Kết quả 1 đến 3 của 3
  1. #1

    Ngày tham gia
    Jan 2014
    Bài viết
    0

    Tennis: Giao bóng - Nền tảng tấn công

    Giao bóng là một trong những động tác khó “nhằn” nhất trong tennis.

    Đôi khi bạn tự hỏi, động tác nào khó nhất trong tennis? Với mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau, có người cho rằng mình có cú thuận (forehand) thiếu uy lực hoặc cú trái (backhand) yếu. Nhưng đại đa số người chơi tennis đều công nhận: Cú giao bóng (serve) mới thực sự là kỹ thuật khó nhất và ở tennis phong trào, đây là kỹ thuật được học gần như cuối cùng sau khi bạn đã bước đầu hoàn thiện được cú thuận và cú trái.

    Không đơn giản như chúng ta nhìn qua clip các trận đấu khi các tay vợt giao bóng dễ dàng và gần như một “cái máy”. Giao bóng đòi hỏi hội tụ đầy đủ mọi yếu tố: Kỹ thuật, thời điểm, lực đánh, sự chính xác và cả vấn đề tâm lý. Tại sao Roger Federer giao bóng không mạnh và nhanh như Andy Roddick nhưng hiệu quả lại cao hơn nhiều lần? Tại sao Rafael Nadal có những lúc thống trị thế giới nhưng cho đến hiện tại vẫn có điểm yếu ở những quả giao bóng? Tại sao Maria Sharapova từ một tay vợt giao bóng cực tốt lại trở thành người thường xuyên mắc lỗi kép (double fault)?

    Tất cả câu trả lời sẽ đến khi chúng ta bắt đầu khám phá cú giao bóng từ cơ bản đến nâng cao, để giải thích cho những câu hỏi đó.
    Cầm vợt

    Cách cầm vợt khi giao bóng phụ thuộc vào kiểu giao bóng mà bạn muốn thực hiện. Còn kiểu giao bóng như thế nào thích hợp với bạn nhất, điều đó sẽ được trải nghiệm qua những giờ “bay” trên sân tập và cả thi đấu. Có một điều quan trọng mà người chơi tennis, đặc biệt là hạng phong trào cần lưu ý, đó là dù cầm vợt giao bóng kiểu gì chăng nữa (cơ bản hay “phủi”) thì mục tiêu của những cú giao bóng là đưa trái bóng vào đúng phần sân quy định và gây khó khăn cho đối thủ trả giao bóng.

    Cầm vợt số 2 khi giao bóng linh hoạt nhất

    Thông thường có 3 kiểu giao bóng cơ bản mà tay vợt sử dụng: Flat serve (giao bóng thẳng), Slice serve (giao bóng xoáy) và Kick serve (giao bóng xoáy đổi hướng). Ngoài ra còn có những kiểu giao bóng khác như American twist, Underarm, Reverse slice, Topspin slice…

    Với kiểu giao bóng nào chăng nữa thì cũng có 3 cách cầm vợt: số 1 (eastern backhand), số 2 (continental) và số 3 (eastern forehand). Đại đa số tay vợt sử dụng cách cầm vợt số 2 khi giao bóng, vì vừa tạo được cú giao bóng mạnh và linh hoạt. Hơn nữa cách cầm số 2 thích hợp với cả những cú đánh khác như cú trái hai tay, volley, smash, slice... Cầm số 1 sẽ tạo nên những cú giao xoáy bất thường nhưng rất khó tập và ít người sử dụng cách này. Cầm số 3 thường gặp ở những tay vợt phong trào giao bóng theo bản năng, kiểu “đập ruồi” đưa bóng qua lưới an toàn.
    Mở vợt

    Khó có thể nói có một cách mở vợt chính tắc nào đó, ví dụ như có thể mở vợt kiểu “quý phái” như Federer, mở vợt như một đường cong hoàn mỹ về phía sau, hoặc có thể mở vợt kiểu đơn giản như Nadal, đưa vợt lên về phía sau và chờ… đập. Dù vậy mở vợt quan trọng nhất là phải thực hiện đúng nhịp với cú tung bóng để căn ke đúng thời điểm chạm bóng.
    Vị trí đứng

    Nhiều người chơi không chú ý đến vị trí đứng khi giao bóng mà chỉ nhăm nhăm đưa bóng qua lưới đúng ô giao bóng. Điều này sẽ thực sự nguy hại nếu đối thủ trả giao bóng vào những phần sân “chết” của bạn. Hơn nữa nếu không chọn được vị trí giao bóng hợp lý thì rất có thể cú giao bóng đó hoặc sẽ hỏng, hoặc sẽ tạo cơ hội cho đối thủ kết liễu bạn ngay sau đó. Bởi vậy vị trí đứng cũng là một yếu tố trợ giúp cho cú giao bóng.
    Giao bóng một

    Giao bóng chính là bước khởi đầu để tấn công đối thủ, bởi vậy cầm giao bóng luôn là lợi thế với bất kỳ tay vợt nào. Giao bóng một sẽ đặt bạn vào tư thế chủ động, còn đối thủ ở thế bị động, vì thế cú giao bóng có độ khó cao sẽ ép tay vợt bên kia lưới lâm vào thế chống đỡ, thuận tiện cho những cú đánh tiếp theo của bạn.

    Kể từ thập niên 1980 trở lại đây, phần trăm thành công khi giao bóng một đã được các tay vợt đặc biệt chú ý. Khi đã nâng cao độ chính xác của những cú giao bóng một (vào trong ô giao bóng) thì cũng có nghĩa là sẽ đẩy con số thành công trong ăn điểm trong lần giao bóng một lên mức cao hơn.

    Cú giao bóng một là chìa khóa của tấn công
    Giao bóng hai

    Không tay vợt nào có cú giao bóng một chính xác tuyệt đối bởi vậy cú giao bóng hai cũng quan trọng không kém trong giao bóng. Trong cú giao bóng hai có khá nhiều điều khác biệt, vì khi đó hầu như mọi tay vợt sẽ bị áp lực tâm lý len lỏi vào đầu: Chỉ cần thêm một lần giao bóng hỏng là sẽ mất điểm số đó. Do đó, giao bóng hai an toàn, ít uy lực hơn giao bóng một và tập trung vào những điểm rơi khó để không tạo điều kiện cho đối phương trả giao bóng hiểm.
    Tung bóng

    Dù cầm vợt, mở vợt, vị trí đứng như thế nào nhưng nếu không có động tác tung bóng tốt thì cú giao bóng cũng không thể thành công. Tung bóng chính là kỹ thuật quan trọng nhất trong giao bóng và quyết định sự thành bại của pha giao bóng. Chính khi tung bóng tay vợt sẽ xác định giao bóng theo kiểu nào và ngược lại, tay vợt ở phía bên kia lưới cũng có khả năng đoán được cú giao bóng sẽ đi như thế nào. Việc tung bóng đi theo quỹ đạo ổn định sẽ làm tăng phần trăm thành công cho cú giao bóng.
    Nguồn 24h.com.vn

  2. #2

    Ngày tham gia
    Apr 2013
    Bài viết
    0
    Bài viết rất hay

  3. #3

    Ngày tham gia
    Aug 2013
    Bài viết
    0
    Mình sợ nhất là giao bóng 2 không đủ độ topspin đối thủ sẽ táng ngay ....chết toi

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •