Kết quả 1 đến 5 của 5
  1. #1

    Ngày tham gia
    Dec 2013
    Bài viết
    0

    Tennis: Một thập kỷ của “cuối sân”

    (24h) - Thủ phạm đã đẩy lối chơi giao bóng lên lưới tới bờ tuyệt chủng chính là lối chơi cuối sân (baseline strategy) mà Rafael Nadal là tay vợt điển hình, tiếp nối quá khứ huy hoàng mà Bjorn Borg đã làm được hơn 3 thập kỷ qua.

    Giữa 2 sự lên ngôi ấy là những lần lên tiếng đôi khi đều đặn hoặc không của những môn đệ cuối sân. Ngay ở thời cực thịnh của lối chơi giao bóng lên lưới mà Sampras, Stefan Edberg (có bổ sung Kafelnikov, Krajicek) vơ vét các danh hiệu Grand Slam thì Andre Agassi vẫn giành được cả 8 danh hiệu lớn nhờ lối chơi cuối sân điển hình.

    Và khi mà thế kỷ 21 bắt đầu cũng là thời điểm lối đánh cuối sân trở thành bệ phóng dẫn tới thành công. Một sự áp đảo khủng khiếp: 2 năm đầu tiên, 8 Grand Slam chỉ có đúng 1 lần danh hiệu cao quý rơi vào tay Goran Ivanisevic chuyên giao bóng lên lưới. Và suốt 8 năm tiếp theo, chỉ có thêm một lần “bè phái” cuối sân để sểnh Grand Slam, và đó cũng là lần cuối cùng Sampras được nâng cao chiếc cúp bạc danh giá. Không hiểu, trên thế giới này, còn có môn thể thao nào phân chia bởi các trường phái chiến thuật, lối chơi khác nhau lại có sự thống trị tuyệt đối tới giới hạn ấy!

    Sampras là một trong những siêu sao của lối chơi trên lưới

    Sẽ có một sự tranh cãi rằng Federer không hoàn toàn thuộc về trường phái đánh cuối sân. Chính xác. Cả tay vợt đã tranh thủ được những thời điểm Nadal và Federer mất tập trung và rơi phong độ để giành Grand Slam cho mình là Novak Djokovic cũng chơi khắp sân (all court play). Nhưng có thể thấy họ nghiêng về cuối sân nhiều hơn, và đôi lúc Djokovic chơi hoàn toàn như một chuyên gia cuối sân.
    Giản đơn, nhưng phức tạp

    Có một thời, Lleyton Hewitt và những thành tựu của anh làm người ta nghi hoặc về Federer. Khi cả hai là những tay vợt trẻ, chơi những năm tháng đầu tiên ở đấu trường chuyên nghiệp, Hewitt 2 lần lên ngôi ở US Open (2001) và Wimbledon (2002) , trong khi ở thời điểm đó, phải rất chật vật, Federer mới giành nổi những chức vô địch ATP 250 sau 3 lần liên tiếp lọt vào chung kết đa phần gặp các tay vợt vô danh của Pháp. Điều đáng chú ý: Hewitt là tay vợt chơi cuối sân điển hình, trong khi Federer ở thời điểm đó vẫn coi Sampras như một hình mẫu, xây dựng lối đánh của mình dựa nhiều vào những cú giao bóng rồi tràn lưới.

    Thời hoàng kim của Hewitt cùng lối chơi cuối sân

    Trong khi tài năng của cả 2 không phải là sự khác biệt, thậm chí Federer thiên phú hơn, thì người ta có thể khẳng định chính sự đơn giản và dễ dàng vận hành của lối chơi cuối sân đã giúp Lleyton Hewitt thành công sớm hơn, và Federer phải điều chỉnh lại lối chơi của mình, giảm bớt tần suất lên lưới, trở thành tay vợt chơi toàn diện, với lối đánh khắp mặt sân, thì anh mới đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp và thế giới.

    Nhưng lối chơi cuối sân giản đơn của Hewitt cũng chỉ giành nổi 2 chức vô địch. Và phải tới khi Nadal xuất hiện, lối chơi ấy mới thực sự được nhìn nhận với đầy đủ những tính năng ưu việt của nó, vì tay vợt Tây Ban Nha đã làm cho tất cả thấy, rằng để vận hành lối chơi ấy là không giản đơn, không chỉ dựa vào sức mạnh cơ bắp, sự kiên nhẫn tới mức lì lợm, sự thận trọng tới mức cầu toàn.
    Cuối sân không có nghĩa là chỉ phòng ngự

    Một sự phân chia khá phổ biến và chúng ta có thể bắt gặp đâu đó là lối đánh cuối sân được chia ra làm hai: tấn công cuối sân và phòng ngự cuối sân. Một tay vợt tấn công từ cuối sân sử dụng những cú đánh sở trưởng của mình từ cuối sân một cách quyết đoán với mục tiêu ghi điểm trực tiếp. Một tay vợt phòng ngự cuối sân có xu hướng đánh trả từng đường bóng, và kiên nhẫn chờ cho đối thủ mắc sai sót. Cũng có thể phân biệt họ ở tính mạo hiểm-tấn công và thận trọng-phòng ngự.

    Nhưng giờ không có tay vợt nào chỉ giỏi ở một kỹ năng mà lại có thể đạt tới đỉnh cao của tennis. Chỉ có Nadal ở giai đoạn bắt đầu con đường huyền thoại mới “nặng” về phòng ngự. Và dần dà, bên cạnh khả năng phòng ngự siêu hạng, cứu những đường bóng không tưởng, anh cũng phải nâng cao khả năng tấn công cuối sân của mình lên tới mức có thể ghi điểm cả từ cú thuận tay lẫn cú trái tay, từ chỗ chỉ chọn những quả ngon để dứt điểm thì anh phải mạo hiểm tạo đột biến.

    Nadal chuyển hóa lối chơi cuối sân từ phòng thủ sang tấn công

    Nhưng có một điều chắc chắn là nếu chơi cuối sân mà không giỏi phòng ngự, các tay vợt khó lòng vươn tới đỉnh cao. Hai tay vợt tấn công cừ khôi ở cuối sân cùng tên Fernando là Verdasco và Gonzalez, một người chỉ lọt vào tới bán kết của Australian Open 2009, còn người kia chỉ được chơi trận CK cũng ở Australian Open một lần (2007).

    Juan Martin Del Potro khi vô địch US Open 2009 không dựa trên nền tảng phòng ngự, đã tấn công Federer trong trận đấu kéo dài 5 set ấy có lẽ là một ngoại lệ, và một phần hiển hiện là anh có cú giao bóng sấm sét-lợi thế từ chiều cao 1m98.
    Bạn có là môn đệ của “phông” ?

    Chúng ta thường vẫn gọi lối đánh cuối sân ấy là phông, một thuật ngữ có lẽ xuất phát từ sự phân chia rằng người chơi trên lưới thì diễn còn người đứng cuối sân làm nền (dù đôi khi nhờ có phông giỏi, lưới mới có “việc” để làm).

    Những người chơi cuối sân phòng ngự rất dễ bắt gặp và nhận biết với lối đánh kê vợt, đẩy bóng sang sau mỗi cú đánh tấn công của đối thủ, thậm chí không quan tâm tới việc “đánh chết” đối thủ. Lối đánh này có thể bù lại và đạt tới cảnh giới của riêng nó nếu như đôi tay của những “pusher” (chuyên gia đẩy bóng) khéo léo; việc kê bóng trở lại ở những điểm trống, khó có thể khiến đối phương sẽ mắc lỗi. Kỹ thuật cắt bóng hay thực hiện những cú đánh khá dị thường, xoáy ngang cũng được áp dụng với tần suất cao.

    Một tay vợt có số má của lối đánh này sẽ tự biến mình thành một bức tường mà các cú đánh của đối thủ đều có thể bị dội trở lại, và nếu bạn đánh từ góc bên trái thì sau khi dội vào “tường”, chắc chắn bóng sẽ đi về phía góc phải. Và “bức tường” này thông minh hơn tường thật, bởi đôi khi nó có thể “vặn sườn” đối thủ.

    Thế nhưng, cũng như tennis chuyên nghiệp, nếu một người chỉ phòng ngự, thì dù có đạt tới đai đẳng nào cũng khó lòng so sánh với đối thủ chơi tấn công (từ cuối sân hay trên lưới) có cùng cấp độ (có thể hiểu thêm là thâm niên).

  2. #2

    Ngày tham gia
    Oct 2013
    Bài viết
    0
    Các bác có lối chơi phòng ngự nếu tuổi tác đi lên, sức khỏe đi xuống thì thì dễ đi lắm. Ví dụ như Hewittt, năm 2001 - 2002 nổi tiếng vì có bộ chân chạy nhanh và nhờ đó mà liên tiếp dành chiến thắng. Một tay vợt nổi tiếng (Samprass thì phải) đã thốt lên sau khi để thua Hewitt ở trận CK : ' Ôi những cái chân ' . Em nhớ rõ lắm vì hồi đó em để ý anh này vì cái tật cứ dừng bóng là lấy tay sửa dây vợt, đầu ngúc ngoắc môi dẩu, trán nhíu lại trông rất dễ thương. Tờ Vietnam News đăng cái ảnh anh này to đùng cùng với dòng chữ chiến thắng nhờ đôi chân.

    Nadal thì khá hơn ở chỗ có những cú phản công xuất thần khi cứu bóng khiến cho đối phưong chết ngắc còn khán giả thì bàng hoàng không hiểu sao anh ta lại làm được như thế. Chắc anh này phải luyện tập khắc kỷ, chăm chỉ lắm ấy. Không may là quả giao bóng của Nadal lại chán, khiến cho đối thủ phản công lại , cho nên anh này lại chơi phòng thủ toàn tập ngay cả ở những giơ mà Nadal cầm giao bóng.

    Thế nhưng, khi sức khỏe đi xuống rồi, chân không còn lanh lẹ được như trước nữa thì Nadal sẽ phải thay đổi chứ nếu không thì chỉ còn có thể vẫy vùng tí chút cho đỡ cơn ghiền tennis như Hewitt mà thôi, chứ làm sao mà còn lên bục được nữa.

  3. #3

    Ngày tham gia
    May 2013
    Bài viết
    0
    Nhận định chuẩn luôn Jeu ơi. Mặc dù rất khâm phục tinh thần của các bác chơi phòng ngự nhưng quả thật em không thích xem các bác ấy bằng mấy bác có quả winner sấm sét đầy uy lực. Dưng mà rõ chán là hình như ... em cũng thuộc dạng chơi phòng ngự

  4. #4
    Trích dẫn Gửi bởi Fair Play
    Nhận định chuẩn luôn Jeu ơi. Mặc dù rất khâm phục tinh thần của các bác chơi phòng ngự nhưng quả thật em không thích xem các bác ấy bằng mấy bác có quả winner sấm sét đầy uy lực. Dưng mà rõ chán là hình như ... em cũng thuộc dạng chơi phòng ngự
    Chị em mình còn sức đâu mà sấm với sét, bác ơi :-)))))

  5. #5

    Ngày tham gia
    Jan 2014
    Bài viết
    0
    E thấy bác rêu vẫn sấm sét được đấy chứ!!!!! Sức còn đầy mà

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •