Các ngôi sao QV đến Việt Nam trong vài ngày, vừa đủ để hâm nóng ngọn lửa đam mê và giấc mộng chuyên nghiệp của quần vợt VN.

Nguyễn Thùy Dung

Năm 2005, sau khi trở thành tay vợt Hà Nội đầu tiên giành ngôi vô địch quốc gia, tay vợt Nguyễn Thùy Dung đã gây sốc khi tuyên bố theo nghiệp nhà nghề. Quyết định này thể hiện khát vọng tiếp tục vươn tới và hội nhập được vào thế giới quần vợt đỉnh cao bên ngoài, chứ không chỉ bằng lòng với những chiến thắng trong nước, nhưng lại bị coi là "chơi ngông" bởi từ trước tới nay chưa có tay vợt Việt Nam nào thử sức ở sân chơi này.

Dù bị phản ứng, Thùy Dung quyết tâm thực hiện giấc mơ và một mình vác vợt đi khắp nơi thi đấu. Đầu tiên là những giải nhỏ tổng giải thưởng 10.000 USD, sau đó Dung chuyển sang các giải 25.000 USD với những đối thủ mạnh hơn. Nhiều lần lọt vào tứ kết, bán kết và một số chức vô địch đã giúp Dung tiếp cận sát tốp 600 thế giới. Đỉnh cao thành công của Dung trên đấu trường chuyên nghiệp là chức vô địch giải quần vợt nhà nghề Mỹ 2010 (USTA).

Sau 5 năm một mình thi đấu, Thùy Dung quyết định gác vợt khi mới 23 tuổi ở thế chẳng tay vợt trong nước nào đuổi kịp cô. Nhưng con đường mà Thùy Dung tiên phong đã có thêm người mới.

Nguyễn Hoàng Thiên là người thứ hai tiếp bước Thùy Dung. Bố của Hoàng Thiên, ông Nguyễn Ngọc Minh, từng tuyên bố sẵn sàng bỏ ra 1 triệu USD để con trở thành chuyên nghiệp. Đến nay, Thiên vẫn đang kiên trì theo con đường này. Cùng với Hoàng Thiên còn có tay vợt Huỳnh Phương Đài Trang của TPHCM và mới nhất có Lý Hoàng Nam, tay vợt 15 tuổi.

Nguyễn Hoàng Thiên

Ngoại trừ thành công bước đầu của Thùy Dung, Hoàng Thiên và Đài Trang vẫn chưa tạo được nhiều dấu ấn trên bước đường chuyên nghiệp. Tốn kém tiền bạc là những khó khăn mà cả hai gia đình Thiên, Trang đều phải đối diện. Học phí và chi phí thi đấu của Thiên lên tới 50.000 USD/tháng.

Riêng Đài Trang khi sang trung tâm danh tiếng Florida, Mỹ kiểm tra trình độ đã đạt điểm cao về tâm lý thi đấu, nhưng sau khi nghe HLV đưa ra mức giá 300.000 USD/năm đã phải chuyển hướng tới trung tâm khác rẻ hơn.

Nhận định chung của giới chuyên môn là Hoàng Thiên và Đài Trang còn phải rèn luyện rất nhiều mới có thể tạo được một dấu ấn cho quần vợt Việt ở sân chơi chuyên nghiệp, cũng như các đấu trường quốc tế khác và tự kiếm được đủ tiền để trang trải những khoản tiền khổng lồ mà gia đình đã bỏ ra để đầu tư.

Khi mà con đường chuyên nghiệp của các tay vợt Việt mới thấy tốn tiền khủng mà chưa thấy sự tiến bộ vượt bậc như kỳ vọng, sự có mặt của 4 ngôi sao quần vợt quốc tế tại TP HCM vừa qua như một liều thuốc động viên tinh thần cho các tay vợt trong nước. Azarenka cùng các đồng đội chính là những tấm gương, là nguồn cảm hứng cho các tay vợt trẻ.

Niềm đam mê quần vợt của các tay vợt Việt luôn có, nhưng con đường đi vẫn còn quá nhiều khó khăn, chưa thấy bến bờ. Sự động viên mà các tay vợt hàng sao thế giới mang lại cùng sự ủng hộ của người hâm mộ là những điều mà Hoàng Thiên, Đài Trang, Lý Hoàng Nam và nhiều tay vợt khác rất cần để giữ nhiệt huyết tới một ngày thực hiện được ước mơ đưa quần vợt Việt cất cánh.
VnExpress