Trong số những người tham gia phục vụ giải US Open 2012 vừa qua có một người nhặt bóng đặc biệt - binh nhì Ryan McIntosh. Miếng đề can ba màu đỏ-trắng-xanh trên cái chân giả của Ryan McIntosh nhắc nhở chúng ta một điều “tự do không được cho không, phải tranh đấu mới có nó”. Người lính Mỹ từng mất một chân ở Afghanistan cách đây 2 năm chọn cho mình cách sử dụng những ngày cuối mùa hè một cách đáng nhớ: trở thành người nhặt bóng tại giải US Open 2012 với thù lao 7,75 USD mỗi giờ làm việc.

Mục đích của Ryan ở cụm sân Flushing Meadows rõ ràng: truyền cảm hứng cho những người có hoàn cảnh như anh nhưng không làm xao lãng những người anh phục vụ, đó là các tay vợt hàng đầu thế giới. “Tôi chỉ là người nhặt bóng ở đây. Tôi không có gì đặc biệt. Tôi không coi mình như một người lính bị thương”, người lính 23 tuổi từ San Antonio (bang Texas) nói.

Vào một chiều tháng 12 năm 2010, Ryan đang đi tuần cùng trung đội bên thung lũng một con sông gần Kandahar, thành phố lớn thứ hai Afghanistan, anh dẫm phải mìn. Quả mìn phát nổ, quăng anh lên cao 3m. Nửa giờ sau, anh được phẫu thuật, chân của anh bị cưa đến giữa ống quyển. Tai nạn của Ryan xảy ra 4 tháng trước khi con trai anh, Kaden, chào đời. Anh nói anh phải nhanh chóng tập đi, rồi tập chạy trước khi đứa bé kịp lớn để nhận ra có điều gì “khác lạ” ở cha nó. “Khi tôi lớn lên, cha tôi là người luôn ở bên tôi, dạy tôi mọi thứ. Đó là điều tôi muốn làm với con mình”. Trước đây, Ryan là một tay chạy nước rút cừ khôi ở trường trung học.

Ý tưởng trở thành người nhặt bóng tại US Open đến với Ryan vào đầu năm nay khi anh thi chạy trong Warrior Game, một kiểu festival thể thao cho những người lính tàn tật. Anh đến dự tuyển nhặt bóng với 600 thí sinh khác và được tuyển chọn. Anh làm việc ở các sân phụ trong những ngày đầu. Vào thứ Hai (03/09), anh được làm việc ở sân chính Arthur Ashe, trước mặt những người lính trận cũng bị thương được mời đến dự các trận đấu.

“Tôi không muốn là người nhẫn tâm, nhưng có chân hay không có chân thì cũng phải có khả năng làm việc”, bà Tina Taps, trưởng bộ phận điều phối nhặt bóng tại US Open nói, “Nhưng đúng là Ryan đã tỏa sáng và tôi không thể không nhận anh ấy. Anh ấy có tính kỷ luật và ý thức làm việc theo nhóm của một người lính, điều tôi muốn các em nhỏ khác học từ anh ấy. Trên sân, Ryan chạy nhanh theo mọi đường bóng, đoán nhanh khi tay vợt cần khăn lau, ném bóng đẹp đếm mức người đồng nghiệp lớn tuổi Jerry Loughran khen là “hoàn hảo”. “Đầu tiên, họ hỏi tôi: cậu ném bóng được không?”, Ryan nói, “Tôi trả lời, tôi ném được lựu đạn nên chắc tôi cũng ném được bóng”.

Công việc của Ryan cũng khiến các tay vợt hài lòng. “Tôi khá căng thẳng lúc đầu trận, nhưng khi nhìn thấy anh ấy, tôi tự nhủ: OK, cuộc sống tốt đẹp mà, lạc quan lên”, tay vợt Pauline Parmentier nói sau khi cô đánh bại Yanina Wickmayer, “Anh ấy làm việc rất tốt”. Ryan không chỉ là người cụt chân duy nhất làm nhặt bóng ở cụm sân Flushing Meadows. Ngoài anh còn có Denise Castelli, cô gái đến từ New Jersey, năm ngoái và năm nay đều làm việc cho US Open.

Hiện tại, Ryan làm việc với vai trò điều phối viên thể thao trong quân đội, giúp trong những tàn tật tập thể thao sau khi họ hồi phục các vết thương. Anh đang có tham vọng tập chạy trở lại để dự thi Paralympics 2016. Nếu thi đấu tốt ở Warrior Games năm tới, có thể anh sẽ nhận được một khoản tài trợ.
Thegioitennis