Cái bóng của Nick Bollettieri che phủ không chỉ ở Mỹ. Tại Wimbledon 2012, nhà vô địch Serena Williams là học trò cũ của ông. Thầy của Roger Federer, Paul Annacone đã cắp vợt theo ông học cách nay ba thập kỷ. Trong cabin bình luận văng vẳng tiếng Boris Becker, một huyền thoại người Đức và cũng từng là đệ tử của ông.

Hơn hai mươi năm qua, những giá trị và học thuyết của Nick vẫn đều đặn được tôn vinh ở những giải đấu tennis đỉnh cao như thế kể từ lần đầu tiên ông tận mắt chứng kiến một trong những người học trò của mình trở thành nhà vô địch Grand Slam, Monica Seles tại Roland Garros năm 1990. Seles tiếp tục tạo lập những thành công vô tiền khoáng hậu cho tới khi cô bị một fan hâm mộ của Steffi Graf xỉa mũi dao vào lưng. Và danh sách những học trò của Nick đăng quang ở Grand Slam được nối dài. Có cả thảy 10 học trò của Nick đã bước lên ngôi số 1 thế giới. Có người chưa từng giành Grand Slam như Marcelo Rios hay Jelena Jankovic. Có người làm nên sử sách như Jim Courier, Andrea Agassi, Venus Williams, Mary Pierce, Martina Hingis, Maria Sharapova...

Nhưng lại như bao lần, ông không có mặt ở một trong những sự kiện được thế giới tennis dõi theo: Lễ ghi danh Ngôi nhà huyền thoại. Sáng thứ Bảy mới đây ở Newport, tiểu bang Rhode Island đầy nắng và trời xanh như mặt biển, trong số năm người được ghi danh chỉ có Gustavo Kuerten và Jennifer Capriati là quen biết với giới mộ điệu số đông. Ba cái tên còn lại thì một là tay vợt của thập niên 1970 Manuel Orantes (Tây Ban Nha), cả đời chỉ một lần vô địch Grand Slam (US Open), một là nhà vô địch tennis xe lăn Randy Snow, và một có đóng góp về công tác tổ chức và phát triển thương mại như Mike Davies (người có công moi tiền của truyền hình và phổ biến luật tie-break).


Hai trong số những học trò lững lẫy của Bollettieri - Ảnh: Getty

Thành tựu của Nick thực ra còn ẩn giấu đằng sau công việc ngồi đếm số Grand Slam mà các học trò của ông đã, và sẽ còn, giành được. Giá trị mà ông mang đến cho tennis nước Mỹ và thế giới đôi khi chỉ đơn giản nhưng vô cùng quý báu như chuyện ông chỉ ra rằng nếu như một tay vợt đang thi đấu mà dây vợt đứt, hãy lật mặt vợt lại là sẽ vẫn đủ để thực hiện thêm một cú đoa nữa rồi sau đó tràn lưới volley. Hoặc nó mang tính phi học thuật rằng các học trò nữ của ông thường là những người hét to hơn bất cứ ai và họ thường thành công hơn đối thủ (Seles, Sharapova, chị em nhà Williams). Và những phát triển về kỹ chiến thuật do ông nghiên cứu góp phần thay đổi tennis, từ một môn chơi mang nhiều tính tự nhiên và bản năng trở thành môn thể thao khoa học bắt đầu từ khâu tuyển chọn, đào tạo mà việc ông sáng lập nên học viện tennis đầu tiên trên thế giới sau đó đã tạo ra cả một làn sóng trên toàn cầu.

Khả năng phát hiện tài năng của Nick là siêu hạng. Jimmy Arias, một học trò sau trở thành cộng sự của ông, kể về câu chuyện Agassi dù đoa quả bóng bay tứ tung khắp sân nhưng Nick vẫn vít vai ông bảo: “Hãy nhìn cậu bé kia đi, cú đánh của cậu ta ấy”. Và sau đó, phần còn lại của Agassi trở thành huyền thoại như thế nào có lẽ không cần phải nhắc đến nữa.
Ngôi nhà ấy cần Nick

Nhiều người không thể lý giải quyết định của phần lớn những người bỏ phiếu (không có Nick), dù cho họ cũng nằm trong ủy ban này. “Tôi thấy là nếu cứ theo những tiêu chí của cuộc chơi này thì ông ấy xứng đáng về mọi mặt”, cây viết kỳ cựu Steve Flick và là một trong những thành viên của ủy ban đề cử đồng thời là người đã hai lần bỏ phiếu cho Nick đã thốt lên như thế trên tờ USA Today. Ngay cả Agassi, người gần đây đã phản lại Nick khi ra mắt cuốn tự truyện của mình, cũng một lần nữa phải thú nhận rằng: “Ông ấy đã mang đến cho tennis quá nhiều. Công trạng ấy phải được ghi nhận, thế nên tôi chẳng do dự khi phải bày tỏ ý kiến hay điền tên (ông ấy) vào lá phiếu”.

Ngôi nhà huyền thoại của Liên đoàn quốc vợt quốc tế (ITF) có những hạng mục rất rõ: Tôn vinh những tay vợt đương đại, những tay vợt đã nghỉ hưu ít nhất 20 năm về trước tính tới thời điểm được xem xét, và những người có đóng góp đáng kể (contributor). Kèm theo là những tiêu chí rất giản đơn, rằng “những ai làm việc trên lĩnh vực quản lý, truyền thông, huấn luyện và điều hành mà có những đóng góp đặc biêt vào sự phát triển, danh tiếng và hình ảnh của tennis”. Vậy mà Nick đã không giành đủ tối thiểu 75% số phiếu.

Nhưng việc chưa được lưu danh vào Ngôi nhà huyền thoại với Nick Bollettieri có lẽ chẳng làm ông quá phiền muộn. Cũng như chỉ trích rằng một trong những học trò đáng kể nhất của ông gần đây, tài năng trẻ Ryan Harrison, như một con cá bé nhỏ thả ra giữa biển khơi không làm uy danh của Học viện đào tạo quần vợt Nick Bollettieri bớt đi độ lẫy lừng.
“Tôi đã có mặt trong nhiều ngôi nhà huyền thoại rồi, nên không được vào những ngôi nhà khác cũng chẳng quá tệ”. Nick đã được tôn vinh trong Ngôi nhà huyền thoại của Hiệp hội quần vợt Hoa Kỳ (USTA), Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp Hoa Kỳ (USPTA), của Italy, của bang Floria. Năm 2012 là lần thứ hai ông có tên trong danh sách đề cử của Ngôi nhà huyền thoại vinh dự và lớn nhất thế giới, của ITF, và giống như lần trước đó năm 2010, ông cũng không giành được đủ phiếu từ ban giám khảo.

Thực ra với Nick, một người đáng ra đã có thể hưởng lương tuổi già của chính phủ Mỹ từ hơn 20 năm qua, hạnh phúc thực sự của ông là được lao động và sáng tạo. Giờ đây ông vẫn dậy vào mỗi sáng sớm lúc 4g30, tập thể dục và dạy hai đứa trẻ ông mới nhận làm con nuôi từ châu Phi cho tới 6g. Ông tiếp tục huấn luyện các học viên cho tới 11g30 rồi vào phố ăn trưa. Công việc huấn luyện của ông kéo dài cho tới 5 giờ chiều và thả lỏng bằng mấy cú vụt gậy trên sân golf xanh mướt. Kết thúc một ngày làm việc của Nick không thể thiếu những bài viết, những cuốn video mà ông đang giúp cho hơn chục tờ báo và trang web chuyên về tennis.

Và chính việc 700 học viên từ 75 quốc gia khác nhau đang thọ giáo ở đó, cùng khoảng 3.000 huấn luyện viên, các tay vợt từ khắp nơi ghé qua đây mỗi năm đã biến Học viện Nick Bollettieri thành một ngôi nhà huyền thoại rồi.
Dấu ấn của Nick 1997

Mở học viện tennis ở Florida (đông nam nước Mỹ) 1986: Hai mươi bảy học trò của ông đồng thời có mặt ở vòng đấu chính US Open 1991: Boris Becker và Monica Seles là hai học trò đầu tiên của Nick lên ngôi số 1 thế giới 2008: Jelena Jankovic trở thành tay vợt thứ 10 do Nick nhào nặn trở thành số 1 thế giới.

Nick cũng không thiếu những người đố kị, mà một trong số đó là huyền thoại John McEnroe với tuyên bố “ông ta chẳng biết quái gì về tennis cả”, vì Nick đã tuyên truyền triết lý rằng để thành công đôi khi chỉ cần chú trọng tới hai cú đánh: giao bóng và đoa.

Phạm Tấn - TT & VH Online