Những hình dung về một ngày QV không có cả Roger và Rafa đã diễn ra ngay ở Miami Masters.

Liệu có tay vợt nào sẽ tạo nên được sự hấp dẫn sau thế hệ Roger và Rafa

Nữ nhà báo nổi tiếng gốc Việt, Courtney Nguyen của trang Sports Illustrated (CNN) viết rằng khi Nadal và Federer bước ra sân ở tứ kết Indian Wells mới đây, căn phòng dành riêng cho giới phóng viên vắng tanh. Không một ai ngồi trên bàn làm việc của mình, họ kéo cả ra phía ngoài sân để xem cuộc đụng độ thứ 29 giữa hai huyền thoại đương đại.

Những ai đã trải nghiệm từ những cuộc tác nghiệp ở các sự kiện thể thao tầm thế giới chắc dễ dàng cảm nhận được không khí ấy qua vài dòng miêu tả của Courtney Nguyen. Thường thì không ít phóng viên thể thao chỉ ngồi ở phòng báo chí, chờ làm phỏng vấn trước và sau trận đấu, hoặc tiếp nhận những số liệu thống kê của BTC và xem qua những chiếc TV đặt trong phòng.

Trận TK Indian Wells 2013 giữa Roger và Rafa đã không còn một chỗ trống trên khán đài

Nghĩa là trận đấu giữa Nadal với Federer là một sự kiện đặc biệt, không ai muốn bỏ lỡ cơ hội tận mắt chứng kiến và cảm nhận hơi thở của khán đài.

Có thể trận đấu ấy chưa phải là cuối cùng, nhưng có ai dám chắc rồi mai đây tần suất họ chạm mặt nhau ở các giải lớn sẽ ít đi, mà có khi lại vấp phải nhau ngay từ những vòng đầu nếu một trong hai người không còn là hạt giống.

Hoặc cũng có thể, chỉ có Nadal đấu với Federer mới tạo ra những cảm xúc đặc biệt, mà như ở một khía cạnh khác, có nhiều người đến và ở lại với tennis, chỉ vì một trong hai (hoặc cả hai) cá nhân đó.

Tờ Miami Herald vừa đưa tin, Miami Masters đang diễn ra ở nơi cực Nam của nước Mỹ, bang Florida phải ngậm ngùi nhìn kỷ lục ba năm liên tiếp lượng khán giả tăng kỷ lục dừng lại. Thậm chí, nó sụt giảm ghê gớm bởi giải đấu từng lần đầu tiên chứng kiến Nadal ở tuổi 18 chạm trán với Federer ở tuổi 23, lần này vắng mặt cả hai.

Djokovic trở thành ngôi sao lớn duy nhất ở đây bên cạnh một Murray cả trên khía cạnh hình ảnh lẫn lối chơi chưa đạt tới độ dễ dàng hấp dẫn lôi cuốn số đông.

Del Potro, Tsonga, Berdych dường như đã chạm tới ngưỡng khả năng của chính họ dù cho về lý thuyết họ vẫn còn khá trẻ (hai người đầu tiên).
Nhớ ngày Sampras sắp “tàn”

Những gì đang xảy ra hiện nay khá giống với những năm đầu của thế kỷ 21 với sự kết thúc của kỷ nguyên Pete Sampras và phần nào đó là Andrea Agassi.

Khi ấy, Pete Sampras cũng là một huyền thoại, truyền cảm hứng cho tennis với lối đánh hoa mĩ hoàn toàn trái ngược với dáng vẻ mộc mạc và trang phục cực kỳ giản dị (dù là Nike). Anh khiến nhiều người mê môn thể thao này (trong đó có các fan Việt Nam thuộc thế hệ sinh đầu những năm 1970 trở về trước) chỉ vì có Sampras chơi trái một tay kỳ ảo và lối đánh lên lưới volley mẫu mực.

US Open 2002, giải đấu chuyên nghiệp cuối cùng của Sampras, sau đó hàng loạt tên tuổi đã nổi lên

Còn Agassi lại là người xuất sắc nhất (trước khi có Djokovic) trong lịch sử môn thể thao này ở kỹ năng trả giao bóng, kèm một nền tảng cực tốt các cú quả để là một trong những bậc thày của lối chơi cuối sân.

Giai đoạn giao thời ấy thật may mắn khi nó chỉ tồn tại ngắn ngủi, bởi ít nhiều được bù đắp bằng một thế hệ các tay vợt trẻ tài năng, từ Hewitt tới Roddick, từ Nalbadian tới Safin (người cuốn hút các fan Việt Nam không chỉ bởi trình độ mà còn cả yếu tố quốc tịch Nga), và đặc biệt là sự vươn lên của vị Vua mới Roger Federer.

Federer thậm chí còn làm được nhiều hơn so với Sampras bởi thứ tennis nghệ thuật mà hiệu quả vô song với thành tích năm nào cũng có Grand Slam kể từ năm 2003 tới 2010 và đỉnh cao của nó là ba lần giành ba Grand Slam mỗi năm (2004, 2006 và 2007).

Nadal tạo nên một cơn sốt khác khi anh vượt ra khỏi biên giới của sân đất nện, quật ngã chính Federer trong trận chung kết Wimbledon lịch sử kỳ vĩ 2008. Nhưng tình yêu (cho Nadal) từ sự đố kỵ (với thành công quá nhiều của Federer) là không đủ để tạo dựng nên một tượng đài của tennis hiện đại nếu như bản thân Nadal không tiếp tục hoàn thiện và chứng minh anh là một trong những người chủ chốt tạo dựng nên diện mạo cho tennis hiện đại. Từ cú thuận tay sát thủ cho tới ý chí phi phường dựa trên nền tảng thể lực vô biên, Nadal đều nâng tennis lên một tầm cao mới, tạo ra những giới hạn mới cho những người khác phải đạt tới và chinh phục nếu muốn thành công.

Bản thân Djokovic đã nhận ra được thực tế ấy, chinh phục hàng loạt những giới hạn của Nadal, thậm chí quật đổ chính Nadal trong năm 2011, để trở thành một biểu tượng khác, cạnh tranh cùng tồn tại với các tượng đài cao lớn hơn.
Một thế hệ kế cận đang lỗi hẹn

Trong trận đấu diễn ra chiều qua theo giờ Mỹ (và là rạng sáng hôm nay theo giờ Việt Nam), đáng chú ý có trận đấu ở vòng ba giữa Andy Murray và Grigor Dimitrov (Bulgaria).

Đáng chú ý không phải vì Andy Murray thắng với tỉ số 7-6 (3), 6-3. Kết cục ấy được cho là không có bất ngờ. Mà bởi Dimotrov suốt bốn năm qua đã có biệt danh là "Baby Federer” với kỳ vọng anh có thể tạo dựng thành công trong tương lai.

Dimitrov vẫn chưa thể khắc phục điểm yếu tâm lý

Dimitrov hiện là tay vợt trẻ thứ ba trên thế giới có vị trí cao trên BXH ATP. Anh hơn 21 tuổi, đứng thứ 31, còn Jerzy Janowics (Ba Lan) hơn 22 tuổi đứng thứ 24 và Milos Raonic hơn 22 tuổi, đứng thứ 16.

Xem Dimitrov và những tay vợt trẻ tiềm năng (có cả Benard Tomic, Ryan Harrison) để biết liệu có một triển vọng nào đó hay không khi chúng ta xét trên khía cạnh chờ đợi một thế hệ có thể duy trì tennis có một sức hấp dẫn lớn.

Dimitrov quả không hổ danh là một Baby Federer với lối đánh hao hao, từ cú trái một tay cho tới cú thuận tay rất gọn, đánh bóng sớm và vài phần từ bộ chân rất chuẩn mực. Nhưng Dimitrov ngoài việc chưa đạt tới chuẩn mực của các kỹ năng như đàn anh, thì vấn đề lớn nhất của anh là tâm lý. Trạng thái quá hưng phấn đã khiến anh mất điềm tĩnh, bay lên cao ra cú thuận tay khi bóng đã ở trong sân và Murray hầu như chỉ còn biết chờ chết, nhưng bóng lại đi ra ngoài khi đó là thời điểm tiebreak của set 1.

Tomic thì vẫn luôn là tay vợt "lắm tài nhiều tật"

Liệu có thể coi việc chưa có ai trong số các tay vợt thuộc thế hệ sinh năm 1990 trở lại đây chưa thể giành Grand Slam là dấu mốc thất bại khi chúng ta biết rằng chỉ có Federer phải chờ tới năm 22 tuổi mới vô địch Grand Slam đầu tiên còn Nadal và Djokovic đều đạt được sớm hơn (19 và 21 tuổi).

Đó là còn chưa nói tới một thực tế, rằng có sự khác biệt rất lớn giữa việc giành được Grand Slam với việc không chỉ đoạt được danh hiệu lớn ấy mà còn trở thành biểu tượng của môn thể thao này. Nói cụ thể, giữa bộ ba Roger – Rafa – Nole với phần còn lại trong đó có cả Murray và Del Potro, tồn tại một khoảng cách mênh mông về đẳng cấp cũng như sức lan tỏa tới công chúng.

Nhưng hy vọng là đôi khi các thiên tài xuất hiện mà chẳng ai biết trước, cũng như chúng ta đã thấy dấu hiệu rằng kỷ nguyên của Rafa và Roger vẫn chưa qua dù cho giờ đây một trong hai người chỉ còn tập trung cho Grand Slam.

Phạm Tấn (24h.com)