Game, set, match, Novak Djokovic by two sets to love: 7-6, 7-5”. Đó là cách thông thường mà các trọng tài dùng để nói khi kết thúc trận đấu. Nhưng với Lars Graff thì trận chung kết ATP World Tour Final 2012 không thông thường chút nào.
Sau hơn 7.000 trận đấu ngồi ghế trọng tài, ông trèo xuống ghế, thu dọn đồ lặt vặt rời sân với một tâm trạng khó tả. Đó là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp làm trọng tài tennis của ông.
Mỗi năm xa nhà 240 ngày.

Graff, 52 tuổi, giải thích cho quyết định “nghỉ hưu” của mình: “Giống như đến dự một bữa tiệc. Tốt nhất là bạn rời bữa tiệc khi người ta vẫn còn muốn bạn ở đó. Chứ đừng rời bữa tiệc khi người ta tắt đèn và hỏi bạn: Anh có về được nhà không? 3 giờ sáng rồi đó”.


Trước khi giải đấu ở London bắt đầu, Roger Federer đã đề nghị những nhà tổ chức làm một điều gì đó đặc biệt cho Graff nhưng đề nghị của anh chỉ nhận được sự miễn cưỡng, bởi như nhiều môn thể thao khác, người ta quan niệm trọng tài chỉ là người đếm tỉ số, giải quyết những việc lặt vặt. Nhưng sau trận chung kết, Graff cũng đôi chút an ủi khi Federer dành những lời đặc biệt để cám ơn ông.

Graff bắt đầu làm quen với ghế trọng tài khi còn là đứa trẻ. Một thông lệ ở các giải tennis trẻ lại Thụy Điển là ai thua thì sẽ làm trọng tài suốt giải. Khi còn nhỏ, Graff không phải là tay vợt kém, ông đã từng đánh bại Mikael Pernfors ở một giải đấu. Về sau, Pernfors trở thành tay vợt nổi tiếng, lọt vào trận chung kết Roland Garros 1986.

Gia đình Graff có một ngôi nhà mùa hè ở Bastad, nơi hàng năm tổ chức một giải tennis tầm cỡ. Năm thì Graff nhặt bóng ở đó, năm thì cậu làm nhiệm vụ dẫn khán giả đến chỗ ngồi. Rồi đến năm 1974, có người nói rằng cậu đã từng chơi tennis nên có thể làm trọng tài dây, và cậu bắt đầu từ đó. Ở Thụy Điển có luật rằng muốn trở thành trọng tài chính tại các giải hàng đầu thì phải ít nhất 25 tuổi. Do vậy, đến tuổi trưởng thành, Graff đi nghĩa vụ quân sự, vào lính hải quan và ở đó đến 10 năm.

Rời khỏi quân đội, Graff trở về với tennis, lấy bằng trọng tài quốc tế năm 1987 rồi làm giám đốc CLB tennis lớn thừ nhì ở thủ đô Stockholm.


“Năm 1994, tôi nhận cú điện thoại của David Cooper, Trưởng ban trọng tài của ATP, mời tôi làm trọng tài full-time cho ATP. Tôi bàn với vợ tôi: Để anh thử 1 năm xem sao?”
Vậy mà 18 năm cứ nối đuôi nhau trôi qua.

Hàng năm, Graff xa nhà không dưới 240 ngày, làm việc ở khoảng 25 giải. “Vợ tôi thường nói đùa rằng những tuần tôi xa nhà là những “tuần ATP”. Tôi thường đi vào thứ sáu và về nhà vào thứ hai tuần kế tiếp. Mỗi “tuần” như vậy kéo dài 10 ngày”.

Rời ghế trọng tài, Graff sẽ làm công tác huấn luyện trọng tài hoặc giám sát các giải đấu của ATP, tuy vẫn phải đi nhưng ông có nhiều thời gian bên vợ hơn trước một chút”.


“Không ai mua được kinh nghiệm”


Dấu son trong sự nghiệp của Graff là điều hành trận Andy Murray gặp Jarkko Nieminen tại Wimbledon 2010, trận đấu có sự hiện diện của Nữ hoàng Anh tại giải lần đầu tiên sau 33 năm. Trận thứ hai đáng nhớ với ông là trận chung kết Wimbledon 2009 giữa Federer với Andy Roddick. Đó là trận đấu kéo dài 77 game qua gần 5 giờ đồng hồ và kết thúc với chiến thắng 16-14 ở set thứ 5 của Federer. Cũng với chức vô địch đó, Federer vượt qua kỷ lục về số Grand Slam giành được trong sự nghiệp của Pete Sampras.

Không phải có nhiều người giỏi hơn Graff để mà mãi đến năm 2009, ông mới được bắt một trận chung kết Wimbledon. Lý do là ông thuộc quân số của ATP trong khi các giải Grand Slam thuộc về ITF nên ITF muốn các trọng tài của họ như Pascal Maria, Carlos Ramos hay Enric Molina bắt các trận chung kết.

Tổng trọng tài Wimbledon Andrew Jarrett đã quyết định trao vinh dự cho Graff là trọng tài thuộc ATP đầu tiên bắt chung kết Wimbledon. Sau trận đấu, Jarrett là người đầu tiên đến chúc mừng Graff đã bắt một trận tuyệt vời, không thể chê vào đâu được. Năm 2012, Jarrett bắt trận chung kết đơn nữ.

Nói về kinh nghiệm, Graff có cả một kho, câu cửa miệng của ông là “không ai mua được kinh nghiệm”. Ông nhấn mạnh đến “tính độc lập” của một trọng tài: “Những trọng tài trẻ thường phạm sai lầm: họ muốn kết bạn, nói chuyện với các tay vợt. Một khi đã chui vào đi chung xe với tay vợt thì rất khó tránh được sai lầm khi điều hành trận đấu có tay vợt đó thi đấu. Nếu một tay vợt đến hỏi tôi: ‘luật này thế nào? Xảy ra tình huống này thì sao?’, tôi sẵn sàng giải thích vì đó là trách nhiệm của tôi. Nhưng tôi không bao giờ đi chung hay bắt chuyện trước với một tay vợt”.
“Càng ngày, cuộc chơi càng nhanh hơn do thể lực các tay vợt và công nghệ sản xuất vợt tiến bộ, do đó trọng tài ngày càng gặp nhiều sức ép. Một dạng sức ép khác đến từ truyền thông. Chung quanh ghế trọng tài đầy micro và camera. Bạn có thể tưởng tượng nếu tôi nói điều gì đó mà tôi không nên nói với một tay vợt thì sao không? Tôi có thể ra hầu tòa vì họ kiện tôi. Hoặc nhẹ hơn là 5 phút sau, những câu nói đó của tôi bị giễu cợt một cách rộng rãi trên Youtube”.

“Tôi luôn nói tôi không muốn ai thua trận đấu chỉ bởi quyết định sai của trọng tài. Quá tuyệt khi một tay vợt có thể dùng quyền xem lại điểm đấu đó và nếu anh ta đúng thì trận đấu lại tiếp tục dễ dàng. Hawk-Eye giúp chúng ta rất nhiều. Nó cũng mang lại giá trị giải trí cho khán giả và khiến công việc của các bình luận viên dễ dàng hơn bởi họ sẽ có điều để nói”.

Những nguyên tắc vàng của Lars Graff
Độc lập
“Rất nhiều cạm bẫy, và nếu bạn không là người độc lập, sớm hay muộn bạn sẽ phạm sai lầm khiến bạn mất sự tín nhiệm”
Công bằng
“Đối xử với tất cả các tay vợt như nhau, dù bạn ở sân trung tâm tại Wimbledon hay ở sân số 8 trong một trận vòng loại ở Delray Beach”.


Tập trung

“Đây là chìa khóa thành công. Đây là sự khác biệt giữa trọng tài được tín nhiệm lâu năm và những trọng tài đến-rồi-lại-đi”.


Vị tha


“Những gì các tay vợt nói về bạn trên sân không có ý nghĩa gì khi trận đấu kết thúc”.



Cầu tiến

“Các tay vợt luôn muốn tin cậy bạn. Vậy hãy chứng tỏ rằng bạn cầu tiến hàng ngày”.

tennis247