Kết quả 1 đến 3 của 3
  1. #1

    Ngày tham gia
    May 2013
    Bài viết
    0

    Sao thể thao ngày ấy: Ngôi sao quần vợt giữa thương trường

    Cựu “nữ hoàng” quần vợt Việt Nam Nguyễn Thùy Dung nay là cô chủ chuỗi cửa hàng ẩm thực Yoway Frozen Yogurt tại TP.HCM vốn được đông đảo bạn trẻ yêu thích.

    Thùy Dung trong hình ảnh của một bà chủ kinh doanh
    Không muốn mang tiếng dựa hơi gia đình

    Nguyễn Thùy Dung bước vào làng quần vợt Việt Nam với lợi thế nhất định so với các tay vợt còn lại. Điều kiện kinh tế gia đình khá tốt là cơ hội để Thùy Dung tầm sư học quần vợt khắp thế giới, từ Học viện Vic Braden danh tiếng (Mỹ) đến Học viện Sutton (Anh) rồi Asia Tennis tại Thái Lan. Không phủ nhận lợi thế này, nhưng Thùy Dung cho biết thêm nếu không “dầm mưa dãi nắng” trên sân tập, không dồn hết đam mê cho quần vợt thì làm sao cô có thể lên ngôi số 1 Việt Nam năm 2006, nhất là trở thành tay vợt nữ Việt Nam có thứ hạng thế giới cao nhất - hạng 609 vào năm 2010.

    Cuối năm 2010, Thùy Dung bất ngờ quyết định gác vợt khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Cô lý giải: “Thật sự tôi còn rất đam mê, nhưng một phần do chấn thương, phần thì thấy tương lai mơ hồ quá, nhất là không còn cơ hội để phát triển khi quần vợt nữ Việt Nam thật ra rất khó vươn lên tầm thế giới nên đành phải dừng bước”. Rẽ nghiệp kinh doanh, Thùy Dung vẫn không muốn mình là chiếc bóng của bố mẹ. “Nhiều người chỉ đánh giá cao thành công của những người đi lên từ tay trắng, còn những người đã có nền tảng thì việc thành công của họ thường được coi là lẽ đương nhiên. 100 người nhìn vào tôi hiện tại, có lẽ đến 99 người nghĩ rằng nếu họ cũng có được sự hỗ trợ từ gia đình như tôi, họ cũng có thể làm được như vậy. Tôi cho rằng đã bước vào kinh doanh thì người tay trắng hay có “chỗ dựa” đều có cơ hội ngang nhau. Tất cả cùng khởi đầu bằng đam mê, nếu người tay trắng xem việc kinh doanh như một canh bạc, chỉ có hai kết quả thắng hoặc thua nên họ thường có quyết tâm và nỗ lực rất lớn để biến “ý tưởng” thành sự thật, thì những người có nền tảng lại càng khao khát sự thành công, tự khẳng định bản thân để không mang tiếng là chỉ biết “dựa hơi” gia đình”, Thùy Dung tâm sự.

    Thùy Dung nhận Giải vô địch quốc gia 2007
    Tạo sự khác biệt trong kinh doanh

    Trong kinh doanh ẩm thực, để khác biệt, người chủ phải biết tìm tòi và kết hợp các thành phần để tạo ra những món ăn, thức uống mang bản sắc riêng. Những chuyến ra nước ngoài tập huấn, Thùy Dung đã thu thập được những món độc đáo và bổ dưỡng đem về làm tại tiệm của mình, đơn cử như món Frozen Yogurt hay còn gọi là ya ua kem.

    Thùy Dung thổ lộ thời gian chuẩn bị mở cửa hàng ya ua kem, cô thường xuyên phải đổ đi hết vài trăm ký yogurt để tìm ra một công thức tốt nhất, mỗi ngày ngủ vài tiếng đồng hồ để thử... “Lúc ấy nhìn tôi như “con ma” vì một mình phải lo từ khâu thiết kế, lên chiến lược kinh doanh cho tiệm, xoay xở đủ kiểu, có những lúc tủi thân rơi nước mắt”, Thùy Dung kể.


    Cựu ngôi sao quần vợt Việt Nam hy vọng với tâm huyết và cố gắng của mình, việc kinh doanh sẽ thành công như Dung từng thành công với quần vợt.
    Không bỏ quần vợt

    Bận rộn chăm lo cho chuỗi cửa hàng nhưng Thùy Dung vẫn đau đáu giấc mơ mở học viện quần vợt ngay tại Việt Nam. Thùy Dung cho biết ở Việt Nam không thiếu tài năng quần vợt nhưng gia đình không có điều kiện kinh tế để đưa con mình ra nước ngoài tập huấn dài hạn. Việc mở học viện quần vợt trong nước sẽ tháo gỡ phần nào khó khăn của các em khi không phải tốn nhiều chi phí mà vẫn được luyện tập trong môi trường chuyên nghiệp với các HLV quốc tế giỏi. Điển hình trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã mở được nhiều học viện đào tạo ra những tay vợt chất lượng.
    “Khi ổn định kinh doanh, tôi sẽ triển khai dự án thành lập học viện quần vợt mà mình ấp ủ bấy lâu nay. Tôi muốn góp một phần nào đó để xây dựng quần vợt Việt Nam có nhiều tài năng tốt hơn trong tương lai”, Thùy Dung nói.
    Nguyễn Thùy Dung sinh năm 1987 tại Hà Nội. Tay vợt nữ số 1 Việt Nam từ năm 2006 đến 2009.

    Tham dự nhiều giải quốc tế trong hệ thống thi đấu nhà nghề nữ thế giới với thứ hạng cao nhất 609.

    Đoạt ngôi vô địch giải quần vợt nhà nghề Mỹ (USTA) mở rộng năm 2010. Tham dự SEA Games từ năm 2003 đến 2009, giành HCĐ đồng đội nữ SEA Games năm 2003.

    TNO

  2. #2

    Ngày tham gia
    Sep 2013
    Bài viết
    0
    Xuất thân từ vùng đất Bạc Liêu nhiều khó khăn, chỉ sau 4 năm tập luyện môn quần vợt, Lâm Thiện Thanh đã 2 lần trở thành nhà vô địch Việt Nam.
    Học lóm

    Lâm Thiện Thanh đến với quần vợt khá muộn, sau khi chơi bóng bàn và bóng đá từ nhỏ. Phải đến năm 15 tuổi, anh mới chơi quần vợt và bắt đầu bằng cây vợt gỗ do mình tự chế. Chỉ 3 tháng sau, “Cu đen” (biệt danh của Lâm Thiện Thanh) đã lên ngôi vô địch ở giải trẻ toàn quốc. Năm 19 tuổi (1989), anh có được chức vô địch Việt Nam đầu tiên giữa rất nhiều anh tài thời đó. Năm 1991, Lâm Thiện Thanh lần nữa lên ngôi vô địch sau khi thắng đàn anh Nguyễn Phú Khương trong trận chung kết.

    Thời đó quần vợt Việt Nam có nhiều tài năng như Nguyễn Anh Dũng, Phạm Văn Bảy, Nguyễn Hữu Hòa, Văn Giỏi, Trà Tấn Kiệt, Trương Quốc Hùng, Vũ Thanh Tùng… nên việc một tay vợt chưa đầy 20 tuổi như Thanh bất ngờ chiến thắng được coi là kỳ tích. Thanh kể: “Hồi đó tôi đâu có tiền để đăng ký học thầy và sắm sửa dụng cụ thi đấu. Tôi cũng không được tập cơ bản từ nhỏ, nên khi đến với bộ môn này chỉ xem và học “lóm” những cái hay của các tay vợt đàn anh khác để tập luyện cho riêng mình. Tôi tự mày mò chế cây vợt chủ yếu đánh giải trẻ cho vui. Sau lần VĐQG, tôi được gọi vào đội tuyển Việt Nam để tham gia SEA Games 16 và Davis Cup ở thời kỳ đầu tiên môn quần vợt gia nhập trở lại với đấu trường quốc tế”.

    Lâm Thiện Thanh và vợ con trong ngôi nhà của mình

    Nhắc lại chuyện SEA Games 16 trên đất Philippines, Thanh vẫn còn tiếc nuối: “Ban đầu mọi người cứ nghĩ giải sẽ thi đấu trên mặt sân cứng quen thuộc, nào dè sang Manila mới biết Philippines sắp xếp thi đấu trên sân đất nện. Giới quần vợt Việt Nam và bản thân tôi có bao giờ chơi trên sân này đâu nên rất bỡ ngỡ. Dù vậy tôi cũng vượt qua được trận đầu 6/1, 6/0 nhưng sau đó buộc phải thúc thủ ở trận 2 với tỷ số 4/6, 4/6 và bị loại. Giá mà lúc đó đừng có chuyện thay đổi mặt sân thì có lẽ tôi cũng vào đến bán kết”.
    Mua nhà bằng dạy tennis

    Với một người đầy máu thể thao như Thanh, Bạc Liêu chưa thể là nơi có thể vùng vẫy được. Năm 1995, Thanh chuyển hẳn lên Sài Gòn, gia nhập phong trào quần vợt đỉnh cao của TP.HCM. Khi bắt đầu cuộc sống ở nơi đây, anh được một người quen là bác sĩ Hưởng cho ở nhờ để vừa tập vừa đi dạy quần vợt kiếm sống. Đến năm 1998, anh lập gia đình và được người cô vợ cho mượn tiền mua ngôi nhà trong hẻm tại đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Hằng tháng anh phải trả cho người cô này 1 cây vàng. Chỉ sau vài năm anh đã trả hết được món nợ bằng mồ hôi và công sức trên sân quần vợt - điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Anh cho biết: “Do phong trào quần vợt thời đó bắt đầu phát triển khá mạnh, nên mình đi dạy banh cũng có thể kiếm được thu nhập để trả nợ tiền mua nhà. Nhưng nhờ mình dạy đàng hoàng và giá cũng khá rẻ nên được mọi người đến học khá nhiều”. Tuy chưa là huấn luyện viên của một đội tuyển nào, nhưng Lâm Thiện Thanh từng được các tay vợt chuyên nghiệp như Đặng Hồng Anh, Ngô Quang Huy hay Thùy Dung mời huấn luyện riêng cho mình.

    Hiện tại, bên cạnh thầu một sân ở 85 Thăng Long (Q.Tân Bình, TP.HCM) làm nơi “đóng đô” dạy banh, Lâm Thiện Thanh còn đi dạy khoảng 8 tiếng mỗi ngày ở các sân tại TP.HCM. Với thu nhập khá ổn định hiện nay, Thanh đang có ý định mở lớp đào tạo dành cho các em nhỏ vào mùa hè này tại CLB của mình với giá rất rẻ. “Đây là điều mình mơ ước đã lâu. Giờ đây khi có được sân riêng của mình, tôi đang bắt đầu thực hiện ước mơ đó”.

    Với những thành công hiện tại, anh tâm sự đó chính nhờ vào hậu phương vững chắc của mình. Vợ anh trước đây là kế toán của một công ty. Sau khi sinh em bé thứ hai, chị hy sinh công việc để ở nhà chăm sóc gia đình, đưa đón con cái đi học cho anh an tâm đi dạy. Thanh hiện có 2 con đều học rất giỏi. Con gái lớn của anh đang học lớp 7 Trường Lê Quý Đôn, 7 năm đều là học sinh giỏi. Con trai út mới vào lớp 1 nhưng đã có “gien” thể thao của ba, nên những lúc rảnh rỗi anh thường đưa cu cậu ra sân để tập chơi quần vợt.

    Nói về các đàn em quần vợt chuyên nghiệp của Việt Nam hiện nay, Thanh cho biết: “Các giải quần vợt đỉnh cao hiện tổ chức khá nhàm chán. Hệ thống thi đấu giải không kích thích được tài năng, tiền thưởng cũng thấp và chưa có sự quan tâm đúng mức đến phong trào, vì vậy chưa bật lên được. Bao năm qua quanh đi quẩn lại chỉ có vài tay vợt. Những Nguyễn Hoàng Thiên hay Lý Hoàng Nam nếu chỉ loay hoay ở Việt Nam mà không có bệ phóng hữu hiệu thì chắc chắn cũng đi vào vết xe đổ của những đàn anh trước đây”.

    TNO

  3. #3

    Ngày tham gia
    Oct 2013
    Bài viết
    0
    Đến đây thưởng thức hoài mà bây h mới biết của chị này

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •