Vấn đề của Nadal là đầu gối tái phát chấn thương, hay đó chỉ là phẩn nổi của tảng băng chìm?


Vấp ngã phút 89


Nếu Nadal không bỏ lỡ cơ hội kết thúc trận đấu với Tsonga ở Miami Masters ngay trong set hai, chưa chắc anh đã phải bỏ cuộc trước khi vào trận bán kết với Murray và nghỉ ngơi tới hôm nay với cái đầu gối tái phát chấn thương.

Khi cầm giao bóng trong game quyết định của set hai lúc tỉ số đang là 5-4, Nadal đã không thể kết thúc trận đấu, thua liền ba game và bị gỡ hòa 1-1. Hậu quả là Nadal phải mất thêm gần một tiếng nữa với cường độ thi đấu cao hơn và trạng thái tâm lý cũng căng thẳng hơn để loại Tsonga.

Môt ngày trước đó, Nadal cũng bị bẻ game giao bóng ngay tại game quyết định của trận đấu với Nishikori (16 thế giới) lúc tỉ số đang là 6-4 trong set một và 5-3 trong set hai. Chỉ vì Nishikori thiếu một chút đẳng cấp và bản lĩnh, nên Nadal mới có thể giành lại break sau đó để giải quyết trận đấu ngay trong set hai.


Thể lực của Nadal không thực sự lý tưởng

Và khả năng tận dụng cơ hội hay nói chính xác hơn là kết liễu đối thủ có vấn đề của Nadal bộc lộ nghiêm trọng nhất ở trận chung kết Australian Open khi anh gặp Djokovic trong trận chung kết thứ bảy liên tiếp giữa hai tay vợt kể từ đầu năm 2011. Nadal cầm giao bóng trong set năm, chỉ cần thắng game đó, anh sẽ dẫn 5-2, và gần như sẽ kết liễu đối thủ có dấu hiệu tiếp tục xuống sức và bị tâm lý. Nhưng Nadal đã bị bẻ gãy game giao bóng ấy, và thua ngược với tỉ số 5-7 ở set quyết định.

Ngay trong năm 2011, điều đó cũng xảy ra ở mức độ thấp hơn. Nhưng nó cũng tạo ra sự tự tin cho các đối thủ của anh bởi họ biết rằng, đó là lúc dễ đánh bại Nadal nhất, và có thể lật ngược thế cờ.


Thần kinh thép đã mềm


Có hai loại lỗi mà Nadal thường phạm phải trong những game quyết định: đó là giao bóng một lỗi và đánh hỏng khi quyết định tìm cú ghi điểm trực tiếp.

Ở trận đấu với Tsonga, cả bốn cú giao bóng một đầu tiên của Nadal đều hỏng, và Tsonga tận dụng cơ hội tấn công quả giao bóng hai của Nadal để lật ngược tình thế.

Ở trận đấu với Nishikori cũng như với Djokovic, Nadal đã đánh hỏng những đường bóng dễ mà trong những thời điểm khác của trận đấu, anh thường dứt điểm dễ dàng. Như cú trái tay đi ra ngoài dây dọc dù Djokovic đã bị dồn sang góc sân đối diện khi điểm số là 30-15 và 4-2.

Những sai sót đó của một tay vợt đứng thứ tư trong lịch sử tennis hiện đại trên phương diện có tỉ lệ chiến thắng trong set quyết định như Nadal (chỉ sau Borg, Djokovic, Connors) rõ ràng là vấn đề của tâm lý.

Với một người như Nadal từng được thừa nhận như là bậc thầy của triết lý “Chiến thắng xấu xí” – tên một cuốn sách kinh điển của tennis do Brad Gilbert từng viết, người chiến thắng chưa chắc đã phải là người chơi và phô diễn thứ tennis hoàn hảo của mình mà lại là kẻ biết vận dụng thứ tennis phù hợp với đối thủ và hoàn cảnh của trận đấu, anh hiểu cần phải làm gì. Chỉ có điều, Nadal bất lực, và để tuột những cơ hội hoặc là kết thúc trận đấu sớm, hoặc là trả những món nợ của đời người (với Djokovic).


Tâm lý dẫn tới chấn thương tái phát


Nhưng như đã nói ở trên, vấn đề không chỉ là thắng thua, mà với Nadal nó còn là chuyện chấn thương.

Tiến sĩ Diane Wiese-Bjornstal ở trường Đại học Minnesota (Mỹ) có một nghiên cứu về tâm lý và thể chất trong hoạt động thể thao, kết luận rằng, có 4 nguyên nhân dẫn tới các chấn thương của các vận động viên nói chung: tình trạng thể lực, điều kiện sân bãi thời tiết, văn hóa xã hội, và tâm lý.

Nhìn trên góc độ này, chấn thương đầu gối của Nadal buộc anh phải bỏ cuộc trước trận bán kết ở Miami Masters cũng có thể là hậu quả của sự căng cứng, hồi hộp trong trạng thái, bên cạnh việc anh phải gắng sức thêm một quãng thời gian nhất định nữa ở trên sân đấu.


Nadal rất dễ tái phát chấn thương

Trên thực tế, chấn thương dây chằng đầu gối của Nadal xuất hiện từ năm 2009, buộc anh phải rời xa sân đấu 10 tháng. Tiền sử ấy làm Nadal dễ bị tái phát, và có thể nó đã xảy ra khi Nadal gặp một chút bối rối trong tâm lý dẫn tới một bước di chuyển sai, một bước đặt trụ lệch...

Vậy điều gì đã làm thay đổi Nadal, từ chỗ là một cỗ máy kết thúc trở thành một Murray thứ hai – dễ tự thua trong những điểm quyết định, nếu không phải là từ 6 trận chung kết thua liên tiếp trước Djokovic trong năm 2011?

Có thể chúng ta sẽ phải hỏi là nhưng vấn đề sai sót này xảy ra trước cả những tay vợt có đẳng cấp kém hơn Nadal, trong những trận đấu ngay từ vòng ngoài, nhưng vấn đề ở đây là Nadal đã ít nhiều đánh mất niềm tin vào chính bản thân anh, ở lối chơi phòng ngự bị hoài nghi và bản thân anh cũng đang muốn thay đổi chiến thuật.

Nadal đã quay trở lại tìm gặp bác sĩ đã chữa trị chấn thương đầu gối cho anh trong quá khứ, và ba ngày sau đó thông báo: “Đầu gối của tôi vẫn ổn”. Đó là sự khẳng định anh sẽ vẫn có tên trong danh sách những tay vợt tham dự Monte Carlo – giải đầu tiên trong một loạt ba giải Masters trên sân đất nện trước thềm Roland Garros.

Nhưng chưa chắc sẽ là một sự đảm bảo rằng Nadal sẽ bước vào cuộc chinh phục danh hiệu thứ tám ở giải đấu đó với một thể trạng khỏe mạnh và cả cái đầu lạnh lùng, tự tin.

Nhất là khi Nadal có quá nhiều vấn đề phải giải quyết đồng thời, trong đó có cái đầu và cái đầu gối!

(24h.com.vn)