Tạp chí Tennis ở Mỹ vừa chia sẻ với NHM cuộc tranh luận giữa các cây viết gạo cội v/v xem ai là người xuất sắc nhất ở thời điểm Federer, Nadal và Djokovic đạt đỉnh cao phong độ.


Vì là một chủ đề luôn tạo sự tranh luận (thậm chí còn hơn cả tranh cãi), nên họ khẳng định một điều là không so đọ xem ai là người có thành tích đồ sộ nhất. Vì đã quá hiển nhiên Federer là vĩ đại nhất nếu tính về số danh hiệu Grand Slam (17) cũng như số tuần trên ngôi số 1 thế giới (300++), còn Nadal là ông Vua sân đất nện với 7 Roland Garros cùng một sự nghiệp Vàng (có cả HCV Olympic), hay Djokovic có kỳ tích 43 trận thắng liên tiếp mà Federer và Nadal cũng chưa từng có cùng với việc anh giành ba Grand Slam trong năm 2011 hết sức thuyết phục.

Số liệu đối đầu thống kê ở đây cũng chỉ mang chút ít giá trị tham khảo. Việc Nadal dẫn Federer 18-10, trong đó có 8-2 ở Grand Slam; Federer dẫn Djokovic 15-12 trong đó có 6-5 ở Grand Slam, và Nadal dẫn Djokovic 19-14 trong đó có tỉ lệ 6-3 ở Grand Slam, nhưng cả ba trận thắng của Djokovic là ở chung kết cũng không phải là điểm nút của sự phân định hơn thua này.

So sánh ở đây chỉ đơn thuần là một giả thiết kiểu cỗ máy thời gian, nếu chúng ta vặn ngược hay xuôi những chiếc đồng hồ để ba tay vợt nói trên cùng đạt 100% phong độ về chuyên môn, thể lực, tâm lý thì ai thắng ai.

So sánh này xem ra khó khăn hơn nhiều việc chỉ đặt hai huyền thoại Federer và Nadal lên bàn cân. Bởi sự phức tạp đến từ việc có kẻ thứ ba là Djokovic và tính chất bắc cầu ở đây là một nguyên nhân quan trọng: Nadal khắc chế Federer. Djokovic lại trị được Nadal. Song Federer lại giải mã được Djokovic.

Peter Bodo, Stephen Stignor và biên tập viên Tom Perrotta của Tạp chí Tennis ở Mỹ được quyền đưa ra ý kiến của riêng họ và dĩ nhiên phải chứng minh được cho mọi người thấy bằng những lý lẽ và các con số thuyết phục.

Federer đương nhiên là xuất sắc nhất nếu xét về số danh hiệu
Tại sao Peter Bodo chọn Federer

Lý do thứ nhất đó là mặt sân. Cứng, cỏ hay đất nện là vấn đề lớn nhất giữa ba tay vợt này. Chẳng ai nghi ngờ Nadal xuất sắc nhất và vượt trội so với phần còn lại trên sân đất nện. Djokovic lại có bốn Grand Slam trên mặt sân cứng. Nhưng Federer lại đạt được những thành tựu xuất sắc trên các mặt sân khác nhau. Và chẳng có gì ngạc nhiên khi anh chỉ giành một Grand Slam đất nện là bởi Nadal vĩ đại nhất mọi thời đại trên mặt sân này, và điều này dẫn tới lý do tiếp theo.

Lý do thứ hai là kết quả trong những lần đối đầu. Federer chỉ vô địch Roland Garros một lần khi Nadal bị người khác loại sớm. Nhưng Nadal lại chưa gặp Federer ở US Open, mà lỗi không phải là của huyền thoại Thụy Sĩ - người đã có bảy lần lọt vào chung kết giải đấu đó để sẵn sàng đương đầu với bất cứ ai. Federer có thể đã thua Nadal trong lần gần nhất hai người gặp nhau ở Wimbledon, nhưng tỉ số đối đầu ở đấy nghiêng về anh, 2-1.

Lý do thứ ba là chất lượng lối chơi, kỹ thuật. Thứ tennis của Federer được Bodo cho là giàu tính nghệ thuật mà hiệu quả nhất. Đó là lý do tại sao Federer được yêu mến nhiều hơn so với hai người còn lại. Từ giao bóng tới thuận tay và volley đều mẫu mực. Ngay cả điểm yếu nhất là cú trái tay thực tế cũng là một kỳ quan của tạo hóa, và chỉ bị cho là nhược điểm khi phải đánh các đường bóng giằng co khi gặp Nadal trên sân đất nện. Chính Federer cũng là người đã chấm dứt chuỗi trận thắng của Djokovic trong năm 2011.

Và lý do cuối cùng là khi Federer ở tuổi 30 (và hơn) vẫn chơi tennis đỉnh cao, giành Grand Slam, thì anh đương nhiên là xuất sắc nhất khi sung sức.

Nadal là Vua sân đất nện và đã có sự nghiệp Vàng
Tại sao Tom Perrotta chấm Nadal?

Lý do ở đây thật đơn giản: Trận chung kết Wimbledon 2008 được cho là hấp dẫn, có chất lượng cao nhất của tennis hiện đại, thì người chiến thắng dĩ nhiên là xuất sắc nhất.

Tom cho rằng chẳng có điều gì xứng đáng để so sánh với trận đấu ấy. Càng xem ông càng thấy nó hay. Và khi con trai ông lớn lên, ông sẽ cho xem lại trận đấu đó với khẳng định là trong một ngày như thế, chẳng ai có thể đánh bại được Nadal.

Nadal trước khi bước tới Wimbledon đã thắng năm giải đấu ở Monte Carlo, Barcelona, Hamburg, Roland Garros và Queen (London). Và khi vào trận chung kết, anh dẫn trước Federer hai set, một điều chưa từng xảy ra khi Federer đánh ở Wimbledon. Rồi khi Nadal bỏ lỡ cơ hội match point ở set thứ tư (loạt tiebreak), anh lại tỏ ra bản lĩnh và xuất sắc ở set thứ năm.

Điều giúp cho Nadal chiến thắng không chỉ là việc anh cải thiện cú giao bóng, mài giũa cú cắt trái và thêm chút bóng bạt cho cú thuận tay trên sân cỏ, mà nó vẫn luôn nằm ở sức mạnh thể lực và ý chí. Thế nên, khi set thứ năm hòa 7-7, Nadal đã bẻ gãy game giao bóng của Federer, rồi game tiếp theo, anh buộc Federer phải mắc sai lầm ở lần trả giao bóng quyết định - match point của Nadal.

Ở thời khắc ấy, Tom Perrota khẳng định, không ai hơn được Nadal.
Và lý do Stephen Tignor chọn Djokovic

Anh coi tay vợt người Serbia là hiện thân của tennis hiện đại, thời mà cú trái hai tay lên ngôi, vai trò của cú trả giao bóng cũng quan trọng như khi giao bóng, khi mặt sân chậm hơn là lúc tốc độ của các tay vợt phải nhanh hơn và sức bền thể lực trở nên cực kỳ quan trọng.

Đỉnh cao của Djokovic dĩ nhiên là năm 2011, khi anh thắng 41 trận liên tiếp. Trong chuỗi trận đó, anh hạ Federer trên con đường vô địch Australian Open, giành bốn Masters 1000 trong đó có hai trận chung kết trên sân cứng trước Nadal, và trở thành tay vợt duy nhất hạ bệ được Nadal tới hai lần trong cùng một năm trên mặt sân đất nện (Madrid và Rome). Rồi Djokovic lại đánh bại Nadal và Federer thêm vài lần nữa, ở Wimbledon, ở US Open để lên ngôi vô địch. Tỉ lệ đối đầu giữa anh với hai bậc đàn anh trong năm 2011 là 10-1 - một điều mà ai cũng từng nghĩ là không thể xảy ra.

Nhưng trên hết, Stephen cho rằng cách chiến thắng của Djokovic mới chứng tỏ anh xuất sắc nhất. Anh chơi không có điểm yếu. Vũ khí nào cũng mạnh, cũng có thể áp chế đối thủ, có thể trở thành chìa khóa chiến thắng.

Nole là "vô đối" trong cả năm 2011 & đầu năm 2012
Nhưng tất cả chỉ là tương đối và cảm tính

Có vẻ như sự so sánh mang tính giả tưởng khó đạt tới sự thuyết phục tuyệt đối. Vì những năm tháng hoàng kim của Federer là 2004-2007. Trong khi đỉnh cao của Nadal là 2008 và 2010. Còn Djokovic là 2011. Chỉ có một điều trùng hợp là cả ba cùng giành được ba Grand Slam trong năm (hoặc những năm) đỉnh cao của mình. Và nếu tính đến chỉ số phụ, thì Federer trong những năm 2006 và 2007 vẫn lọt vào tới trận chung kết của giải đấu mà anh không vô địch (Roland Garros), còn Nadal bị loại trước bán kết ở Australian Open 2010, và Djokovic bị chặn đứng ở bán kết Roland Garros 2011.

So sánh những cuộc đối đầu giữa họ cũng khó rút ra một kết luận chính xác. Vì đỉnh cao phong độ của Federer diễn ra trước Djokvic tới hơn nửa thập kỷ. May ra, chỉ có cuộc đối đầu năm 2008 ở chung kết Wimbledon như Tom Perrotta là tương đối về mặt thời gian, khi Federer lúc đó mới 27 tuổi còn Nadal bắt đầu hoàn thiện mình hơn. Hoặc khi Nadal vẫn chơi thứ tennis đẳng cấp (đánh bại tất cả các tay vợt anh gặp, từ Murray tới Federer, từ Berdych cho tới Tsonga, từ Ferrer cho tới Tipsarevic) trong năm 2011 (lúc anh mới 25 tuổi) thì Djokovic bước sang tuổi 24 và đạt đỉnh cao phong độ.

Peter Bodo cũng có nói tới quy luật xung khắc và khắc chế của trò chơi "oẳn tù tì" trong sự so sánh ba tay vợt xuất sắc những năm đầu thế kỷ 21 này: Là nắm đấm thắng cây kéo, nhưng chiếc lá lại có thể bọc nắm đấm, và cây kéo lại cắt được chiếc lá. Sự liên tưởng này cũng phản ánh được một phần nào đó tương quan của ba tay vợt, nhưng chỉ là trong năm 2011.

Tennis là cuộc chơi của sự vận động không ngừng. Vận động trên khía cạnh đôi chân không được phép dừng việc nhún nhảy (để chuẩn bị) và di chuyển (tới đường bóng), tới sự vận động trên khía cạnh phát triển và hoàn thiện.

Họ vẫn là 3 tượng đài mà có lẽ rất lâu nữa QV thế giới mới có thể trình làng 3 tay vợt thay thế

Djokovic thua Nadal trước đây là vì thể lực và khả năng giải quyết những đường bóng quyết định. Anh tự tin hơn, đồng thời nâng cấp cú trái tay nên đã chiến thắng. Nhưng bản thân Nadal khi thua Djokovic đã tìm ra được những cách hóa giải đối thủ ngay trong năm 2012. Có trận anh chỉ serve vào tay phải rồi có trận anh chỉ serve đúng vào vị trí của Djokovic để mở ra chiến thắng như tại Monte Carlo và Rome. Rồi anh sử dụng cú cắt trái thường xuyên để thay đổi nhịp đánh và không cho đối thủ cơ hội mở vợt sớm mượn lực đè bóng cũng làm nên chiến thắng ở Roland Garros.

Hay bản thân Federer, dù cho anh đã qua thời đỉnh cao phong độ, nhưng đến năm 2012, khi anh tìm thấy cảm hứng và sự tự tin khi tràn lưới, anh lại thắng Djokovic không chỉ đúng một lần như năm 2011, mà còn thắng để vô địch Wimbledon.

Đó chính là sự kì diệu của tennis, và cũng là nguyên nhân lý giải tại sao cứ mỗi lần hai người trong số bọn họ - những tay vợt có khát khao hoàn thiện nhất - gặp nhau là tennis thế giới lại có một bữa đại tiệc với những cú quả lẫn chiến thuật cùng thay đổi.
KhamPha.vn