Kết quả 1 đến 10 của 10
  1. #1

    Ngày tham gia
    Sep 2013
    Bài viết
    0

    Tự truyện Nadal: Nỗi đau tại Wimbledon (Kỳ 1)

    Thất bại trước Roger Federer tại Wimbledon 2007 đã khiến Rafael Nadal thực sự sụp đổ.

    Federer an ủi Nadal sau trận CK Wimbledon 2007
    “Rafael Nadal – Vua đất nện”, cái tên sẽ đi vào huyền thoại với bao câu chuyện về ý chí và sự nỗ lực tột cùng để trở thành một trong những tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử làng banh nỉ. Bắt đầu từ hôm nay 1/3, Thể thao 24h.com.vn sẽ giới thiệu lần lượt những câu chuyện trong hậu trường sự nghiệp của Nadal, được chính Rafa và tác giả John Carlin hoàn thành trong cuốn tự truyện “Rafa – My story”.

    Hãy đón đọc loạt bài về Rafael Nadal, chỉ có trên 24h.com.vn, vào lúc 15h thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần.

    CHƯƠNG 1: Sự tĩnh mịch trên sân Trung tâm

    Không gian tĩnh lặng, đó là thứ sẽ tấn công bạn khi bạn chơi trên sân Trung tâm tại Wimbledon. Mặt sân mềm khiến trái bóng nảy lên xuống gần như không tiếng động, bạn tung bóng để chuẩn bị giao bóng, rồi đánh vào bóng và chỉ nghe thấy tiếng vang trong cú đánh của mình. Và tất cả những cú đánh sau đó chỉ là âm thanh “păng, păng, păng…” (tiếng động khi bóng chạm vợt - 24h). Mặt cỏ được cắt tỉa, một bề dày lịch sử, những sân đấu cổ kính, những tay vợt luôn diện đồ trắng, những khán giả tôn kính, một truyền thống lâu đời – không có bất cứ biển quảng cáo nào trên sân – tất cả như biến bạn trở thành một con người ở thế giới khác.

    Nadal luôn mơ một ngày đăng quang tại Wimbledon

    Những xúc cảm ấy có lợi cho tôi, khi sự im lặng như trong thánh đường ở sân Trung tâm luôn phù hợp để tôi chơi thứ tennis của chính mình. Vì cuộc đấu khó khăn nhất của tôi trong những trận tennis là dập tắt mọi âm thanh trong đầu, đóng lại tất cả những suy nghĩ để tập trung vào trận đấu mà mình đang chơi. Nếu tôi mắc sai lầm ở một điểm số, hãy quên nó đi, và nhanh chóng nghĩ tới chiến thắng, để ngay lập tức vượt qua được cảm giác ấy.

    Sự tĩnh mịch trên sân Trung tâm chỉ bị phá vỡ khi kết thúc một điểm số, nếu đó là một pha ăn điểm đẹp mắt – vì khán giả ở Wimbledon có thể cho biết sự khác nhau giữa hai điếm số - bằng tiếng nói ồn ã, tiếng vỗ tay, tiếng reo hò và họ gọi cả tên bạn. Tôi có thể nghe tất cả nhưng như thể là từ ai đó ở rất xa. Tôi không để ý tới 15.000 người có mặt trên sân đấu và theo dõi nhất cử nhất động của đối thủ và cả tôi thi đấu. Tôi quá tập trung đến nỗi không còn cảm xúc với tất cả, như lúc tôi suy nghĩ trong trận chung kết Wimbledon 2008 với Roger Federer. Một trận đấu để đời và có hàng triệu người trên khắp thế giới xem tôi thi đấu.

    Rafa đã khóc khi thua Federer tại chung kết Wimbledon 2007

    Tôi đã luôn có giấc mơ được chơi ở Wimbledon. Chú Toni, người sẽ là huấn luyện viên cả sự nghiệp của tôi, nhắc đi nhắc lại rằng đây là giải đấu danh giá nhất so với mọi sự kiện khác. Khi 14 tuổi, tôi luôn chia sẻ với bạn bè hình ảnh trong tâm khảm sẽ được chơi ở đó trong một ngày và giành chiến thắng. Cho dù đến trước năm 2008, tôi đã thua Federer hai lần liên tiếp trong các trận chung kết trước đấy.

    Thất bại năm 2006 không quá thất vọng. Tôi bước ra sân khi đó với cảm giác dễ chịu và khoan khoái, khi vừa mới bước qua tuổi 20 mà đã làm được điều này. Federer thắng tôi khá dễ dàng 6–0, 7–6(5), 6–7(2), 6–3, dễ hơn nhiều so với suy nghĩ của tôi. Nhưng trận thua năm 2007, trong trận đấu 5 set với tỷ số 7–6(7), 4–6, 7–6(3), 2–6, 6–2, làm tôi đau đớn đến cùng cực. Tôi biết tôi có thể làm tốt hơn, đó không phải là vì khả năng thực sự của tôi hay phong độ trong trận đấu ấy khiến tôi thua trận, tất cả là vì những suy nghĩ trong đầu. Tôi đã rớt nước mắt khi thua cuộc và khóc như mưa suốt nửa giờ đồng hồ trong phòng thay đồ.

    Trận chung kết Wimbledon 2007 giữa Federer và Nadal

    Đó là những giọt nước mắt hòa quyện của thất vọng và sự dằn vặt bản thân. Thất bại luôn luôn đau đớn, nhưng tồi tệ hơn khi bạn có cơ hội chiến thắng và vứt bỏ tất cả. Chính tôi đã tự thua hơn là bị Federer đánh bại, chính tôi đã khiến mình gục ngã và tôi ghét điều đó. Chính tôi đã tự sa sút tinh thần, tự cho phép mình bị phân tâm và tự ý thay đổi lối chơi trong trận đấu. Đó là sự ngu xuẩn không cần thiết! Rõ ràng đó chính xác là những thứ bạn không được phép làm trong những trận đấu lớn.

    Chú Toni đã dìu dắt Nadal từ khi mới cầm vợt

    Chú Toni, vị huấn luyện viên nghiêm khắc nhất, luôn là người cuối cùng trên thế giới này an ủi tôi; thậm chí ông còn chỉ trích ngay cả khi tôi giành chiến thắng. Đó là liều thuốc để làm tan nỗi thất vọng trong tôi, khi ông từ bỏ sự sắt đá thường ngày mà nói với tôi chẳng có lý do gì phải khóc vì còn nhiều những giải Wimbledon và những trận chung kết nữa. Tôi nói ông không hiểu mình, vì có thể đây là lần cuối cùng tôi có cơ hội giành chức vô địch. Tôi rất, rất ý thức sâu sắc rằng tuổi đời của những vận động viên chuyên nghiệp ngắn ngủi thế nào và tôi không thể chịu đựng được cái ý nghĩ đã lãng phí những cơ hội và không thể làm lại. Tôi biết mình sẽ không thể hạnh phúc khi sự nghiệp kết thúc và tôi phải làm điều đó vĩ đại khi nó đang diễn ra. Vì những khoảnh khắc vinh quang ấy, lý do để tôi đã phải luyện tập cật lực, nhưng khi đã gần đến được vạch đích, tôi đã bỏ đi một cơ hội lớn trong năm 2007. Tôi đã để lỡ thời khắc mà có lẽ không bao giờ trở lại, vì 2 hay 3 điểm số mà đáng lẽ nếu tôi tập trung hơn, mọi thứ đã khác. Bước ngoặt trong tennis đôi khi chỉ là những điểm số nhỏ nhất. Tôi đã để thua set 5 với tỷ số 2-6 nhưng nếu tôi bình tĩnh và sáng suốt hơn ở thời điểm bị dẫn 2-4, thậm chí 2-5, khi đã nắm giữ tới 4 cơ hội để bẻ game anh ấy giao bóng, giống như những gì tôi đã làm trước đó. Hoặc nếu tôi bước vào set 5 cũng giống như set 1 và không nghĩ đây là set cuối, tôi đã có thể chiến thắng.

    Chú Toni không thể làm giảm bớt nỗi đau của tôi. Nhưng ông đã nói đúng, một cơ hội khác lại đến với tôi, chỉ một năm sau. Tôi đã kiên quyết lất bài học thất bại 12 tháng trước, để bất cứ điều gì cũng không được để làm ảnh hưởng tới suy nghĩ trong đầu mình. Bộ não bên phải của tôi chứa đựng niềm tin, lan tỏa tất cả những dây thần kinh, rằng tôi sẽ chiến thắng.

    (còn tiếp...)

    Nadal đã chuẩn bị như thế nào cho trận chung kết Wimbledon 2008 với Federer? Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 15h thứ Hai 11/3.

    PhongLan (KhamPha.vn)

  2. #2

    Ngày tham gia
    Sep 2013
    Bài viết
    0
    Nhân vật trong tự truyện của Nadal
    Gia đình

    Rafael Nadal: Tay vợt, biệt danh là Rafa, “Vua đất nện” (King Clay)

    Sebastian Nadal: Cha của Rafa

    Ana Maria Parera: Mẹ của Rafa

    Maribel Nadal: Em gái Rafa

    Toni Nadal: Chú và là huấn luyện viên của Rafa

    Miguel Angel Nadal: Chú của Rafa, cựu cầu thủ của đội bóng Barcelona

    Marilen Nadal: Dì và là mẹ đỡ đầu của Rafa

    Don Rafael Nadal: Ông nội của Rafa

    Pedro Parera: Ông ngoại của Rafa

    Juan Parera: Cậu và là cha đỡ đầu của Rafa
    Thành viên trong đội ngũ huấn luyện

    Carlos Costa: Đại diện của Rafa

    Rafael Maymo: Chịu trách nhiệm vật lý trị liệu của Rafa, có biệt danh Titin

    Benito Perez Barbadillo: Đại diện truyền thông của Rafa

    Joan Forcades: Huấn luyện viên thể lực của Rafa

    Francis Roig: Huấn luyện viên thứ hai của Rafa sau ông Toni

    Jordi Robert: Bạn thân của Rafa xử lý các công việc liên quan đến Nike, có biệt danh Tuts

    Angel Ruiz Cotorro: Bác sỹ của Rafa

    Jofre Porta: Huấn luyện viên của Rafa khi còn trẻ
    Bạn bè

    Maria Francisca Perello: Bạn gái của Rafa, có biệt danh là Xisco

    Carlos Moya: Cựu tay vợt số 1 thế giới đồng hương Tây Ban Nha

    Tomeu Salva: Người bạn của Rafa khi còn nhỏ

    Miguel Angel Muna: Bạn thân thuở lọt lòng của Rafa

  3. #3

    Ngày tham gia
    Dec 2013
    Bài viết
    0
    Nadal đã làm như thế nào để chiến thắng nỗi lo lắng và sợ hãi?

    Tôi biết rằng, có lẽ hầu hết mọi thứ giữa chúng tôi cân bằng ở thời điểm ấy. Đó là bản chất của quần vợt, đặc biệt là với hai tay vợt đã quá quen thuộc với những cuộc đối đầu như Federer và tôi (khi ấy Nadal và Federer đã gặp nhau 17 lần và Rafa thắng tới 11 trận). Tôi có thể nghĩ rằng sau hàng triệu cú đánh của mình, tôi sẽ có thể tung ra một cú dứt điểm cơ bản, nhưng uy lực thực sự như thể rất ngon ơ. Nhưng không phải vậy. Không chỉ vì mỗi khi thức dậy bạn cảm thấy khác nhau mà vì mỗi cú đánh cũng khác nhau, có thể là tất cả. Từ thời điểm trái bóng đang chuyển động, nó sẽ đi tới bạn với vị trí và tốc độ khác hẳn, có thể xoáy lên trên hay xuống dưới, hoặc đi thẳng, hoặc nảy cao. Sự khác biệt có thể xảy ra trong một phút hoặc tích tắc nhưng đó là do cơ thể bạn tạo ra: Vai, khuỷu tay, cổ tay, hông, mắt cá chân, đầu gối – trong tất cả mọi cú đánh, thêm những nhân tố khác như thời tiết, mặt sân, đối thủ. Không có trái bóng nào bay đến bạn ở vị trí giống nhau và bạn cũng không xác định được chính xác. Vì vậy mỗi khi bạn chuẩn bị thực hiện cú đánh, bạn sẽ phải có quyết định ngay lập tức sẽ đánh như thế nào và ở thời điểm nào sẽ thực hiện. Bạn phải làm điều đó lặp đi lặp lại, có thể tới 50 lần trong một game hoặc 15 lần trong 20 giây nếu phải trải qua một trận đấu kéo dài trong vài giờ đồng hồ, khi bạn không thể chạy thoải mái và căng cứng thần kinh. Nó sẽ chi phối cảm giác của bạn khi đánh bóng, như thể bạn cảm nhận có đủ thể lực và ý chí để tạo ra cú đánh hoàn hảo ngay cả khi áp lực tinh thần là liên tục.

    Bí quyết của Nadal: Tập luyện và tập luyện...

    Một điều mà tôi không hề nghi ngờ: Càng luyện tập nhiều, cảm giác của bạn càng tốt. Tennis còn hơn những môn thể thao khác, đó là cuộc chơi tâm lý. Một tay vợt giỏi là người có thể có thể duy trì cảm giác tốt trong mọi ngày, để cô lập sự sợ hãi và sự dao động trong suy nghĩ của anh ta, đó là sẽ tay vợt số 1 thế giới. Tôi đã tự đặt mục tiêu phải thiết lập điều ấy cho bản thân mình sau 3 năm trời là tay vợt số 2 sau Federer và tôi biết mình sẽ đạt được điều ấy nếu chiến thắng trong trận chung kết Wimbledon.

    Khi trận đấu thực sự bắt đầu sẽ là cả một câu chuyện khác. Tôi nhìn lên và thấy những mảnh trời màu xanh vá víu chằng chịt với nhau. Nhưng bầu trời gần như là một màu u ám với những đám mây đen dày đặc phía cuối đường chân trời. Trận đấu sẽ bắt đầu trong vòng 3 giờ nữa nhưng cũng có thể sẽ bị trì hoãn hoặc gián đoạn vì thời tiết. Tôi không để vấn đề đó làm mình lo lắng. Tâm trí tôi phải hoàn toàn thoải mái và tập trung vào thời điểm này cho dù bất kỳ điều gì xảy ra. Không có gì có thể làm phiền đến tôi. Không bao giờ tôi cho phép mình lặp lại thất bại như năm 2007.

    Chúng tôi rời sân số 17 vào lúc 11h30’ và đến phòng chờ, một địa điểm nằm trong All England Club chỉ dành cho những hạt giống hàng đầu. Nó không quá lớn, có lẽ diện tích chỉ bằng 1/4 so với sân tennis. Nhưng nét truyền thống ở đó cho thấy sự vĩ đại của nó. Những tấm bảng bằng gỗ, những bức tường màu xanh và tím đặc trưng tại Wimbledon gợi nhớ những huyền thoại như Laver, Borg, McEnroe, Connors, Sampras đều xuất hiện ở đây. Thông thường không khí ở đó thật ồn ào nhưng hôm nay chỉ còn hai tay vợt cuối cùng ở lại, nhưng giờ chỉ có mình tôi. Federer chưa xuất hiện. Tôi tắm táp, thay đồ và leo hai tầng cầu thang để ăn trưa trong phòng ăn của các tay vợt. Một lần nữa, mọi thứ thật tĩnh lặng, nhưng lại rất phù hợp với tôi lúc này. Tôi có thể tự ngẫm nghĩ một mình, đóng kín bản thân với mọi thứ xung quanh và bắt đầu những thói quen vô thức của mình trước khi thi đấu. Tôi thưởng thức những món mà tôi luôn luôn ăn. Mỳ ống không nước sốt để không phải gặp chứng khó tiêu, với dầu ô liu và muối cùng một chút cá, và ít nước lọc.

    Toni và Titin ngồi cùng bàn với tôi. Toni trong có vẻ nghiền ngẫm nhưng không có gì mới. Titin thì điềm tĩnh hơn. Anh ấy là người trong đội mà tôi dành nhiều thời gian nhất và lúc nào anh ấy cũng thế. Một lần nữa, chúng tôi nói chuyện rất ít. Tôi nghĩ Toni có thể đã càu nhàu về thời tiết nhưng tôi chẳng nói gì. Thậm chí khi tôi không thi đấu, tôi vẫn nghe nhiều hơn là nói.

    Phòng chờ thay đồ của các tay vợt tại Wimbledon

    Vào lúc 1h, một giờ trước trận chung kết, chúng tôi quay lại phòng chờ. Một điều lạ thường trong tennis là ngay cả ở những giải đấu lớn nhất, bạn phải chia sẻ cả phòng thay đồ với đối thủ. Khi tôi vào phòng, Federer đã có mặt ở đó trên cái ghế băng bằng gỗ, đúng nơi mà anh ấy luôn ngồi. Vì chúng tôi cùng dùng chung phòng nên chẳng có gì phải ngại ngùng. Không có một cảm giác gì hết. Chỉ một lúc nữa chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đánh bại nhau trong một trận đấu lớn nhất mùa giải nhưng chúng tôi vẫn là bạn như nhiều cặp đối thủ khác. Những vận động viên thể thao có thể ghét đối thủ ngay cả khi họ không thi đấu với nhau. Chúng tôi thì không. Chúng tôi tôn trọng lẫn nhau. Khi trận đấu bắt đầu, tình bạn mới được đặt sang một bên. Không còn là vấn đề cá nhân nữa. Tôi làm như vậy với mọi người xung quanh mình, thậm chí với cả gia đình. Tôi chấm dứt những điều bình thường khi trận đấu bắt đầu. Tôi cố gắng trở thành một cỗ máy tennis ngay cả khi điều đó là không thể. Tôi không phải là robot, đặc biệt là môn thể thao như tennis, và nỗ lực tối đa để thử thách chính bản thân mình. Trong suốt trận đấu bạn sẽ đứng trong một cuộc chiến để khắc phục những điểm yếu nhất của mình và kiềm chế mọi xúc cảm của bản thân.

    Càng kìm nén cảm xúc lại, bạn càng có cơ hội chiến thắng cao hơn, chỉ cần bạn luyện tập chăm chỉ thì khoảng cách về trình độ giữa bạn và đối thủ sẽ được san lấp. Khoảng cách với Federer có tồn tại nhưng không phải là quá xa. Ngay cả trên mặt sân mà anh ấy chơi tốt nhất, nó có giới hạn đủ cho tôi biết rằng nếu tôi dập tắt được sự lo lắng và sợ hãi và phóng đại niềm hy vọng bên trong bộ não của mình hơn anh ấy, tôi sẽ chiến thắng. Bạn phải lồng mình vào bộ giáp sắt và biến mình thành chiến binh không sợ đổ máu. Giống như một phép thuật thôi miên bản thân, như thể bước vào trận đấu chống lại cái chết, để che giấu khuyết điểm của bản thân khi đứng trước đối thủ.


    (còn tiếp...)

    Trận chung kết Wimbledon 2008 giữa Nadal và Federer bắt đầu như thế nào? Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 6h thứ Hai 11/3.



    Phong Lan - Tạp chí khám phá

  4. #4

    Ngày tham gia
    Jan 2014
    Bài viết
    0
    Nadal có bí mật gì trước trận đấu quan trọng như CK Wimbledon 2008?

    Rafa & Fedex bước vào sân đấu All England Lawn Tennis & Croquet Club ngày 6/7/2008

    Nếu trò chuyện vui vẻ hoặc nói về bóng đá với Federer ở phòng thay đồ, như thể chúng tôi đang đứng trước một trận biểu diễn, có thể anh ấy sẽ ngay lập tức hiểu theo ý nghĩa đấy là tín hiệu của sự lo lắng. Thay vào đó, chúng tôi tỏ ra lịch sự với nhau bằng những cái bắt tay, rồi gật đầu cùng những nụ cười nhẹ, sau đó bước tới căn tủ của mỗi người. Có thể chỉ cách nhau 10 bước chân nhưng cả hai gần như giả vờ kiểu như không có ai ở đó ngoài mình. Thực sự việc tôi ở phòng thay đồ hay không thì cũng không quan trọng, vì tôi vẫn đang đóng chặt những ý nghĩ của mình trong đầu và lập trình tự động những gì sẽ diễn ra sắp tới.

    45 phút trước khi trận chung kết bắt đầu, tôi tắm nước lạnh. Một cảm giác tê cóng. Tôi vẫn làm thế trước mỗi trận đấu. Nó giống như là bước đầu tiên trong nghi lễ bắt đầu trận đấu của tôi. Trong làn nước lạnh, tôi như nhập vào một không gian nơi mà tôi cảm thấy tràn đầy sức mạnh và sung mãn. Tôi đã là con người khác, một kẻ hưng phấn hơn bao giờ hết. Tôi đang “tập trung cao độ”, mà theo những nhà tâm lý học thể thao mô tả là trạng thái bản năng tự nhiên nhất, như thể cá gặp nước. Không còn gì khác tồn tại ngoài trận đấu phía trước.

    Trong suy nghĩ của Nadal chỉ có trận đấu phía trước

    Đó là điều gì thực sự tốt, vì tiếp đó tôi không phải là gì khác, ngoài việc để mọi thứ trở lại như bình thường. Tôi xuống tầng dưới để bác sỹ tiêm một liều giảm đau vào bàn chân trái. Nó đã sưng và phồng rộp từ trận đấu vòng 3 và cần phải làm dứt những cơn đau, nếu không nó sẽ trầm trọng hơn đến nỗi tôi không thể thi đấu được.

    Rồi tôi trở lại phòng thay đồ một lần nữa, tiếp tục những nghi lễ quen thuộc của mình. Bây giờ là lúc tôi chìm đắm trong âm nhạc để tiếp tục sự tập trung và loại bỏ mọi thứ xung quanh tôi. Titin băng bó chân trái, còn tôi bắt đầu quấn cán cho những cây vợt, tổng cộng là 6 cái tôi sẽ mang vào sân. Luôn luôn là như vậy. Cán vợt màu đen và tôi bắt đấu quấn quanh bằng dải băng màu trắng, cứ thế một vòng theo đường chéo quanh cán. Tôi không nghĩ gì khi ấy, mà hành động một cách vô thức theo cảm tính.

    Tiếp đến tôi nằm lên bàn mát-xa để Titin tiếp tục băng chân trái một vòng nữa ngay dưới đầu gối. Tôi vẫn hơi đau và những vết băng sẽ giúp tôi giảm bớt sự đau đớn nếu nó xuất hiện.

    Chơi thể thao là một điều tốt cho sức khỏe với những người bình thường nhưng không tốt cho những vận động viên chuyên nghiệp. Nó đẩy con người tới những giới hạn đỉnh điểm mà không phải ai cũng có thể trang bị những kỹ năng xử lý tốt nhất. Đó là lý do vì sao mọi vận động viên chuyên nghiệp đều phải trải qua những chấn thương hoặc chấm dứt dự nghiệp vì nó. Đã có những khoảnh khắc trong sự nghiệp tôi tự hỏi liệu mình có thể tiếp tục thi đấu ở đẳng cấp cao nhất hay không? Tôi đã chơi với sự đau đớn trong nhiều thời điểm với ý nghĩ ai cũng có lúc như thế. Có lẽ chỉ trừ Federer. Tôi luôn phải thích ứng với những cơn đau cơ bắp lặp đi lặp lại do môn quần vợt mang lại nhưng anh ấy thì dường như sinh ra để chơi tennis. Cơ thể của Federer, hay DNA của anh ấy gần như là hoàn hảo để thích nghi với tennis và “miễn dịch” với những chấn thương, trong khi chúng tôi luôn phải chịu đựng những cơn đau để thi đấu.

    Người ta bảo Federer không tập nặng như tôi. Tôi không biết đó phải là sự thật hay sự suy đoán. Nhưng ngay cả các môn thể thao khác cũng như vậy, chúng ta phải học cách sống chung với đau đớn, với những game đấu kéo dài, bởi vì bàn chân, vai hay đôi chân sẽ gửi thông điệp tới bộ não bảo rằng hãy ngừng lại. Đó là lý do vì sao tôi luôn phải băng bó kỹ trước mỗi trận đấu, như một phần nghi lễ trong sự chuẩn bị của tôi.

    Ở trận CK Wimbledon 2008, Rafa thi đấu với không phải 1 mà là cả 2 chân quấn băng

    Sau khi Titin kết thúc công việc với cái đầu gối, tôi đứng dậy mặc quần áo, ra bồn rửa mặt và xối nước vào tóc và bắt đầu buộc băng đô. Đó là một hành động vô thức khác mà không phải suy nghĩ, nhưng tôi làm thật chậm, cẩn thận, buộc thật chặt và để điểm nút ở phía sau đầu. Nó giúp ngăn mái tóc lòa xòa vào mắt tôi nhưng cũng là một phần trong “nghi thức” không thể thay đổi, giống như tắm nước lạnh, để tôi mài giũa cảm giác trước khi bước vào trận chiến.

    Để đến gần lúc phải bước ra sân. Adrenaline lại tuôn chảy tràn ngập các dây thần kinh. Tôi hít sâu và thở ra như một cách để bùng nổ giải phóng năng lượng trong cơ thể. Nhưng tôi vẫn ngồi yên để Titin băng nốt những ngón tay trái, tay cầm vợt của tôi, một cách mau lẹ và im lặng trong lúc tôi vẫn đang quấn nốt cán vợt. Không có gì về vấn đề thẩm mỹ ở đây. Đơn giản nếu không băng ngón tay, da sẽ căng ra và mọng nước trong suốt cả trận đấu.

    Tôi đứng dậy và bắt đầu khởi động, một cách “bạo lực” để kích hoạt ngòi nổ trong cơ thể - như cách ví von của Titin. Còn Toni vẫn đứng ở gần đấy nhìn tôi và không nói gì nhiều. Tôi không biết liệu Federer có nhìn mình hay không. Tôi chỉ biết rằng anh ấy không bận rộn như tôi trước mỗi trận đấu. Tôi thì bật lên bật xuống, thực hiện bước chạy ngắn trong căn phòng có chiều dài hình như không quá 6m. Cứ mỗi đoạn tôi lại dừng lại để xoay cổ, vai, cổ tay và cuối xuống uống cong đầu gối. Cứ thế bật, chạy nhiều lần như vậy như thể tôi đang ở trong phòng tập thể dục ở nhà. Những lúc ấy tôi vẫn giữ tai nghe để tiếp tục chìm đắm trong những giai điệu. Sau đó tôi đi vệ sinh (có một bí mật, đó là tôi đi vệ sinh rất nhiều trước trận đấu, như thể dây thần kinh chi phối, đến 5 hoặc 6 lần trong vòng một giờ). Sau đó tôi trở lại, khởi động cánh tay và vai thêm nhiều lần nữa.

    Toni ra hiệu và tôi bỏ tai nghe. Ông cho biết sẽ có một cơn mưa làm trì hoãn trận đấu nhưng không quá 15 phút theo dự báo. Tôi không bối rối vì đã sẵn sàng cho điều này. Mưa cũng có tác động tương tự tới Federer giống như tôi và không việc gì phải mất phương hướng. Tôi ngồi xuống và kiểm tra vợt, cảm nhận độ cân bằng, trọng lượng, rồi chỉnh lại đôi tất, kiểm tra kỹ cả độ dài trên ống chân có đều nhau hay không. Toni cúi xuống và nhắc nhở: “Đừng đánh mất tập trung vào chiến thuật. Hãy làm những gì cháu phải làm.” Tôi nghe nhưng thực tế chả nghe thấy gì cả. Tôi biết vào lúc này tôi phải làm gì.

    (còn tiếp…)
    Nadal đã bước vào trận đấu với Federer như thế nào? Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 15h thứ Sáu 15/3.

    Phonglan (KhamPha.vn)

  5. #5
    Tôi biết mình đang có sự tập trung cao nhất. Và sự bền bỉ cũng như vậy. Sự bền bỉ: Đó là một từ ngữ đặc biệt. Giữ mọi thứ thật tự nhiên, không căng thẳng và chịu đựng tất cả mọi khó khăn là phong cách của tôi, không được phó mặc cho may mắn hay xui xẻo, vì một cú đánh tốt hay hỏng ăn có thể khiến mình dao động. Tôi phải đạt trạng thái cân bằng, không bị sao lãng, để thực hiện điều mình phải làm trong mỗi khoảnh khắc. Nếu tôi điều bóng 20 lần vào trái tay của Federer, tôi sẽ phải chơi đúng như vậy, chứ không phải là 19 lần. Nếu tôi phải nhẫn nại trong loạt đôi công 10 lần chạm vợt hay 12 hoặc 15 lần để có thể có cơ hội giành điểm winner, tôi sẽ chờ. Có những lúc bạn có thể tung ra một cú đánh ăn điểm nhưng chỉ có 70% cơ hội thành công, nếu bạn chờ thêm 5 lần chạm vợt hoặc hơn nữa, tỷ lệ đó sẽ tăng thành 85%. Vì vậy luôn cảnh giác, kiên nhẫn và đừng quá vội vàng.

    Ép trái Federer là chiến thuật Nadal đã định sẵn

    Nếu tôi tràn lưới, tôi sẽ đánh bóng về phía cú trái tay của Federer, chứ không phải là về cú thuận tay, cú đánh mạnh nhất của anh ấy. Bạn mất sự tập trung nghĩa là khi lao lên lưới và đưa bóng vào tay thuận của Federer hoặc lơ là trong cú giao bóng về trái tay của anh ấy, luôn luôn hướng về phía trái tay, hay cố gắng giành điểm winner không đúng lúc. Giữ sự tập trung nghĩa là làm điều mà bạn biết phải làm, không bao giờ được thay đổi kế hoạch trừ khi hoàn cảnh cá biệt trong một loạt đôi công hay một game xảy ra đủ để tạo sự khác biệt. Ở đây chính là sự kỷ luật, nghĩa là cần bình tĩnh khi cám dỗ có thể giành điểm xuất hiện và làm hỏng tất cả. Chiến đấu lại sự cám dỗ cũng là cách bạn giữ được sự kiên nhẫn và xua tan đi những thất vọng.

    Thậm chí ngay cả lúc bạn cảm nhận có cơ hội để gây áp lực và tạo thế chủ động, vẫn phải giữ cú đánh về phía trái tay đối thủ, bởi vì trong cả một trận đấu kéo dài, đó là lựa chọn khôn ngoan và tốt nhất. Nó chỉ là vấn đề kế hoạch và cũng không hề quá phức tạp. Bạn có thể coi đó là chiến thuật, đơn giản vậy thôi. Tôi tung cú đánh thoải mái, dễ dàng nhất của mình và làm cho anh ấy phải chơi theo cách khó khăn nhất - Ý tôi là cú đánh bằng tay trái của mình sẽ chống lại được cú trái bằng một tay phải của Federer. Vấn đề chỉ là duy trì điều đó ra sao.

    Thi đấu với Federer thì những gì bạn phải làm là liên tục gây áp lực về phía trái tay, buộc anh ấy phải trả những pha bóng nảy cao, khi cây vợt phải nâng cao tới tầm cổ, khiến Federer chịu sức ép và dần dần suy yếu. Nói tóm lại là tấn công vào ý chí và tinh thần của anh ấy. Hãy làm cho Federer chán nản và thất vọng, nếu bạn có thể. Còn khi Federer tung một cú đánh tốt như cách đáp trả rằng bạn còn lâu mới gây được khó khăn cho anh ấy, hãy trả bóng thật sâu, làm cho Federer cảm thấy như thể phải mất hai, ba hay bốn lần một điểm số chỉ để dẫn trước 15-0.

    Đó là những gì tôi đã suy nghĩ, hay đúng hơn có thể nói là tất cả ý nghĩ trong đầu tôi lúc ngồi trong phòng thay đồ cùng cây vợt, chỉnh đôi tất và quấn băng quanh ngón tay, cùng những tiếng nhạc bên tai và chờ cơn mưa dứt hẳn, cho đến khi một quan chức giải Wimbledon bước vào phòng và nói với chúng tôi đã tới giờ thi đấu. Tôi bật dậy, xoay vai và lắc cổ qua lại, làm vài động tác khởi động lên xuống trong phòng thay đồ. Bây giờ tôi phải đưa túi đồ cho nhân viên hỗ trợ để anh ta mang ra ghế ngồi. Đó là một phần nghi thức tại Wimbledon trong ngày cuối cùng. Điều ấy không diễn ra ở bất cứ giải đấu nào khác. Tôi không thích. Vì nó phá vỡ đi “nghi lễ” truyền thống của tôi. Nhưng tôi vẫn lôi ra một cây vợt trước khi trao túi đồ. Tôi bước ra khỏi phòng thay đồ mà cầm chặt cây vợt, đi dọc theo hành lang treo đầy những bức ảnh của những nhà vô địch trong quá khứ cùng những chiếc cúp trong khung kính, xuống cầu thang và bước ra sân Trung tâm trong cái không khí mát mẻ vào tháng 7 ở nước Anh xen lẫn màu xanh lá cây huyền diệu.

    Nadal đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho trận chung kết Wimbledon 2008

    Tôi ngồi xuống, buộc chiếc băng đô trắng lên đầu và nhấp ngụm nước từ một cái chai. Sau đó đến chai thứ hai, lặp lại như vậy, như mọi lần trước khi trận đấu bắt đầu và cả những khoảng thời gian nghỉ giữa các game lẻ và các set, cho tới khi trận đấu kết thúc. Tôi để hai chai nước ở dưới chân, hơi lệch bên trái phía trước ghế ngồi, một cách cẩn thận để chai này đứng sau chai kia và nằm theo đường chéo hướng tới sân thi đấu. Nhiều người gọi đó là mê tín, nhưng không phải. Vì nếu là mê tín dị đoan, tại sao tôi cứ phải giữ khư khư điều ấy ngay cả khi thắng hoặc thua? Đó chỉ là cách đặt bản thân mình vào trận đấu, và điều khiển mọi thứ xung quanh phải đi theo sự sắp xếp trong đầu tôi.

    Federer và trọng tài chính đã đứng ở dưới ghế trọng tài và chờ tung đồng xu. Tôi bật dậy, đi ngang qua Federer để tới trước lưới và bắt đầu những bước chạy tại chỗ và bật nhảy lên xuống. Federer vẫn đứng yên, luôn luôn thoải mái hơn nhiều so với tôi mỗi khi xuất hiện bất cứ khi nào. Phần cuối cùng của nghi lễ, cũng vô cùng quan trọng như tất cả các công việc khác, đó là tôi nhìn lên, đảo mắt quét ngang qua sân đấu để tìm kiếm những người thân trong gia đình, để xác định đúng tọa độ trong đầu mình rằng họ đang có mặt ở đâu. Ở đầu bên kia sân đấu bên tay trái tôi, có cha mẹ và chú Toni, ngay phía sau họ là em gái, ba ông bà của tôi, cha mẹ đỡ đầu, cũng là cô chú, và thêm một người chú nữa. Tôi không để gia đình xen vào suy nghĩ của mình trong suốt trận đấu và không bao giờ cho phép mình được mỉm cười, nhưng tôi biết họ ở đó, luôn luôn như vậy, mang lại cho tôi niềm tin vào chiến thắng. Tôi xây một bức tường ngăn cách bản thân với mọi thứ xung quanh khi thi đấu, nhưng gia đình chính là thứ xi măng để xây nên bức tường ấy.

    Tôi cũng tìm trong đám đông những thành viên trong ban huấn luyện, những chuyên gia mà tôi đã sát cánh. Ngồi cùng cha mẹ và Toni là Carlos Costa, người đại diện và cũng là anh bạn tuyệt vời; và Benito Perez Barbadillo, người chịu trách nhiệm truyền thông; và Jordi Robert, người tôi vẫn hay gọi là “Tuts” – chịu trách nhiệm liên quan đến nhà tài trợ Nike; và Titin, người biết tôi mật thiết nhất trong tất cả mọi người và chẳng khác gì người anh trai. Tôi cũng tưởng tượng ra hình ảnh ông nội và cô bạn gái, Maria Francisca, tôi vẫn gọi cô ấy là Mary, cổ vũ tôi qua ti vi ở quê nhà Manacor, và hai thành viên khác trong ban huấn luyện cũng vắng mặt nhưng cũng có vai trò rất quan trọng trong những thành công của tôi: Francis Roig, huấn luyện viên thứ hai, một tay vợt tài giỏi như Toni nhưng dễ tính hơn, cùng huấn luyện viên thể lực Joan Forcades, người cũng giống Titin, luôn chăm sóc cơ thể của tôi.

    Gia đình thân thuộc của tôi, hay mở rộng và cả đội ngũ huấn luyện (thực tế đều là gia đình) cùng đứng trong ba vòng tròn đồng tâm xung quanh tôi. Họ không chỉ bảo vệ tôi tránh khỏi những sự hỗn độn nguy hiểm mà tiền bạc và danh vọng mang lại, mà còn tạo ra môi trường tình cảm và sự tin tưởng để tài năng của tôi có thể bộc phát. Mỗi cá nhân trong ấy lại bổ sung cho nhau và tác động tới tôi bất kể khi nào tôi yếu đuối và thúc đẩy tôi cảm thấy mình mạnh mẽ như thế nào. Cứ tưởng tượng ra những may mắn và thành công nếu thiếu họ chẳng khác gì là điều không tưởng.

    Roger là người được chọn khi tung đồng xu. Anh ấy chọn giao bóng. Tôi không quan tâm. Tôi thích đối thủ bắt đầu giao bóng khi bắt đầu trận đấu. Nếu tôi mạnh mẽ và dây thành kinh mách bảo có thể đánh bại anh ấy, tôi biết mình có cơ hội để bẻ break. Tôi lớn lên từ áp lực. Tôi không e ngại và mạnh mẽ lên chính từ đó. Khó khăn càng nhiều bao nhiêu, tôi lại hưng phấn chinh phục nó bấy nhiêu. Tôi cảm thấy phấn khích và dĩ nhiên tôi cảm thấy adrenaline và máu đang chảy mạnh từ thái dương xuống đôi chân. Đây là trạng thái cực đỉnh của sự tỉnh táo, nhưng vẫn có thể chế ngự được. Và tôi đã chinh phục được nó. Adrenaline đã dập tắt nỗi sợ hãi. Đôi chân của tôi thư thái và chúng cực kỳ khỏe mạnh để có thể chạy cả ngày. Tôi đang vô cùng háo hức, dù bị nhốt trong thế giới quần vợt cô độc của chính mình nhưng vẫn cảm nhận được sức sống lan tỏa mãnh liệt.

    Chúng tôi về vị trí ở vạch cuối sân và bắt đầu khởi động. Sự im lặng lại vang vọng với những tiếng: Păng, păng, păng… Một suy nghĩ thoáng qua trong đầu tôi, không phải lần đầu tiên, đó là làm thế nào để thoải mái và mềm mại khi di chuyển như Roger, rất điềm đạm. Tôi ưa mạnh mẽ và nghiêng nhiều về lối chơi phòng thủ và phản công lại từ cuối sân. Tôi biết điều ấy sau khi xem lại những clip ghi lại hình ảnh mình thi đấu. Đó là sự phản ánh chính xác nhất tôi đã chơi như thế nào trong cả sự nghiệp – đặc biệt khi đối thủ là Federer. Nhưng cảm giác của tôi bây giờ rất tốt. Tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Những cảm xúc có thể tấn công và chiếm lĩnh tôi, như khi không thực hiện tất cả những “nghi lễ”, hoặc chút lo sợ khi bước vào sân Trung tâm, đã bay biến. Bức tường mà tôi dựng lên bao quanh mình đang ngày càng vững chắc. Tôi đã đạt được sự cân bằng giữa cảm giác căng thẳng và kiểm soát suy nghĩ, giữa sự lo lắng và niềm tin tôi có thể chiến thắng. Và tôi sẽ chơi thứ tennis tốt nhất: những cú đánh nặng, hay vô lê, smash và cả giao bóng ngay cả khi chỉ là những cú đánh khởi động trước trận đấu thực sự sắp diễn ra.

    Tôi trở về ghế ngồi, lau cánh tay và khuôn mặt có chút mồ hôi, nhấm nháp hai ngụm nước từ hai cái chai. Tôi đã có hồi tưởng cảnh tượng của trận chung kết năm ngoái (năm 2007). Tôi tự nói với mình một lần nữa rằng tôi đã sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra và tôi sẽ phải vượt qua tất cả. Bởi vì chiến thắng trận đấu này là giấc mơ cả đời tôi và sẽ không bao giờ có thêm một cơ hội lần nữa. Cái gì khác có thể đánh bại tôi, đầu gối hay đôi chân, cú trái hay cú giao bóng, nhưng ý chí của tôi thì không. Tôi có thể cảm thấy sợ hãi, hay sự lo lắng có thể xuất hiện trong vài điểm số, nhưng xuyên suốt trong đầu tôi, lần này tôi sẽ không gục ngã.
    Vì sao gia đình là nguồn sức mạnh vô hình của Nadal? Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 15h thứ Hai 18/3.

    PhongLan (KhamPha.vn)

  6. #6

    Ngày tham gia
    Jan 2014
    Bài viết
    0
    Nadal và Federer là hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược tại Wimbledon 2008.
    Câu chuyện: “Clark Kent và Superman”
    (Đây là câu chuyện nói về Nadal xung quanh trận chung kết Wimbledon 2008, như một phụ lục bên lề của chương 1)

    Nadal bước vào sân Trung tâm chuẩn bị cho trận chung kết Wimbledon 2008 như thể một chiến binh, với đôi mắt nghiêm khắc có sát khí và đôi tay nắm chặt cây vợt giống như cầm chiếc rìu của người Viking. Chỉ cần nhìn qua cũng thấy một sự tương phản rõ rệt so với Federer: Một bên là tay vợt trẻ với chiếc áo đấu cộc tay và cái quần kiểu cướp biển, một bên là tay vợt từng trải trong bộ cánh màu kem, với áo len chạm nổi chỉ vàng và chiếc sơ mi mang phong cách của Fred Perry (tay vợt huyền thoại của Vương quốc Anh, người gần nhất giành Wimbledon năm 1936). Một bên là tay vợt trông có vẻ lép vế với dáng dấp đường phố, một bên là tay vợt trông tinh tế và như ở một đẳng cấp cao hơn.

    Nadal và Federer là hai hình ảnh trái ngược nhau về phong cách

    Nếu như Nadal với những bắp tay cuồn cuộn, là hình ảnh của một kẻ có sức mạnh hung bạo, thì Federer mềm mại và uyển chuyển hơn nhiều ở tuổi cận kề 27, như mang dòng dõi quý tộc tự nhiên. Nếu như Nadal, tay vợt vừa mới bước sang tuổi 22, trầm lặng như một “sát thủ” thì Federer là một nhà quý tộc tản bộ vẫy chào với đám đông, giống như anh ấy sở hữu cả Wimbledon và đang đón chào những vị khách tới dự bữa tiệc trong khu vườn của mình.

    Federer bình thản giống một người đãng trí và kiêu kỳ trong cả thời gian khởi động trước trận chung kết giống như không hề nghĩ rằng đây là trận quyết đấu của những gã khổng lồ. Nadal gầm vang như sấm giống một anh hùng hành động trong trò chơi PlayStation. Anh đánh cú thuận tay như đang nã đạn từ một khẩu súng trường, nhắm bắn từ khẩu súng tưởng tượng, mắt chăm chú hướng tới mục tiêu và bóp cò. Còn Federer – cái tên theo tiếng Đức cổ là “bút lông ngỗng” – không bộc lộ cảm xúc nào hay căng thẳng như một cỗ máy. Anh ấy thả lỏng một cách tự nhiên. Nadal (cái tên nghĩa là “Giáng sinh” theo tiếng Catalan hay của người dân sống ở Mallorca, có phần hoa mỹ hơn “bút lông ngỗng”) là mẫu người mạnh mẽ, như hầu hết những vận động viên thể thao hiện đại; Federer thuộc tuýp người cổ điển trong thập niên 1920 khi tennis là trò tiêu khiển và là bài tập luyện tinh thần sau bữa trà chiều.

    Đó là những gì mà cả thế giới nhìn thấy. Federer hẳn đã thấy tiếng gầm gừ của đối thủ trẻ tuổi, người đang đe dọa sẽ tiếm ngôi vương của mình, ngăn cản kỷ lục 6 lần liên tiếp vô địch Wimbledon và thay thế vị trí số 1 mà Federer đã nắm giữ 4 năm qua. Sự tác động của Nadal tới Federer ở trong phòng thay đồ trước trận đấu giống như một cách “dằn mặt” đối thủ, hay nói cách khác, theo quan điểm của Francis Roig, huấn luyện viên thứ hai của Nadal, “Federer phải nhận ra anh ta sẽ phải giải quyết một hòn đá tảng. Lúc Nadal đứng dậy từ bàn mát-xa, sau khi Maymo quấn xong băng, cậu ấy làm cho đối thủ lo lắng,” Roig nói, “Chỉ một hành động đơn giản như quấn cán vợt cũng có cảm giác đáng sợ; đôi mắt nhìn xa xăm như thể không có gì xung quanh cậu ấy. Sau đó bất thình lình cậu ấy thở sâu và bắt đầu thực hiện những cú nhảy lên xuống như không biết thực tế đối thủ chỉ cách vài bước trong căn phòng và Nadal nói vang: “Vamos! Vamos!” (Tiến lên! Tiến lên).”


    Nadal luôn khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải thận trọng

    Có một cái gì đó hung tợn dữ dằn trong đấy. Các tay vợt khác có thể có những suy nghĩ của riêng mình nhưng anh ta sẽ không thể thoát được cái tư tưởng thận trọng thoáng qua lặp đi lặp lại trong ý nghĩ, “Ôi Chúa ơi! Đó là Nadal, người luôn chiến đấu giành từng điểm như thể đó là điểm cuối cùng. Hôm nay mình phải ở phong độ cao nhất và phải có một ngày để đời. Nếu không thắng, đây có khi là cơ hội cuối cùng.”

    Những gì diễn ra trước mắt Roig có thể được miêu tả như một sự cách biệt giữa Nadal - tay vợt thi đấu “với một thứ gì đó mà chỉ có nhà vô địch thực sự mới có” so với Nadal ở ngoài đời. “Bạn cần biết một phần trong cậu ấy cũng tồn tại những lo lắng sợ hãi. Cậu ấy cũng như bất cứ người bình thường nào trên đời này, rất đứng đắn và tốt bụng, và không biết chắc lúc nào có thể điều khiển được những mối lo âu thường trực trong người, nhưng bạn đã thấy anh ấy ở trong phòng thay đồ và đột nhiên trở thành một kẻ bất khả chiến bại.”

    Nhưng gia đình của Rafael không biết điều đó từ phòng thay đồ cho tới khi bước lên trên sân Trung tâm, rằng cậu ấy là một kẻ đi chinh phục hay một võ sỹ giác đấu với cây rìu trên tay, càng không phải là một chú bò tót hăng máu muốn chọc thủng con mồi. Họ lo sợ cho cậu ấy. Họ biết cậu ấy xuất chúng và cũng biết cậu ấy can đảm như thế nào, trong khi họ không được phép để lộ những cảm giác bất an về cậu ấy, nhưng những gì diễn ra hiện tại ngay trước khi trận quyết đấu bắt đầu, là một cảm giác mong manh đến gai người.
    “Đội hình” của Nadal gồm những ai, họ đã hỗ trợ cho Rafa như thế nào? Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 15h thứ Sáu 22/3.

    khampha.vn

  7. #7

    Ngày tham gia
    Dec 2013
    Bài viết
    0
    Một Nadal yếu đuối đã trưởng thành trong sự chỉ dạy của chú Toni.

    Mẹ tôi kể lại hồi còn nhỏ, thi thoảng tôi trở về nhà với khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Bà đã cố gắng hỏi tôi có chuyện gì nhưng tôi cứ im lặng. Một lần tôi thú nhận với bà rằng chú Toni toàn mắng tôi là thằng bé dựa hơi mẹ, và chỉ làm bà thêm mệt, nhưng tôi cầu xin mẹ đừng kể cho chú Toni, vì như thế chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn.

    Toni không bao giờ mềm mỏng. Một lần tôi thi đấu một trận thực sự, khi đó tôi 7 tuổi, mọi thứ thật kinh. Đó là một ngày nắng nóng mà tôi bước vào trận đấu mà quên mang chai nước quen thuộc của mình. Rõ ràng tôi để quên nó ở nhà và chú Toni có thể ra ngoài để mua cho tôi chai nước khác, nhưng ông không làm. Và ông nói đó là bài học để tôi phải có trách nhiệm hơn trong mọi thứ. Tại sao tôi không chống đối? Vì tôi yêu tennis và muốn tận hưởng cảm giác chiến thắng như thế nào, và tôi cũng là đứa trẻ ngoan ngoãn biết nghe lời. Mẹ tôi có lúc phàn nàn rằng tôi dễ bị kiểm soát. Có thể như vậy, nhưng nếu tôi không đam mê môn thể thao này, có lẽ tôi cũng chả thể chịu đựng được chú Toni. Và tôi cũng yêu ông ấy, như những gì tôi vẫn làm và sẽ luôn luôn như vậy. Tôi tin tưởng chú Toni và trong sâu thẳm tôi hiểu bất cứ những gì ông làm đều là nghĩ tới những việc tốt nhất cho mình.

    Nadal yêu chú Toni dù ông luôn nghiêm khắc với Rafa

    Tôi cũng tin chú Toni đến mê muội, đến nỗi trong nhiều năm, tôi cứ ngưỡng mộ câu chuyện phóng đại về sự nghiệp thể thao lừng lẫy của ông, như chuyện chú Toni vô địch giải đua xe đạp lớn nhất hành tinh Tour de France hay là ngôi sao bóng đá tại Italia. Lúc còn nhỏ, tôi hoàn toàn tin chú mình có một năng lực siêu nhiên. Cho tới khi 9 tuổi, tôi vẫn không nghi ngờ khi nghĩ chú Toni có những khả năng ma thuật như trở thành vô hình. Đến nỗi khi cha tôi, ông nội và chú Toni cùng đứng một chỗ, chú vẫn khiến tôi tin mọi người không nhìn thấy ông và chỉ có tôi mới có thể. Toni còn thuyết phục tôi nghĩ rằng ông có thể điều khiển được cả mưa gió.

    Khi tôi 7 tuổi, tôi có chơi một trận với đối thủ đã 12 tuổi. Rõ ràng chẳng ai đánh giá cao cơ hội chiến thắng của tôi, thế là trước trận chú Toni bảo nếu tôi bị dẫn trước 0-5, ông sẽ bắt trời phải đổ mưa để trận đấu phải tạm hoãn. Nhưng tôi đã nghĩ ông mất niềm tin quá sớm, vì tôi mới bị dẫn trước 0-3 thì trời đã lất phất mưa. Thế rồi tôi thắng 2 game tiếp theo và đột nhiên cảm thất tự tin chiến thắng hơn bao giờ hết. Trong giờ nghỉ tôi nói với chú Toni: “Cháu nghĩ chú bảo trời đừng mưa nữa. Cháu nghĩ cháu sẽ hạ gục tay này.” Sau 2 game tiếp theo, trời ngừng mưa thật và cuối cùng tôi thua 5-7. Nhưng tới hai năm sau tôi vẫn tin tưởng chú mình là một vị phù thủy có tài hô phong hoán vũ.


    Nadal từng nghĩ Toni là "siêu nhân"

    Vì thế cũng có những câu chuyện vui và kỳ bí trong mối liên hệ giữa tôi và chú Toni, ngay cả khi không khí khi luyện tập lúc nào cũng lạnh lùng và nghiêm túc. Và chúng tôi đã gặt hái được những thành quả. Nếu chú Toni không để tôi thi đấu mà không có nước uống như hôm ấy, nếu ông không đối xử với tôi theo cách nghiêm khắc đặc biệt khi tôi cùng luyện tập với đám bạn nhỏ, và nếu tôi không khóc khi nghĩ rằng ông trút sự bất công và ngược đãi lên mình, có lẽ tôi đã không thể trở thành tay vợt như ngày hôm nay. Chú Toni luôn nhấn mạnh về sức chịu đựng. “Chịu đựng, chấp nhận bất cứ điều gì sẽ diễn ra trên đường cháu đi, phải học cách vượt qua sự yếu đuối và đau đớn, hãy tự mình giải quyết vấn đề và không bao giờ được đầu hàng. Nếu cháu không học bài học ấy, cháu sẽ không bao giờ trở thành một vận động viên vĩ đại.” Đó là cách ông đã dạy tôi.

    Tôi thường phải nén lại cơn giận dữ của mình. “Tại sao là tôi chứ không phải ai khác phải quét sạch sân đấu sau buổi tập?” Tôi đã tự hỏi mình như vậy. “Tại sao tôi phải nhặt bóng nhiều hơn mọi người? Tại sao chú Toni lại luôn hét vào mặt tôi mỗi khi tôi đánh bóng ra ngoài?” Nhưng tôi đã kìm lại sự tức giận, không còn lăn tăn về sự bất công, mà chấp nhận cũng như sống cùng nó. Đúng, chú tôi có thể hơi quá, nhưng tất cả là tốt cho tôi. Tất cả những căng thẳng trong các buổi tập ngay từ khi còn nhỏ đã giúp tôi có thể đối mặt với những khoảnh khắc khó khăn nhất trong trận đấu, với sự kiểm soát bản thân tốt hơn những ai trong hoàn cảnh như vậy. Toni đã xây dựng một cá tính quyết chiến trong tôi giống như những gì mà mọi người thấy trên sân đấu.
    Chú Toni đã tạo nên Nadal quyết chiến, nhưng phía sau Rafa còn cả một gia đình thân yêu trợ giúp. Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 11h thứ Sáu 5/4.



    khampha.vn

  8. #8

    Giá trị bản thân và con đường tôi chọn, hay thứ làm nền tảng cho lối chơi của tôi, đều bắt nguồn từ cha và mẹ. Sự thật là chú Toni luôn nhấn mạnh tôi phải cư xử cho tốt trên sân, ví dụ như không bao giờ được phép đập vợt khi giận dữ, đó là hành động tôi không bao giờ làm. Nhưng thực sự từ khi lớn lên trong nhà, tôi đã như vậy. Cha mẹ luôn uốn nắn tôi vào khuôn khổ, nhất là những cách ứng xử hàng ngày. “Đừng nói khi miệng con đầy đồ ăn!”, “Ngồi thẳng lên nào!", hay như phải luôn nhã nhặn và lịch sự với mọi người, chẳng hạn như chào hỏi và bắt tay tất cả những ai bạn gặp. Cha mẹ tôi, như chú Toni luôn luôn khẳng định, chỉ có mong ước lớn nhất đó là tôi phải trưởng thành và là “con người tốt”. Mẹ tôi nói nếu tôi không được như vậy, hay tôi cư xử như một đứa trẻ hư hỏng, bà vẫn yêu tôi. Nhưng nhiều lúc bà cũng cảm thấy khó khăn khi phải đi nửa vòng trái đất để xem tôi thi đấu.

    Cha mẹ cũng nghiêm khắc với Nadal trong từng hành động

    Cha mẹ dạy cho tôi cách tôn trọng người khác từ khi còn nhỏ. Khi đội bóng của tôi thua trận, cha bảo tôi phải đi tới gặp những đối thủ và chúc mừng chiến thắng của họ. Tôi phải nói với họ đại loại như “Tuyệt lắm những nhà vô địch. Các bạn chơi rất hay.” Tôi dĩ nhiên chẳng hào hứng chút nào. Lúc đó tôi cảm thấy đau đớn khi thất bại và khuôn mặt lúc ấy là biểu lộ của trái tim buồn bã trong tôi, khác xa những lời nói có cánh ấy. Nhưng tôi biết sẽ rắc rối to nếu như không làm như lời cha bảo. Và nó trở thành thói quen ẩn sâu trong tôi. Theo một cách tự nhiên nhất thì tôi sẽ ca ngợi đối thủ sau khi họ đánh bại mình hoặc ngay cả khi tôi thắng, nếu anh ta xứng đáng với những lời khen.

    Trong môi trường kỷ luật như vậy, tôi vẫn sống trong vòng tay gia đình thật hạnh phúc và ấm áp đặc biệt như một đứa trẻ, và có thể đó là lý do vì sao tôi có thể chịu đựng được cách rèn giũa khắc nghiệt của chú Toni. Đó cũng giống như là một sự cân bằng vì dù có chuyện gì chăng nữa thì cha mẹ luôn cho tôi một cảm giác che chở vô hình xung quanh.

    Cha Sebastian của tôi là anh cả trong gia đình 5 anh em và tôi là đứa cháu đích tôn của ông bà. Điều đó nghĩa là tôi nhận được sự chăm sóc đặc biệt của 3 người chú và người cô, cũng như của ông bà, ngay từ khi mới lọt lòng. Tất cả nói rằng tôi là bảo vật của gia đình và là thứ “đồ chơi” yêu thích của họ. Cha tôi kể lại chuyện khi tôi mới 15 ngày tuổi, cha mẹ đã để tôi ngủ qua đêm cùng nhà với ông bà và các cô chú, khi đó chưa ai có gia đình. Đến khi tôi vẫn là đứa bé khoảng hai hay ba tuổi gì đó, mọi người cũng dẫn tôi tới cả quán bar, nơi mà họ gặp bạn bè tán gẫu, chơi bài hay bi-a hoặc bóng bàn. Được sống trong thế giới của những người lớn trở thành một khoảng trời tự nhiên nhất với tôi và tôi không thể quên những ký ức kỳ lạ ấy.

    Gia đình là nền tảng thành công cho Rafa

    Cô Marilen cũng là mẹ đỡ đầu của tôi, thường đưa tôi tới bãi biển Porto Cristo, chỉ cách Manacor 10 phút đi ô tô, trong khi tôi ngủ ngon lành trên bụng của bà dưới ánh nắng mặt trời êm dịu. Các chú thì thường đá bóng với tôi ở hành lang trong nhà hoặc ở ga ra. Một trong ba người là chú Miguel Angel, một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Ông chơi cho đội Mallorca, sau đó là Barcelona và cả đội tuyển Tây Ban Nha. Khi tôi còn nhỏ, cả nhà thường đưa tôi tới sân vận động để xem chú Miguel chơi bóng. So với những vất vả mà tôi rèn luyện dưới tay chú Toni, tôi không phải là một tay vợt có câu chuyện cuộc đời như kiểu vượt khó để trở thành số 1. Tôi đã sống trong một thế giới cổ tích thời ấu thơ.

    Có một điều mà tôi dường như có điểm chung với những nhân vật thành công trong thể thao, đó là tính cạnh tranh đến cuồng tín. Khi còn nhỏ tôi đã ghét thất bại ở bất cứ thứ gì. Đánh bài, đá bóng ma trong ga ra, hay trò nào khác. Tôi có thể nổi cơn tam bành nếu thua cuộc, tôi sẽ làm. Vài năm trước, tôi đánh bài thua mọi người trong nhà và tôi đã chỉ trích tất cả chơi ăn gian, điều mà cho tới bây giờ tôi vẫn ấm ức. Tôi không biết tính cách ấy xuất phát từ đâu. Có thể từ khi được xem các chú thi đấu bi-a ăn thua với bạn bè. Có thể nói rằng một điều kỳ lạ rằng, cứ mỗi khi cuộc đấu bắt đầu, tôi lại biến thành một con quỷ nhỏ với sự hiếu thắng không thể ngừng lại.
    Vì sao Nadal lại thích Real Madrid? Cha và các chú của Nadal đã tác động đến Rafa như thế nào? Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo.

    PhongLan (KhamPha.vn)

  9. #9

    Ngày tham gia
    Sep 2013
    Bài viết
    0

    Rafa học được nhiều điều từ chú Miguel Angel Nadal


    Ba người chú của tôi theo nghiệp thể thao là chú Toni, tay vợt chuyên nghiệp trước khi trở thành huấn luyện viên; chú Rafael, cầu thủ chơi ở giải địa phương Mallorca trong nhiều năm; và Miguel Angel, cầu thủ đã chinh chiến ở đấu trường bóng đá đỉnh cao. Điểm nhấn lớn nhất trong sự nghiệp của chú là ký hợp đồng là cầu thủ chuyên nghiệp cho đội Mallorca, đội bóng đang chơi ở hạng đấu cao nhất tại Tây Ban Nha, khi mới 19 tuổi. Ngày chú đặt bút ký hợp đồng (mà cha tôi là người đại diện) trùng hợp đúng ngày tôi sinh ra, 3/6/1986.

    Miguel Angel Nadal, người chú ảnh hưởng nhiều đến cá tính của Rafa

    Miguel Angel là mẫu cầu thủ cao lớn, mạnh mẽ và cực kỳ đa năng khi chú vừa có thể chơi ở vị trí hậu vệ cũng như tiền vệ và cũng có thể ghi những bàn thắng. Bất cứ ai từng ngưỡng mộ về thể chất hay sự chăm chỉ và bền bỉ trong tập luyện của tôi thì có thể nhìn từ chú Miguel Angel, người đã chơi bóng đá đỉnh cao tới khi 38 tuổi. Chú đã có 62 lần khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha và hơn 300 lần thi đấu cho Barcelona trong 8 mùa giải, khoảng thời gian cùng Barca giành 5 chức vô địch La Liga cùng chiếc cúp danh giá nhất, cúp C1 (năm 1992).

    Tôi vẫn thường tới sân xem chú thi đấu, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi chú dẫn tôi tới sân Nou Camp của Barcelona, sân vận động lớn nhất ở châu Âu khi tôi lên 10, tôi đã được chơi bóng với khoảng 6 cầu thủ trong đội một của Barca sau khi họ kết thúc buổi tập luyện. Tôi nhớ đã mặc áo đấu của Barca ngày hôm đó. Một thời gian dài sau này mọi người trong gia đình vẫn còn trêu chọc tôi vì điều đó, bởi vì dù ngưỡng mộ chú Miguel Angel tới đâu thì tôi chắc chắn sẽ mãi mãi là cổ động viên của Real Madrid. Ai cũng biết Real và Barca là hai kình địch trong làng bóng đá thế giới. Còn tại sao tôi lại là fan của Real? Đơn giản. Bởi vì cha tôi cũng như vậy và bạn có thể biết thêm tầm ảnh hưởng của ông tới tôi lớn như thế nào.

    Mọi thành viên trong gia đình đều góp phần tạo nên con người tôi hiện tại. Với chú Miguel Angel, tôi đã may mắn khi được nếm trải hương vị của cuộc sống đang đợi tôi phía trước khi tôi trở thành một tay vợt chuyên nghiệp. Chú là một ngôi sao danh tiếng, đặc biệt là ở Mallorca. Trong thể thao, cùng với tay vợt Carlos Moya, người từng giữ vị trí số 1 thế giới (trong hai tuần từ 15/3/1999 đến 28/3/1999), chú Miguel Angel là niềm tự hào của cả hòn đảo. Chú là một tấm gương tuyệt vời cho tôi và cho tôi cái nhìn thoáng qua về cuộc đời tôi phía trước: Chú kiếm được nhiều tiền và trở nên nổi tiếng, chú xuất hiện trên truyền thông và được bao bọc bởi đám đông người hâm mộ tại bất cứ nơi đâu. Nhưng chú không bao giờ tự coi mình quá quan trọng hay cảm thấy bản thân xứng đáng với những lời khen ngợi xung quanh, mà luôn giữ một con người sống khiêm tốn và đơn giản.

    Miguel Angel Nadal giúp Rafa hiểu phải giữ đôi chân trên mặt đất ngay cả khi nổi tiếng

    Với tôi, Miguel Angel luôn luôn chỉ là người chú của mình, điều ấy có nghĩa là ngay từ khi còn nhỏ tôi đã có quan điểm về thứ gọi là tiếng tăm, theo thời gian, tôi phải luôn giữ đôi chân ở trên mặt đất. Chú Miguel Angel cho tôi những gì thực tế, ăn sâu vào máu là sự vững vàng cho tới những bài học về sự khiêm nhường mà chú Toni và cha mẹ đã dạy tôi từ khi còn nhỏ. Tôi bây giờ đã nhận thức được rằng mọi thứ đến với mình không phải vì mình là ai, mà vì những vì mình đã làm. Đó là sự khác biệt. Có một Rafa Nadal là tay vợt mà ai cũng nhìn thấy khi chiến thắng và có một Rafael là con người không bao giờ thay đổi dù bất cứ điều gì xảy ra, dù tôi có nổi tiếng hay không. Chú Miguel Angel cũng ảnh hưởng quan trọng tới cả gia đình tôi: Những gì với chú cũng giống như những gì với tôi sau này và mọi người có thể đối phó với sự nổi tiếng của tôi dễ dàng và tự nhiên hơn nhiều so với những con người khác.

    Chú Miguel Angel, sau này trở thành trợ lý huấn luyện viên tại đội bóng Mallorca (trong mùa giải 2010-11), đã giúp tôi hiểu rằng những thành viên trong gia đình một nhân vật nổi tiếng cũng sẽ phải hành động như thể chính họ là những người nổi tiếng vậy. Chú nói rằng có thể làm bất cứ điều gì, giống như cha mẹ và chú Toni luôn chuẩn bị cho tôi cách đối phó với những cạm bẫy của thế giới người nổi tiếng, và nhắc nhở tôi phải tiếp nhận những bài học ấy như thế nào. Chú Miguel Angel tin tưởng tôi không bị mờ mắt vì những gì mình đã đạt được. Chú có thể đã đúng, và nếu như vậy, mọi thứ chỉ là tốt cho tôi.
    Nadal không chỉ yêu tennis mà còn mang cả niềm đam mê bóng đá trong tim. Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo.

    PhongLam (KhamPha.vn)

  10. #10

    Ngày tham gia
    Dec 2013
    Bài viết
    0
    Vậy mới thấy họ phi thường thế nào, không có sự thành công nào mà ko có nước mắt nhỉ

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •