Dù giải được tổ chức ngay trên đất Mỹ nhưng chưa bao giờ người hâm mộ nước này dám đặt niềm tin và hy vọng vào các tay vợt trẻ ở một giải lớn như Indian Wells. Thế nhưng năm nay, tình thế đã khác...


Khi biết tin Vania King phải bỏ cuộc ngay trước khi ra sân gặp Kerber, người hâm mộ Mỹ đã nghĩ ngay đến một ngày u ám bởi chẳng ai dám nghĩ đến chuyện McHale và Hampton sẽ làm nên chuyện trước những đối thủ có thứ hạng cao hơn hẳn. Thế nhưng, điều tưởng chừng như không thể ấy lại biến thành hiện thực, giúp người Mỹ ngất ngây trong men say chiến thắng.


Dấu ấn McHale


Mới lần thứ 3 dự giải và lần đầu tiên được xếp là hạt giống ở một giải lớn như thế này nên việc McHale không được đánh giá cao cũng là điều hoàn toàn bình thường. Đấy là chưa kể tay vợt người Mỹ lại chưa tròn 20 tuổi và chưa tạo được dấu ấn nào kể từ đầu năm. Bởi vậy, khi thấy cô ra sân gặp Kvitova, hầu hết đều nghĩ đến một chiến thắng sớm cho ĐKVĐ Wimbledon, nhất là khi tỷ số ở ván đầu là 6/2 nghiêng về tay vợt người CH Czech. Ấy vậy mà “gió” đã nhanh chóng xoay chiều khi McHale càng chơi càng hưng phấn, trong khi Kvitova liên tục mắc lỗi và rồi cuối cùng, điều không ai ngờ đã xảy ra: McHale thắng lại 2 ván sau ở tỷ số 6/2, 6/3.

Từng đánh bại các tay vợt trong Top 10 là Wozniacki, Azarenka và Bartoli nhưng đây là lần đầu tiên trong năm, McHale tạo được dấu ấn đậm nét đến thế. Và có điều chung nhất trong 4 chiến thắng của McHale trước các đối thủ trong Top 10 là những trận thắng ấy đều diễn ra trên đất Mỹ. Có thể nói sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà đã tạo ra sự hưng phấn để McHale ghi những chiến thắng lớn nhất trong sự nghiệp non trẻ của mình. Đánh bại Kvitova, đối thủ của McHale ở vòng 4 sẽ là Kerber, người vượt qua vòng 3 không tốn một giọt mồ hôi nhờ Vania King bỏ cuộc trước trận đấu. Có thể McHale sẽ không còn tiếp tục gây bất ngờ, nhưng ít ra việc có mặt ở vòng 4 cũng đã là một thành công ngoài mong đợi với cô.


Lạ lùng Hampton


So với McHale, Hampton tuy lớn hơn 2 tuổi nhưng lại là tay vợt mà người Mỹ dự đoán là chỉ góp mặt cho vui vì cô chỉ có thứ hạng 99 TG và dự giải bằng vé đặc cách. Mặt khác, từ trước đến nay Hampton chưa từng tạo được dấu ấn đáng kể trên bất cứ mặt trận nào và ngay ở giải này năm trước, cô còn bị loại ngay từ vòng đầu trước một Stephens thua mình 53 hạng.

Dù chẳng được đặt chút hy vọng gì nhưng khi thấy Hampton đánh bại Hercog (hạng 38) ở tỷ số 6/0, 6/1 thì mọi người bắt đầu mới có một cái nhìn khác hơn về cô. Và cái nhìn ấy đã thay đổi hoàn toàn khi ở vòng 2, Hampton ghi một dấu ấn để đời bằng việc đánh bại Jankovic ở tỷ số 6/4, 6/3. Từ đây, người hâm mộ Mỹ bắt đầu hy vọng và trông chờ vào điều kỳ diệu tiếp theo mà Hampton sẽ thực hiện. Cuối cùng, hy vọng ấy đã được Hampton đáp ứng một cách trọn vẹn ở vòng 3 bằng việc đánh bại Gajdosova (hạng 52) ở tỷ số 6/2, 6/7, 6/2. Lẽ ra, chiến thắng này sẽ hoàn hảo hơn và Hampton vẫn chưa để thua một ván nào nếu như cô đừng phung phí cơ hội trong thế dẫn trước 5/1 ở ván 2. Thế nhưng, một chiến thắng cũng là quá đủ để đưa cô vào vòng 4 gặp Radwanska sau khi tay vợt người Ba Lan này giành chiến thắng 6/4, 6/2 trước Pennetta.
Trong khi đó ở nội dung đơn nam, 2 tay vợt hạt giống đã gây thất vọng khi Mardy Fish (hạt giống số 8) và Andy Roddick (hạt giống số 30) đều đã bị đánh bại trong trận đấu vòng 3 và phải sớm rời khỏi giải đấu.