Câu hỏi đặt ra khi Nadal lần thứ tám liên tiếp vô địch Monte Carlo là Djokovic đã thua vì anh thiếu quyết tâm hay vì Nadal trên sân đất nện giống như thần Ante trở về đất Mẹ?
Bí ẩn của Nadal

Hai tuần trước khi bắt đầu giải đấu, Nadal không biết liệu anh có thể có mặt ở Monte Carlo vì chấn thương đầu gối tái phát. Ba ngày trước khi giải đấu khai mạc, Nadal mới cầm lại cây vợt để tập luyện. Hơn nữa, sức ép lên đôi vai của Nadal là rất lớn. Djokovic trở lại Monte Carlo sau một năm vắng bóng với một trạng thái hầu như không có gì để mất, trong khi với Nadal giải đấu này có vai trò tâm lý rất lớn tới cả mùa giải sân đất nện. Thế nên, những gì Nadal làm được ở cả giải đấu và trận chung kết với Djokovic là phi thường, hoặc chí ít nó cũng trái ngược với dự đoán của số đông.

Nadal đã lý giải rằng anh có thêm hai ngày để tập luyện nhờ đuợc miễn vòng một và nằm trong nhóm những tay vợt đánh vòng hai muộn nhất. Sức ì có thể đã được giải phóng dần sau khi Nadal chơi trận đầu tiên (thắng J.Nieminen), rồi thắng dễ Kukushkin 6-1 6-1. Hai trận đấu với Wawrinka và Simon cũng có những e ngại hiện hữu, như trong set đấu đầu tiên khi Nadal cầm giao bóng để dẫn 5-3 thì anh lập tức bị bẻ lại game giao bóng - một căn bệnh đã xuất hiện khá thường xuyên trong một năm qua. Nhưng Nadal cho rằng hai trận đấu ấy giúp Nadal bắt nhịp với những loạt bóng bền để chuẩn bị cho trận đấu với Djokovic.


Nadal ít bị tổn hao thể lực hơn Djokovic

Nếu đúng thế thế, Nadal đã tận dụng tối đa lợi thế của một nhánh đấu không có những đối thủ lớn, nhất là khi Tsonga đã bị Simon loại ở tứ kết và Wawrinka đã đánh bại tay vợt có khả năng gây bất ngờ là Almagro.

Trong khi ấy, Djokovic ở một nhánh đấu với những đối thủ khó chịu. Dolgopolov và Berdych đều thắng trước Djokovic trong set một. Và tay vợt người CH Czech thậm chí suýt chút nữa đã có thể giành break sớm ngay trong đầu set hai để bước vào trận chung kết.

Như vậy, Djokovic bị hao tổn thể lực nhiều hơn trong hoàn cảnh anh chịu một tác động tâm lý khá lớn từ sự qua đời của người ông ở Serbia ngay trước khi anh bước vào trận đấu với Dolgopolov ở vòng ba.

Nhưng chừng đó thì không đủ để làm suy yếu nghiêm trọng nhà ĐKVĐ của chín giải đấu, trong đó có ba Grand Slam và bốn giải Masters 1000, hoặc làm thay đổi cán cân của cuộc đối đầu vốn nghiêng tuyệt đối về anh trong bảy lần gặp Nadal gần nhất.
Nadal giao bóng xuất sắc

Khi Djokovic cầm giao bóng trong game đầu tiên của trận đấu, anh đã không để Nadal giành được điểm nào. Khi Nadal cầm giao bóng ngay sau đó, Djokovic cũng dẫn trước 15-30. Nó có vẻ giống với những lần đối đầu gần đây với Djokovic mà Nadal đã thua liền bảy trận, trong đó có hai trận chung kết ở Madid và Rome Masters cũng trên sân đất nện năm ngoái.

Nhưng Nadal đã giao liền ba cú serve cực hay: Cú đầu tiên vào góc chữ T ăn điểm trực tiếp, cú thứ hai ở ô số một (điểm chẵn) vào góc chữ A, và cú thứ ba vẫn sang vị trí thuận tay khi trở lại ô số hai (điểm lẻ) vào góc chữ T.

Giao bóng thực sự là chìa khóa giúp Nadal mở ra cánh cửa chiến thắng trước Djokovic. Cụ thể, là tỉ lệ giao bóng một chính xác của Nadal rất cao lên tới 80%. Và Nadal dám bỏ qua ưu thế của một tay vợt chơi tay chiêu khi đứng ở ô số hai, anh không giao ra mang vì Djokovic trả giao bóng trái tay siêu việt, mà giao vào tay thuận và đặc biệt là vào đúng vị trí đối thủ đứng. Nếu như ở Australian Open, Nadal chỉ giao bóng thẳng người (body serve) ở những thời điểm quan trọng, thì lần này, anh thực hiện nó trong mọi thời điểm.

Kết cục là trong số 18 cú giao bóng của Nadal, có tám lần Djokovic trả không thành công, dù đôi khi mục đích của tay vợt người Serbia chỉ là nắn bóng vào sân.

Đến đây, có thể kết luận là ít nhất trong set một, Djokovic đã không buông, hoặc không phải anh không gắng sức trong một trận chung kết ở giải đấu anh không phải chịu bất cứ sức ép nào về điểm số. Chỉ đơn giản là Nadal đã làm được điều mà bảy lần trước đó anh thực hiện khá tồi, hoặc chưa tới ngưỡng hoàn hảo như anh mong muốn: giao bóng tốt.
Nadal trả giao bóng sâu và thay đổi cách tấn công


Và nếu set hai Djokovic buông xuôi như anh đã thể hiện trong những cú đánh khá ẩu, thì đó chắc chắn phải có một trong các nguyên nhân là anh đã không tìm thấy sự hạn chế nào của Nadal cả khi phòng ngự cũng như khi trả giao bóng.

Đánh bại Djokovic ở Monte Carlo: Nadal có thuốc tiên, Thể thao, nadal vo dich monte carlo, nadal danh bai djokovic, nadal ha djokovic, nadal vs djokovic, ong vua san dat nen, monte carlo, rafael nadal, tennis, the thao, tin the thao, bao the thao


Vua vẫn là vua

Trong cả trận chung kết kéo dài 78 phút - chỉ xấp xỉ với khoảng thời gian mà họ thường vần nhau trong một set đấu trước đó, Nadal có tới năm lần bẻ được game giao bóng của Djokovic. Điều kỳ diệu ở chỗ, không lần nào trong số đó Djokovic vươn lên tới điểm deuce (đều) khi Nadal có break.

Tệ hại chưa từng có trong đời của Djokovic, thậm chí có thể là trong lịch sử tennis thế giới, là một tay vợt không thể giành nổi một điểm từ những lần giao bóng một của mình trong cả một set đấu. Set hai, Djokovic có 16 cú giao bóng một, và anh chỉ đưa bóng vào sân bảy lần, rồi cả bảy lần đó, Nadal đều giành điểm. Chín lần giao bóng hai, Djokovic cũng chỉ giành được bốn điểm (trong số cả mười điểm của set này mà anh có)

Để uy hiếp được đối thủ như thế, mấu chốt trong cách chơi của Nadal là cú trả giao bóng. Nadal cải thiện độ dài và độ sâu của mỗi cú trả, hạn chế khả năng bước vào trong sân tấn công của Djokovic.

Mặt khác, ở những lần đối đầu trước đó, Nadal thường thua trong những loạt đôi công kéo dài. Lần này, Nadal chủ động giải quyết các đường bóng nhanh hơn nhờ khả năng chuyển từ trạng thái phòng ngự sang tấn công. Quả là mặt sân chậm luôn giúp cho Nadal né trái đánh phải nhiều hơn, và mỗi khi Nadal chạm được tới vạch cuối sân (và bước vào trong), anh đều tung ra những cú bóng nặng, đổi hướng liên tục.

Vẫn chưa hết, như Nadal tự phân tích sau trận đấu, là anh hầu như không sử dụng những cú đánh chéo sân ra mang vì khả năng phản đòn khi Djokovic bị dồn ra ngoài sân còn đáng sợ hơn cả lúc tay vợt người Serbia chủ động tấn công. Ngay ở đầu trận đấu, trong game đầu tiên, cú ép bóng ra mang trái bên sân của Djokovic từ phía Nadal đã nhận ngay lại một cú trái tay vừa di chuyển vừa ra vợt ăn điểm. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Nadal đánh chéo sân khi anh vẫn còn có sự lựa chọn khác. Còn lại, Nadal chỉ tấn công sâu xuống cuối sân và hạn chế các góc đánh rộng của Djokovic.


Và mặt sân Monte Carlo được làm cho Nadal


Từng có một điều được rút ra từ bảy lần thất bại của Nadal là không được sử dụng những cú đánh bóng cầu vồng nảy cao (moon balling) khi gặp Djokovic, bởi tay vợt người Serbia có thể đè bóng tầm cao khi nó vừa nhú lên. Vậy mà hơn chục cú trái tay hỏng của Djokovic đều xuất phát từ một nguyên nhân là bóng của Nadal quá xoáy và nảy quá cao. Và đó là còn chưa kể cả những cú thuận tay của Djokovic cũng không có độ chuẩn xác cần thiết khi đè bóng.

Mặt sân Monte Carlo với bóng đi chậm, nảy cao hơn tất thảy các mặt sân đất nện khác, rõ ràng tạo ra những ưu thế cho lối đánh của Nadal. Thậm chí nó là mầm mống của sự nghi hoặc, là nếu như các nhà tổ chức không thay đổi, có thể Federer (người thua Nadal ba năm liền ở chung kết 2006-2008) sẽ không bao giờ trở lại đây thi đấu.

Nó cũng giống sự nghi hoặc là khi đến với Madrid và Rome Masters, nơi mặt sân đất nện bóng nảy thấp hơn và nhanh hơn, chưa chắc Nadal sẽ tiếp tục chơi với phong độ và hiệu suất như thế.

Hãy còn quá sớm để nói về một mùa đất nện mới chỉ bắt đầu và sẽ còn kéo dài cho tới tháng 6 mà Roland Garros mới là đỉnh cao thực sự.

PHẠM TẤN - 24h.com.vn