều khiển chung của ông Piotr Wozniacki muốn thay đổi nhưng họ lại luôn nghĩ: thay đổi là có thể mất hết.

Như nhiều bậc cha mẹ làm HLV tennis cho con, Piotr cũng là người tự học các kiến thức tennis. Ông là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Ba Lan, đến Đan Mạch thi đấu rồi định cư luôn ở đó. Caroline Wozniacki bắt đầu chơi tennis từ năm 7 tuổi, nhưng đến năm 14 tuổi, ông Piotr mới trực tiếp huấn luyện con gái mình. Ông biết chỗ để đỗ lỗi cho lối chơi không tốt của con gái. “Caroline không biết cắt bóng, volley bằng hai tay, đánh bóng toàn dưới vạch cuối sân 3m… Đó là điều Đan Mạch làm cho Caroline”, Piotr nói,”Caroline không được như Steffi Graf hay Chris Evert, những tay vợt đến từ các nước có nền văn hóa tennis từ rất lâu. Đan Mạch không có nền văn hóa này”.
Hãy nhường chổ cho HLV giỏi

Piotr xem và học trong 7 năm, nói chuyện với nhiều tay vợt và HLV để rút ra các kinh nghiệm. “Tôi đã nhìn thấy nhũng sự khác biệt. Sau đó cha con tôi thực hiện những sự thay đổi, từ những điều nhỏ nhất, mỗi ngày. Nhưng những thứ kỹ thuật đã ngấm vào người Caroline trong 7 năm từ khi nó còn nhỏ không dễ để thay đổi”. Về lối chơi thụ động của Caroline, ông nhận xét con gái mình đánh bóng rất mạnh khi tập luyện: “Hỏi Novak Djokovic va Andy Murray, họ đã tập với Caroline mấy lần, lần nào họ cũng ngạc nhiên: Cái gì thế? Đây là phụ nữ hả? Caroline sẵn sàng chơi tấn công theo cách đây, nhưng chỉ khi luyện tập”. Sao không phải là khi thi đấu?

Wozniacki cần thay đổi gì? “Phải lên lưới nhiều hơn, phải cắt bóng để thay đổi nhịp độ trận đấu, chính xác hơn trong cú giao kiểu kick serve cho cú giao bóng hai”, Piotr biết điều đó đấy. Nhưng ông chưa làm được. Nếu ông chưa làm được thì hãy đứng sang hẳn một bên để người khác làm. Thực tế chứng minh rằng khi các bậc cha mẹ đứng sang hẳn một bên, không theo sát con cái nữa thì chúng tiến bộ hơn, như trường hợp của nhà Williams, Sharapova và mới đây nhất là của Radwanska quyết định không cho ông bố Robert theo mình đến các giải đấu nữa và giờ cô đã leo lên vị trí số 3 thế giới.

Hay như trường hợp của Andy Murray. Anh đã qua tay HLV Petchey, Gilbert, Maclagan, Corretja nhưng mẹ anh Judy Muray là người “buông rèm nhiếp chính” phía sau. Mùa này, khi Murray hỏi huyền thoại Ivan Lendle giúp anh, Lendl đã dứt khoát: “Tất cả các quyết định cuối cùng thuộc về tôi”. Và kết quả tại Wimbledon & Olympic London 2012 đã chứng minh tất cả. Caroline Wozniacki muốn tiến bộ thì cần quên cái “không khí ấm áp” mà cô thích đi, ông Piotr cũng nên ở nhà làm việc khác để cho một HLV giỏi hơn làm việc toàn bộ thời gian với con gái mình.
tennis247