Tại giải Cincinnati, ngoài lịch thi đấu được công bố cho các khán giả biết trước một ngày, ban tổ chức cũng công bố lịch tập của các tay vợt ở các sân tập. 9 giờ rưỡi sáng hôm đó, Radek Stepanek được xếp tập với Viktor Troicki. Cả hai đều bắt đầu thi đấu vào lúc 11 giờ sáng đó, Stepanek gặp Mardy Fish còn Troicki gặp Juan Martin del Potro. Cả Stepanek và Troicki đều muốn khởi động trước khi bước vào trận đấu cùng với bạn tập ngang tầm, đây là điều kiện thứ nhất. Điều kiện thứ hai: họ không muốn tập với đối thủ kế tiếp của mình. Họ đưa hai điều kiện này cho ban tổ chức nhờ tìm bạn tập và các điều kiện của họ đều được thỏa mãn. Theo nhánh bắt thăm, Stepanek chỉ thi đấu với Troicki khi họ vào trận chung kết.

Nếu Stepanek hoặc Troicki tự tìm được bạn tập thì họ không cần nhờ ban tổ chức sắp xếp việc này nữa. Ví dụ như Rafael Nadal hiếm khi phải đi kiếm bạn tập vì anh luôn có người đồng hương Marc Lopez sẵn sàng. Lopez là chuyên gia đánh đôi nên Nadal cũng chẳng giấu gì bạn tập. Đôi lúc, Nadal cùng Lopez cáp lại đánh đôi ở một số giải và còn giành chức vô địch nữa. Trước đây, Nadal theo tập chung với đàn anh Carlos Maya, có thể nói Moya đã giúp Nadal rất nhiều trong việc tiến lên đỉnh cao. Tương tự như vậy, Roger Federer cũng khai thác nhiều kinh nghiệm từ Tommy Haas sau thời gian dài tập cùng với Haas lúc đầu sự nghiệp.

Các tay vợt Mỹ thì luôn họp lại tập với nhau vì họ khá thân thiết. Nếu sáng này, Sam Querrey bận thi đấu thì Andy Roddick kiếm John Isner ra tập, rồi còn cả Fish, Ryan Harrison, Donald Young và anh em nhà Bryan nữa, Hiếm khi thấy các tay vợt Mỹ tập với người ngoài. Một số tay vợt giàu thì có hẳn cho mình một bạn tập đi theo, ví dụ Novak Djokovic có Dusan Vemic, nên hiếm khi anh ra ngoài tìm bạn tập. Andy Murray dù thay nhiều HLV trong những năm qua nhưng bạn tập thì luôn là Dani Vallverdu, tay vợt người Venazuela mà hạng đánh đơn cao nhất là số 727 thế giới vào năm 2005. Dani chơi thân với Murray từ hồi họ còn là những chú nhóc tập bóng ở học viện Sanchez-Casal ở Tây Ban Nha.

Hass chuyên đánh bóng với HLV Christian Groh của anh. Trong số các tay vợt thuộc top 30 thì Hass tập với HLV của anh nhiều nhất. Gọi là HLV chứ Groh giống như bạn tập của Hass nhiều hơn. Năm nay đã 34 tuổi, Hass thừa kinh nghiệm để biết mình cần làm gì, ai mà dạy được anh thêm nữa. Còn Groh thì kém Hass đến 4 tuổi. Đâu năm nay, Hass xếp hạng 205 còn bây giờ, anh lọt và top 20 thế giới.

Với các tay vợt nữ thì họ tập với bạn tập đi theo nhiều hơn. Vì 2 lý do, thứ 1: nhiều tay vợt không ưa nhau. Phụ nữ mà không ưa nhau thì khó ngồi lại với nhau, nói gì tập chung với nhau. Thứ 2: tập với các bạn tập nam, cú đánh của họ mới thường xuyên được cải thiện về mặt uy lực.

Nhiều tay vợt không chọn bạn tập theo kiểu có người tập cùng là tốt rồi. Họ tập có chiến lược đàng hoàng. Ví dụ tay vợt X cần cải thiện khâu forehand trong khi tay vợt Y rất hay ở khâu này, thế là HLV của X bốc điện thoại lên hẹn giờ với HLV của Y. Hoặc nếu vòng tới, X gặp một tay vợt thuận tay trái, thế nào HLV của anh cũng phải chạy đôn chạy đáo đi tìm một bạn tập thuận tay trái. Cũng nói luôn là các tay vợt thuận tay trái hơi hiếm, chỉ chiếm khoảng 10% trong làng tennis chuyên nghiệp. Nếu chẳng may hôm đó, các tay vợt thuận tay trái đều bận thi đấu thì họ sẽ phải kiếm một tay vợt dự giải thiếu niên ra tập cùng. Cho nên, trong sổ tay của HLV bao giờ cũng có một danh sách dài những số điện thoại cần thiết.

Ai lo chứ Federer không lo việc đó. Giải nào anh cũng phải “dũa” với Bob Bryan vài lần, để chuẩn bị gặp Nadal chứ. Mà Bob thì bao giờ cũng sẵn sàng chờ Federer trên điện thoại. Có khi họ đã tính sẵn với nhau tập những ngày nào khi vừa có kết quả bốc thăm. Cũng có trường hợp các tay vợt lên lịch tập với nhau trước khi bốc thăm. Rồi khi có kết quả bốc thăm, cả hai mới bật ngửa khi biết họ phải gặp nhau ở vòng 1. “Tôi đã gặp cảnh này nhiều lần rồi”, Ashley Munn, trưởng bộ phận <acronym title="Google Page Ranking">PR</acronym> của ATP cho biết, “Một nửa số họ hủy tập. Nửa còn lại không hủy tập nhưng ra đến sân tập thì phần lớn chỉ ngồi tán gẫu với nhau. Đầu óc đâu mà tập nữa” Những cuộc tán gẫu này nhiều khi tăng thêm tình hữu nghị, vì không tập tuần này thì họ còn cơ hội tập với nhau vào tuần sau ở giải sau nữa. Họ cần nhau. “Tôi chưa bao giờ nghe thấy một tay vợt nói với một tay vợt khác: Tôi không muốn tập với cậu vì tôi không thích cậu, hay vì cậu kém cỏi quá. Đó là điều cấm kỵ vì nếu câu chuyện này được nhiều người biết, sẽ chẳng có ai tìm đến bạn nữa”, Nunn nói, “Và các HLV luôn khen ngợi các tay vợt khác mỗi khi gặp mặt, bất kể hôm qua họ vừa thắng hay thua. Họ hiểu rằng, biết đâu có ngày anh ta sẽ thuê mình. Thế giới tennis tưởng rộng lắm, nhưng thật ra nhỏ hẹp thôi”.

tennis247