"Để tiến bộ cần biết thay đổi nhưng để trở thành hoàn hảo thì phải thay đổi thường xuyên"

Đó là câu nói bất hủ khi thay đổi chiến thuật trong trận đánh quyết định với quân Đức của Winston Churchill, vị Thủ tướng vĩ đại, người đã lãnh đạo nước Anh vượt qua chiến tranh thế giới thứ 2.

Giờ đây, một người Anh khác (chính xác hơn là Vương quốc Anh) cũng đang được cả nước Anh trông chờ sẽ mang lại sự thay đổi và chiến thắng về cho nước Anh, đó là Andy Murray.

Andy Murray đã có chiến thắng đầu tay tại Olympic 2012

Có một sự thật đáng ngạc nhiên là ngay trên nước Anh không nhiều người tỏ ra yêu mến Murray dù anh là cây vợt số một của đảo quốc sương mù. Có nhiều người Anh không thích Murray vì anh là người Scotland, cái đó dễ hiểu. Nhưng chính những người Scotland cũng không thích anh, với họ anh không có tí “chất Scotland” nào cả. Người Scotland luôn kiên cường và mạnh mẽ, sự mạnh mẽ thể hiện cả trong chất giọng Scotland khó có thể chấp nhận một kẻ tâm lý yếu như vậy.

Trận chung kết Wimbledon 2012 mới đây vẫn còn nóng hổi trong trí nhớ của họ. Dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người đến theo dõi anh trong đó có cả hoàng tử William và HLV Alex Ferguson, một người Scotland danh tiếng khác, Murray đã khóc như một đứa trẻ khi thất bại dưới tay Federer. Với những người Scotland mạnh mẽ, đó là một điều đáng xấu hổ. Một người hâm mộ vẫn còn bực tức khi nhắc lại trận đấu đó: “Anh ta đúng là kẻ bỏ đi. Mẹ của anh ta còn mạnh mẽ hơn anh ta nhiều lần”. Quả thật, với nhiều người màn trình diễn của Murray còn thiếu máu lửa hơn cả sự cổ vũ của mẹ anh trên ghế khán giả. Người Scoland chỉ khóc khi chiến thắng chứ không đổ nước mắt khi thất bại.

Truyền thông Anh cũng có lỗi khi đã góp phần đặt quá nhiều áp lực lên Murray. Báo chí Anh đã nhiều lần thổi cho người hâm mộ của họ hi vọng Murray sẽ có cơ hội sẽ trở thành cây vợt số một thế giới, khi Federer đã bắt đầu chậm lại vì tuổi tác, Nadal cũng chững lại một cách bất ngờ. Nhưng sự yếu đuối cả trong lối chơi lẫn tâm lý của Murray khiến hi vọng đó ngày càng mong manh. Với nhiều người. nếu như Roger Federer tấn công mạnh mẽ như Barca, Rafael Nadal công thủ toàn diện và luôn hừng hực khí thế, thì khi xem Murray thi đấu, có cảm giác giống như đội tuyển Anh vậy. Buồn tẻ và xấu xí khi luôn bị dồn ép và chống đỡ. Người Anh đã bắt đầu chán nản với Murray.

Vậy nhưng Olympic lần này, báo chí Anh vẫn đặt niềm tin vào Murray, thậm chí một tờ báo còn giật tít: “Đã đến lúc chúng ta cần học cách yêu quý Murray”.

Để trở thành hoàn hảo, Murray chỉ còn phải vượt qua tâm lý của chính anh nữa mà thôi

Sau 3 tuần kể từ thất bại trước, Murray lại quay trở lại sân trung tâm tại Wimbledon. Bên ngoài sân, một ngọn đồi đã được đặt tên là ngọn đồi Murray với hi vọng anh giành chiến thắng. Một lần nữa, người hâm mộ lại đặt niềm tin vào anh. Một lần nữa những người Anh lại đứng về phía anh. Thất bại một lần là sự nuối tiếc, lần tiếp theo sẽ là hi vọng. Có thể sẽ là lần đầu tiên người Scotland và người Anh cũng có chung một niềm tin chiến thắng. Một chiến thắng chung tại cả Olympic. Trách nhiệm của Murray vì thế cũng to lớn hơn nhiều. Mang người Anh và người Scotland xích lại gần nhau.

Báo chí Anh đã thay đổi cách nói về anh, người hâm mộ cũng đã thay đổi cách nghĩ về anh, chiến đấu ngay trên sân nhà với người thân bên cạnh. Murray chỉ còn phải vượt qua tâm lý của chính anh nữa mà thôi. Hãy cho mọi người thấy sự thay đổi đi Murray! Đó là cách để trở thành hoàn hảo.
TT&VH