Kết quả 1 đến 2 của 2
  1. #1

    Ngày tham gia
    Dec 2013
    Bài viết
    0

    Quần vợt Việt Nam - Cú hích từ Kei Nishikori

    Xem trận chung kết giữa Kei Nishikori với tay vợt Milos Raonic người Canada tại giải Rakuten Japan Open (ngày 7-10-2012), trong tôi cứ lẩn quẩn hai thái cực: vui, buồn. Ra đời từ năm 1972, có thể nói Rakuten Japan Open (còn gọi là Nhật Bản mở rộng) thuộc hệ thống giải ATP 500 danh giá ở châu Á với số tiền thưởng năm này lên tới 1.280.565 USD (hơn 26 tỷ đồng). Chính vì vậy việc tay vợt người Nhật lần đầu tiên đăng quang ở giải này có ý nghĩa như thế nào với người dân Nhật khi họ đã có tới 40 năm tổ chức giải theo kiểu “vàng ta đãi tây”.

    Nhìn cảnh khán giả Nhật căng thẳng theo dõi sự kiên nhẫn của Nishikori trong các pha đôi công , thổn thức với sự trầm tĩnh của anh khi đỡ giao bóng của Raonic và việc di chuyển bền bỉ để tìm cơ hội giành phần thắng mới thấu hiểu cái cảm giác vỡ òa của chiến thắng. Sân trung tâm của tổ hợp quần vợt Ariake Colosseum ngày 7-10 không chỉ là sân nhà của Nishikori mà còn là thánh đường của anh tạo lập trong lòng người dân Nhật. Niềm tự hào của người Nhật càng được thăng hoa hơn khi Nishikori giành chiến thắng thuyết phục trước Raonic người đã từng hạ tay vợt xuất sắc nhất thế giới trong thời gian gần đây Andy Murray trong trận bán kết trước đó.

    Thể thao nói chung và quần vợt nói riêng luôn có những điều lôi cuốn bởi sức mạnh kỳ bí mà không một thế lực nào có thể tạo dựng trong một thời gian ngắn như vậy (trong khuôn khổ thời gian của một giải đấu, đôi khi chỉ là một trận đấu). Hàng triệu “tín đồ” có thể khóc, có thể cười và có thể làm nhiều điều cho thần tượng của mình. M.Chang, sau đó là Lina đã từng là niềm tự hào của người Trung Quốc thì hôm nay thần tượng mới của quần vợt Nhật và cả châu Á là Nishikori, tay vợt mới 22 tuổi được sinh ra tại Matsue Shimane Nhật Bản.


    Thắng trong trận chung kết này, Nishikori nhận được 669,450 USD và theo thống kê của ATP tổng số tiền giải thưởng mà anh nhận được sau gần 5 năm chơi tennis chuyên nghiệp là hơn 2 triệu USD. Dù không lớn nhưng đây quả là con số đáng để nằm mơ của những tay vợt châu Á muốn gia nhập vào làng tennis chuyên nghiệp.

    Xem tay vợt người Nhật thi đấu, tôi lại nảy ra vài so sánh. Kei Nishikori có chiều cao 1,78m không phải quá khác biệt với thể hình các tay vợt VN. Thậm chí, việc anh đến với tennis lúc mới 5 tuổi cũng không phải là điều kiện quá xa vời với trẻ em VN. Vậy thì điều khác biệt nếu có chỉ là ngay từ nhỏ, Nishikori đã được gia đình đưa sang sống ở Florida Mỹ và học tại Học viện IMG với sự dẫn dắt của HLV B.Dante. Mới đây, theo HLV của Nishikori là Brad Gilbert (HLV đã từng huấn luyện cho A. Agassi, Andy Roddick) thì Nishikori có tốc độ, sức bền và chơi khá chuẩn xác ở cú thuận tay. Nếu đã từng xem Michael Chang chơi hơn 15 năm trước thì đây cũng là nét mạnh của các tay vợt châu Á. Nhưng đây cũng chính là nhược điểm của các tay vợt VN.

    Thời gian ở Mỹ, tôi đã hỏi một HLV VN hiện đang định cư tại đây về sự khác biệt trong phương pháp huấn luyện. Anh thẳng thắn cho biết điều khác nhau lớn nhất đó là thái độ tập luyện. Để có được một cú đánh dọc dây hiểm hóc thường thấy, các VĐV phải tập cả ngàn lần để trả bóng chỉ về một góc trong khi máy bắn bóng từ nhiều vị trí khác nhau trên sân. Thậm chí, mỗi ngày, các tay vợt phải tập 6-8 tiếng đồng hồ trên sân. Chỉ một con số này thôi cũng cho thấy không một tay vợt VN nào có đủ uy để buộc học trò của mình phải tập như vậy.

    Nói vui vì hơn 15 năm sau M.Chang, châu Á cũng có tay vợt nam thứ hai lọt vào Top 15 tay vợt mạnh nhất thế giới (trước đó là Paradorn Srichaphan của Thái Lan), nhưng buồn vì VN vẫn mãi ở vùng trũng nhất của quần vợt thế giới. Người ta thường nói: giấc mơ đẹp thường xảy ra ban đêm khi có một giấc ngủ thật dài. Có lẽ vì vậy nên giấc mơ ban ngày gần như đồng nghĩa với việc “nằm mơ đi” để nói về một điều không thể, đại loại như “hái sao trên trời”.

    Nhưng theo cách so sánh thông thường, người Trung Quốc, người Nhật làm được thì người VN cũng có thể làm được. Quá khứ, lão tướng Võ Văn Bảy cũng đã từng hạ nhà đương kim vô địch quần vợt người Nhật trên sân Tao Đàn. Có nghĩa là vẫn có cơ sở để hy vọng (dù mong manh) cho tương lai của quần vợt VN. Có nghĩa là vẫn có thể mơ, dù đó chỉ là giấc mơ ban ngày, ngắn ngủi.

    HoaiLe

    ThegioiTennis

  2. #2

    Ngày tham gia
    Nov 2013
    Bài viết
    0
    Bác HoaiLe quên mất không thấy là cả 1 nước Nhịt hùng mạnh và văn minh, đưa tennis vào từ chương trình phổ thông Trung học... mới có được 1 Kei Nishikori trong bao nhiêu năm. Kei có thể hình như ng VN nhưng bệ phóng của anh lại hoàn toàn khác.

    Cá nhân em chả thấy phần khích gì? Bác Chưa đăng ký có thế không?

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •