Andre Agassi không phải là tay vợt vĩ đại nhất, nhưng được nhiều chuyên gia liệt vào top 10 tay vợt hay nhất mọi thời đại.

Trong lịch sử môn thể thao tennis, hiếm có VĐV nào để lại dấu ấn sâu sắc như Agassi về nhiều phương diện khác nhau.
Hình ảnh là tất cả
“Image is everything”, đó là câu cửa miệng của Andre Agassi và đã trở thành thương hiệu của riêng tay vợt này. Tờ New York Times từng viết: “Nếu như John McEnroe và Jimmy Connors lôi quần vợt ra khỏi các CLB thể thao tại Mỹ thì chính Agassi làm cho nó được biết đến trên khắp nước Mỹ, cũng là thị trường lớn nhất của tennis thế giới. Agassi là VĐV hiếm hoi mà những người yêu tennis và những ai không biết tí gì về tennis cũng đều biết đến cái tên Agassi”.

Agassi sử dụng hình ảnh của mình như là công cụ tiếp thị vô cùng hiệu quả và độc đáo. Sự thông minh, vẻ bề ngoài điển trai pha nhiều chất bụi bặm, bất cần cộng với phong cách dũng mãnh trong thi đấu là những gì người ta biết về Agassi từ năm 1986 đến 1995. Giai đoạn từ 1995 đến 2006, Agassi thay đổi phong cách bằng việc không để tóc dài, đeo khuyên tai, ăn mặc sặc sỡ nữa mà thay vào đó là những bộ trang phục đơn giản nhưng sang trọng cùng mái đầu trọc lóc và phong cách điềm đạm, hóm hỉnh nhưng vẫn đầy chất trí tuệ.

Huyền thoại Andre Agassi luôn tạo nên sức hút kỳ lạ

Dù là thời nào lúc nào ngay cả khi đã giải nghệ, Agassi luôn là sức hút lớn của tennis nói riêng và thể thao nói chung. Hình ảnh của Agassi được xem là hình ảnh tiêu biểu của tennis thế giới trong gần hai thập kỷ. Huyền thoại Jimmy Connors thừa nhận: “Agassi đã góp phần quảng bá môn tennis rộng khắp trên nước Mỹ và thế giới. Rất nhiều bà mẹ muốn con mình theo học tennis chỉ vì muốn trở thành một VĐV như Agassi, nhưng chắc chắn không ai có thể bắt chước anh ấy”.
10 phút làm nên một huyền thoại

Khi ông Mike Agassi (bố Andre Agassi) đưa con mình đến học viện Nick Bollettieri lúc Andre Agassi 13 tuổi, Mike chỉ định cho Andre học 3 tháng ở học viện tennis số 1 thế giới vì tài chính của gia đình có hạn. Tuy nhiên, chỉ sau 10 phút xem Agassi trổ tài, đích thân Nick Bollettieri khẳng định với Mike Agassi: “Ông cứ yên tâm đi. Ông sẽ không tốn một xu nào cho Agassi học ở đây”. Sau này, Bollettieri nói: “Khi gặp Agassi, tôi dám khẳng định chưa bao giờ có một tài năng tennis nào lớn hơn cậu bé này”.

Agassi đánh... độ từ bé

Có một giai thoại thú vị về Agassi là khi mới 9 tuổi, cậu bé đã bắt đầu… đánh độ. Năm Agassi mới 9 tuổi, ông Mike Agassi dẫn con đến một CLB tennis ở Las Vegas. Vì một trận đánh độ bị hủy giữa chừng nên Mike Agassi đề nghị với chủ nhiệm CLB cho phép cậu con của ông thi đấu với Jim Brown. Huyền thoại bóng bầu dục Mỹ tỏ ra khinh thường chú nhóc Agassi khi hỏi: “Này cậu bé, cậu học tennis từ khi nào?” Đáp lại, Agassi trả lời “lạc đề” nhưng vô cùng thông minh: “Tôi chưa bao giờ thất bại trong một trận tennis”.

Thế là Brown trúng bẫy. Ông Mike Agassi lập tức cầm căn nhà hiện ở để có tiền cho Andre Agassi thi đấu với Brown. Ỷ lớn hiếp nhỏ, Brown đề nghị thi đấu 2 ván, mỗi ván 10.000 USD/trận (vào thời điểm năm 1979, đây là số tiền rất lớn). Thế là Andre Agassi đem về cho gia đình 20.000 USD sau 2 ván thắng cùng tỷ số 6-3. Cay cú, Brown muốn chơi thêm 1 ván nhưng lần này mức đặt cược chỉ là 5.000 USD. Andre Agassi thắng nốt ván này với tỷ số đậm hơn trước (6-2).
Tâm điểm của tennis

Mỗi khi Agassi thi đấu là cả một sự kiện bên ngoài những đường bóng hay cùng kịch tính của một trận banh nỉ thông thường. Người ta bàn tán thậm chí đánh cược xem hôm nay Agassi sẽ mặc dù, để tóc kiểu nào, dẫn cô bạn gái nào đến sân cổ vũ. Agassi có thể yêu và cặp bồ với đủ loại mỹ nữ, từ những cô nàng nhỏ tuổi, bạn trung học, diễn viên điện ảnh cho đến cả những bà lão như nữ danh ca Barbara Streisand.

Agassi với cá tính đặc biệt trên sân đấu

Làm gì thì làm, Agassi phải dùng tài năng trên sân đấu chinh phục thế giới. Trong sự nghiệp kéo dài 21 năm, Agassi 8 lần vô địch Grand Slam trong 15 lần vào chung kết các giải lớn. Anh giành được tổng cộng 68 danh hiệu, là tay vợt đầu tiên trong kỷ nguyên quần vợt chuyên nghiệp (bắt đầu năm 1968) giành được trọn bộ Grand Slam tại Australian Open, Roland Garros, Wimbledon và US Open. Ngoài ra, Agassi còn giành được HCV Olympic đơn nam. Agassi cũng là tay vợt đầu tiên kể từ Rod Laver năm 1969 vào chung kết 4 giải Grand Slam liên tiếp. Agassi giữ kỷ lục 17 danh hiệu ATP Masters Series cho đến năm 2010 mới bị Rafael Nadal vượt qua (18 danh hiệu Masters Series). Agassi cũng là tay vợt duy nhất có tên trong top 10 thế giới ở 3 thập kỷ khác nhau (80, 90, những năm 2000) chứng tỏ sự trường tồn đáng ngạc nhiên và là độc nhất vô nhị.
Vĩ đại ở tuổi già

Như đã nói ở trên, Agassi không phải là tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại nhưng chắc chắn là một trong những tay vợt toàn năng nhất và có khả năng làm được những điều không ai khác làm được. Từng có lúc tưởng như sự nghiệp tennis của Agassi đi đến hồi kết ở tuổi 27 vào năm 1997 khi tay vợt này rớt xuống hạng 141 thế giới nhưng sau đó Agassi trở lại ngoạn mục.

Agassi vô địch Australian Open khi sắp bước sang tuổi 33

Khổ luyện và ý chí giúp Agassi nhanh chóng trở lại top 10 thế giới trước khi hoàn tất trọn bộ Grand Slam trên đủ các loại sân với danh hiệu Roland Garros 1999. Trận chung kết Grand Slam cuối cùng của Agassi là vào năm 2005 khi anh đã 35 tuổi. Người khuất phục Agassi là Roger Federer đã nói: “Thật khó tưởng tượng tôi có thể chơi tốt khi đã ngoài 30 tuổi như Agassi. Có lẽ cũng không ai làm được điều tương tự trong quần vợt hiện đại đòi hỏi rất nhiều thể lực, sức chịu đựng và nhiều yếu tố khác nữa”.

CK Australian Open 2003: Andre Agassi - Rainer Schuttler 6–2, 6–2, 6–1

Agassi xuất sắc ở đỉnh cao từ khi còn rất trẻ cho đến lúc giải nghệ trong hơn 20 năm cầm vợt bên cạnh cá tính độc đáo giúp tay vợt này là hiện tượng lớn có dấu ấn đậm nét trong lịch sử tennis thế giới.
Trong sự nghiệp Andre Agassi giành 8 Grand Slam bao gồm Australian Open 1995, 2000, 2001, 2003, Roland Garros 1999, Wimbledon 1992 và US Open 1994, 1999. Agassi cùng Federer đang giữ kỷ lục số lần vô địch Australian Open trong kỷ nguyên Mở với 4 danh hiệu.
Kỳ phùng địch thủ Agassi – Sampras

Đây là một trong những cặp kỳ phùng địch thủ lớn nhất trong lịch sử tennis bên cạnh McEnroe – Connors, Federer - Nadal…Nếu không có Sampras, thành tích của Agassi còn khủng khiếp hơn nhiều vì trong 34 lần gặp gỡ, Sampras thắng đến 20 lần (trong đó có 4 trong 5 lần gặp ở chung kết Grand Slam).

Tay vợt trả giao bóng số 1 trong lịch sử

Điều này được nhiều chuyên gia và cựu danh thủ thừa nhận. Khả năng đọc giao bóng và cú return của Agassi (chỉ chuyên chơi cuối sân) thuộc hàng trác tuyệt đứng đầu trong lịch sử tennis. Nhờ đó, Agassi không ngán những tay vợt khổng lồ có khả năng giao bóng cực tốt. Ví dụ, tại vòng 4 Australian 2005, dù Joachim Johansson lập kỷ lục thế giới khi đó với 51 cú ace nhưng Agassi vẫn thắng chung cuộc 3-1.

Tạp chí tennis