53 tuổi, giã từ sự nghiệp chuyên nghiệp tròng 20 năm song John McEnroe là người năng động nhất trong số các tay vợt đã giải nghệ. 20 năm qua, ông vẫn “ăn tennis, ngủ tennis”. Ông đã dành cho tạp chí Tennis Magazine Mỹ cuộc phỏng vấn…
John, tay vợt vĩ đại nhất mọi thời với ông là ai?
McEnroe: Rod Laver là thần tượng của tôi. Pete Sampras có lẽ là người nhanh nhất nhưng Roger Federer mới là tay vợt chơi đẹp nhất mà tôi từng chứng kiến.


Ông tự xếp mình ở đâu?

McEnroe: Tôi đang trượt dần ra khỏi bảng xếp hạng mọi thời đại. Một vài tay vợt hiện tại đang qua mặt tôi. Nhưng hy vọng, tôi vẫn nằm trong Top 10. Nếu bạn tính cả đánh đôi, Davis Cup, các giải cho lão tướng, tôi chắc chắn ở trong Top 10.
Theo ông, thì ông vĩ đại nhất ở điểm này?
McEnroe: Chơi bóng trên lưới, gây sức ép lên đối thủ. Cảm giác bóng, vị trí của tôi tốt. Tôi luôn đánh bóng rất sớm, không cho đối thủ thời gian chờ đợi.


Làm bình luận viên cho các kênh ở Anh và Mỹ, dự các giải đấu lão tướng rồi mở học viện, ông quả là bận rộn?

McEnroe: Tôi không thể ngồi yên một chỗ được. Anh thấy đấy, cứ có tennis lão tướng ở đâu là tôi mò đến, từ Champions Tour đến các giải mời ở Grand Slam, tôi dự World Team Tennis 9 năm liên tục rồi, còn PowerShares Series năm nay, Tôi chơi cả 12 giải. Có lẽ người ta thích các kiểu trình diễn hài hước nhảm nhí của tôi nên liên tục mời tôi tham gia? Tôi cũng có điều kiện đi nhiều vì 6 đứa con tôi lớn hết rồi trong khi Patty (vợ ông John McEnroe) không phàn nàn chuyện tôi hay xa nhà lắm.
Những tài sản đáng giá nhất của ông là cảm giác về vị trí, phản xạ nhanh, di chuyển rất nhanh có vẻ như rất khó để chuyển tải cho người khác. Những giá trị đó là từ bẩm sinh hay có thể học được?
McEnroe: Một câu hỏi rất hay, nhưng tôi không có câu trả lời hay. Một tay vợt giỏi vừa phải có tài năng thiên bẩm, vừa phải qua rèn luyện.

Ngoài những thứ anh vừa gán cho tôi, tennis còn nhiều yếu tố khác: sức mạnh tinh thần, thể lực, chiến lược… Hãy xem Ivan Lendl, anh ấy không được coi là người có tài năng bẩm sinh nhưng cách anh ấy tập luyện để trở thành tay vợt vĩ đại quả là phi thường.

Tại học viện của tôi ở New York, tôi không thể chỉ dạy các câu bé những thứ sở trường của tôi vì tennis thay đổi nhiều rồi. Ví dụ, không nhất thiết phải dạy chúng mở vợt ngắn và đánh bóng sớm vì các mặt sân tennis thời nay đa phần là mặt sân chậm. Tất nhiên, tôi có dạy chúng lên lưới nhiều hơn so với các học viện khác.
Nadal thỉnh thoảng còn gọi ông đi tập với anh ấy?
McEnroe: À, trước một số giải Grand Slam. Tôi thường xuyên đến các giải đó để làm công việc bình luận viên. Tôi vẫn có thể đánh trả bóng “sạch sẽ” các cú giật bóng khủng khiếp của Rafa và cậu ấy không cảm thây lãng phí thời gian với tôi. Những buổi tập này cũng có lợi cho tôi. Nhờ đó mà tôi luôn biết lối chơi của các tay vợt hiện nay nặng ra sao. Và ngồi vào cabin bình luận cũng tốt hơn.


Ông có tập thể lực đều đặn không?

McEnroe: Mỗi tuần 3 buổi đến phòng thể lực, mỗi buổi 2 giờ đồng hồ, bất kể tôi ở thành phố nào đi nữa. Đạp xe, gánh tạ, chạy… đủ hết. Tôi bắt đầu việc này cách đây khoảng 10 năm, sau khi thua Boris Becker trong một trận đấu biểu diễn. Khi đó, trong tôi là một cảm giác bất lực.


Ông có sự điều chỉnh hay nhường bộ nào trong lối chơi của mình khi càng ngày càng nhiều tuổi?

McEnroe: Tôi có may mắn là lối chơi của tôi không phải tiêu hao nhiều sức lực. Nó tuy có lỗi thời nhưng phù hợp với tính cách của tôi và tôi chưa bao giờ xung đột với chính bản thân mình. Tôi vẫn mở vợt ngắn, đánh bóng sớm và gần đây chú trọng đánh điểm hơn, kiên nhẫn hơn trong việc tìm thời cơ dứt điểm. Đúng là chơi với các tay vợt hàng đầu hiện tại như Rafa, tôi cảm thấy đôi chút tổn thương thật song cảm giác đó kèo dài không lâu, vì tôi hơn cậu ta đến gần 30 tuổi. Ở lứa tuổi của tôi, lối chơi của tôi vẫn là một thứ tài sản.


Lời khuyên của ông đến những người ngoài 50 tuổi chơi tennis?

McEnroe: Hãy nhận ra những giới hạn của mình, đừng kỳ vọng quá nhiều. Chuẩn bị thể lực tốt đến mức có thể mỗi khi ra chơi. Hưởng thụ những giây phút cầm vợt đứng trên sân và luôn nhớ rằng: việc mình đang làm đã là một điều rất tuyệt vời.
Bao giờ thì ông thôi cầm vợt?
McEnroe: Sẽ có lúc. Nhưng tôi chưa nghĩ đến lúc đó. Tôi muốn được như Harry Hopman (cựu đội trưởng Davis Cup, người đã từng huấn luyện nhiều tay vợt vĩ đại), vẫn đánh bóng mạng từ cuối sân và bắt volley nhanh như điện trên lưới để được nghe những đứa trẻ trầm trồ: “Wow, cụ đã hơn 70 tuổi rồi mà đôi tay của cụ vẫn tuyệt vời”.

TGTN