Kể từ năm 2003, mùa giải 2012 NHM mới lại được chứng kiến 4 chức vô địch Grand Slam thuộc về 4 tay vợt khác nhau.

Bốn danh hiệu Grand Slam năm 2003 chia đều cho Andre Agassi (Australian Open), Juan Carlos Ferrero (Roland Garros), Roger Federer (Wimbledon) & Andy Roddick (US Open). Không hẹn mà nên, người hâm mộ banh nỉ năm nay cùng lúc phải chia tay 2 trong 4 nhà VĐ đó & cũng là 2 cựu số 1-ATP Andy Roddick & Juan Carlos Ferrero, những tên tuổi vang bóng một thời. Sự nghiệp của cả hai tay vợt đã biến chuyển những bước không ngờ & không kém phần thú vị.

Andy Roddick & Juan Carlos Ferrero trước trận CK US Open 2003

Cả hai đều từng đã lên ngôi số 1 làng banh nỉ, nhưng cũng đều bị truất ngôi khá nhanh chóng. Ferrero là số 1 thứ 21 trên bảng xếp hạng ATP, anh có vị trí này vào ngày 8-9-2003 với thời gian giữ ngôi là 8 tuần. Roddick giành vị trí này vào 3-10 & tại vị 13 tuần, sau đó Federer “tiếm ngôi” của Roddick vào ngày 2-2-2004 & ngồi vững liên tục 237 tuần cho tới khi Rafael Nadal vượt lên.


Roger Federer & Rafael Nadal là những cái tên đã chi phối mạnh mẽ sự nghiệp của hai tay vợt này. Đối thủ lớn nhất của Roddick chính là Federer với tỷ lệ đối đầu là 3-21, nhưng quan trọng hơn Federer đã ngăn cản Roddick tiến tới ba danh hiệu Wimbledon (chưa kể những lần chặn Roddick tại bán kết), trong đó có trận chung kết lịch sử năm 2009, Federer chiến thắng với tỷ số 16-14 ở set thứ 5, bất chấp Roddick có nhiều hơn một break.

Với Ferrero thì kình địch lại là Nadal, tuy nhiên sự “hạ bệ” lại phức tạp hơn nhiều so với những con số thống kê đơn thuần. Hai người đồng hương này chưa từng gặp nhau ở một trận chung kết Grand Slam, Nadal dẫn 7-2 tỷ số đối đầu giữa hai người, nhưng lý thú là ở chỗ Nadal cũng chính là người chiếm mất vị trí của Ferrero trong trái tim người hâm mộ quê hương.


Trong hai năm, từ cuối 2003 đến cuối năm 2005, Nadal tiến từ vị trí 47 lên số 2, cùng thời gian đó, Ferrero sa từ số 3 xuống thứ 31 (còn Roddick thì đi từ số 1 xuống số 3). Cảm xúc về Nadal quá mạnh cả ở quê nhà lẫn trên đấu trường quốc tế, cái tên Juan Carlos Ferrero đã dễ dàng đi vào quên lãng, điều này càng tệ hại hơn khi Nadal trở thành trung tâm của đội Davis Cup Tây Ban Nha.

Làn sóng tennis mới đã “cư xử” thật không đẹp với hai cựu hoàng. Về kỹ thuật, Ferrero vẫn được coi là tay vợt có cú thuận tay chuẩn mực, trái ngược với hình thể hơi “mỏng cơm” của anh. Thêm nữa, anh cũng được mô tả là tay vợt chơi bền cuối sân với cú giao bóng uy lực & trái hai tay rất rắn. Những phẩm chất này đều xuất hiện ở lớp cầu thủ mới, hầu hết là những người đồng hương, nhưng trớ trêu thay, lại có chất hơn & mạnh hơn, dù chỉ là chút ít.

Andy Roddick & Juan Carlos Ferrero tại CK Cincinnati Western & Southern 2006

Tương tự như Ferrero, cú thuận tay của Roddick cũng được mô tả là siêu việt, nhưng rồi có thể nó không còn đủ mạnh, hoặc đối thủ bây giờ đã mạnh hơn lại còn khỏe hơn. Dù cho cú giao bóng của anh vẫn hiệu quả nhưng vẫn không đủ khả năng khám phá các bí mật của thế giới Grand Slam. Trên khía cạnh “niềm tự hào đất nước” Roddick có vẻ may mắn hơn. Kể cả khi có vị trí tay vợt số 1 nước Mỹ, thì Mardy Fish hay John Isner với Roddick vẫn không thể coi là có gì đó “na ná” như cái cách Nadal với Ferrero.

Tuy nhiên với những gì đã đạt được trong sự nghiệp của mình cả hai “cựu vương” vẫn là những tay vợt ghi nhiều dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Xét cho cùng, cũng không phải chỉ có Roddick và Ferrero là không thể nở hết độ trong kỷ nguyên Roger-Rafa kéo dài gần một thập kỷ qua & rất nhiều khả năng mùa giải 2003 sẽ là dấu mốc mở ra một kỉ nguyên mới trong tennis nam thế giới.
tinthethao.com.vn