Trang 1 của 3 123 CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 30
  1. #1

    Cách cầm vợt - hãy đọc để cú đánh tốt!

    Thân chào các Bác, chắc hẳn các bác cũng như bản thân mình, có những hôm cầm vợt đúng đánh rất hay, nhưng không nắm được bản chất của vấn đề nên có thể hôm sau đánh lại rất tệ, suy ra rằng cách cầm vợt đúng là vô cùng quan trọng, mình đã tìm hiểu rất nhiều nhưng vẫn chưa thỏa mãn, sửa đi sửa lại, cuối cùng đánh vẫn không tiến bộ, lang thang trên mạng đọc được bài viết này áp dụng thử cảm thấy rất tâm đắc nên copy ra đây chia sẻ với các Bác


    KỸ THUẬT CẦM VỢT CỦA MỘT TAY ĐÁNH BÓNG.



    Kiểu cầm vợt
    . Có nhiều người cầm vợt theo nhiều kiểu cách khác nhau, bạn có thể tự tham khảo thêm về chi tiết các cách cầm vợt này, tôi chỉ xin dẫn vài ghi nhận.
    Với cú Forehand, người Việt nam gọi là cú THUẬN TAY, nhưng thật ra đó là từ để chỉ cú đánh bằng tay thuận với cách cầm vợt kiểu Eastern, một kiểu cầm vợt mà lòng bàn tay hướng ra phía trước. Có vài người dùng các mốc để định vị, nhưng nếu cầm vợt đúng forehand nguyên bản, tức là kiểu cầm vợt eastern, thì lòng bàn tay đặt ở phía sau lưng của vợt và khi thực hiện đánh bóng, lòng bàn tay hướng ra phía trước. Kiểu cầm vợt này đặt tay vào một tư thế đánh bóng dễ dàng nhất, thả lỏng và năng động nhất cho các cú đánh tầm thấp tới tầm trung. Với bóng tầm cao, kiểu cầm eastern vẫn chơi tốt, nhưng rõ ràng không ép được bóng tốt bằng kiểu cầm continental, không nâng tốt bằng kiểu cầm western. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người lựa chọn kiểu cầm vợt này cho các cú giao banh Flat, với các tình huống bóng nẩy cao - tầm trên mặt, lựa chọn chuyển sang kiểu cầm western sẽ có lợi thế nhất định. Chính vì lợi thế của kiểu cầm này, nên Eastern là sự lựa chọn hoàn hảo cho lối chơi tấn công dứt điểm và phòng thủ linh hoạt với bóng tầm thấp và tầm trung, bao gồm cả với kỹ thuật tạo bóng flat và bóng topspin. Lợi thế này có được là do tư thế cầm ở phía sau vợt nên dễ dàng tạo ra lực theo phương TRƯỚC SAU. Đây là lựa chọn cho hầu hết các tay vợt từ cổ điển tới hiện đại lựa chọn lối chơi tấn công mạnh mẽ, đẹp mắt.

    Cũng với đánh bóng thuận tay, một kiểu cầm khác là kiểu continental. Đây là kiểu cầm vợt mà lòng bàn tay đặt lên trên vợt, khi cầm đúng thì lòng bàn tay sẽ úp xuống dưới đất - cầm vợt dọc theo ‘sống vợt’. Kiểu cầm này mặc nhiên tạo ra một lợi thế ra lực theo phương TRÊN DƯỚI, vì thế nó đặc biệt hữu dụng với các loại bóng tầm cao – cú giao banh, cú đập bóng trên cao – smash và các cú volley trên lưới, nơi tốc độ bóng cao đòi hỏi một mặt vợt vững vàng có thể ép bóng đi đúng hướng. Loại cầm vợt này đưa tới một bộ tay vô cùng linh hoạt và uyển chuyển, trong khi mặt vợt vô cùng ổn định vì nó là kiểu giữ vợt chắc chắn nhất. Nó thích hợp với mọi loại xoáy có thể tạo ra, từ topspin – flat – sidespin và underspin. Kiểu cầm này cũng được các tay vợt sử dụng trong các cú cắt bóng với underspin cuối sân phòng thủ - bỏ nhỏ hay cài bóng lên lưới khi pha trộn thêm với sidespin. Với các cú đánh cuối sân độ nẩy tầm trung và tầm thấp sử dụng flat hay topspin, kiểu cầm vợt này không phát huy được uy lực, vốn đòi hỏi nhiều lực TRƯỚC SAU hơn. Tuy không phải là không thực hiện được, nhưng rõ ràng ở tầm đánh này, hầu hết các tay vợt sẽ chuyển sang cầm kiểu eastern sẽ đem lại nhiều lợi thế hơn. Với những người lựa chọn lối chơi giao banh lên lưới và trả giao banh lên lưới - loại rất phổ biến trước những năm 2000, gần như chỉ cần cầm vợt kiểu continental là được.

    Kiểu cầm vợt western là một tư thế cầm vợt mà bàn tay đặt dưới vợt, lòng bàn tay ngửa hướng lên trên. Đây là một tư thế cầm vợt gần như trái ngược với kiểu continental, nơi mà cổ tay đặt ở vị trí cố định nhất – không linh hoạt. Với kiểu cầm vợt này lợi thế tạo lực sẽ theo phương DƯỚI LÊN TRÊN, tức là lợi cho các cú NÂNG bóng. Đây là sự lựa chọn hoàn hảo cho các mặt sân đất nện, nơi bóng nảy cao quỹ đạo không ổn định, và vận động viên thường đánh bóng rất bền bỉ ở vị trí khá sâu sau đường baseline. Thế cầm này cho phép một cổ tay ổn định để đối phó với các loại bóng nẩy rất bất trị này, một lực nâng hoàn hảo cho phép bóng qua lưới ổn định với độ sâu đáng kể và sức nâng này giúp bóng sau khi tiếp đất cũng nẩy rất cao và trở thành bất trị đối với tay vợt bên kia lưới. Nhiều người Việt nam cho rằng cầm vợt kiểu này có thể dễ dàng lăn mặt vợt qua phía trên bóng và dễ dàng tạo ‘cú ép bóng’ trên cao hơn. Rất tiếc là không có nguyên tắc vật lý nào cho phép một bàn tay ngửa khi di chuyển theo phương trước sau có thể ép vợt đi xuống cả.

    Trên mặt sân cứng và cỏ, nơi bóng trượt và đi nhanh, độ ổn định của quỹ đạo bóng là tốt, thì kiểu cầm vợt này có những hạn chế nhất định vì không linh hoạt biến hoá. Sức nâng tốt không bù được sức trượt của bóng đang tới ở tầm thấp. Hơn nữa khi bóng được đưa sang phần sân bên kia sẽ nảy cao đúng tầm dứt điểm của các tay vợt chuyên nghiệp. Hơn nữa cách cầm vợt kiểu dưới vợt này chỉ lợi cho các cú NÂNG tạo xoáy topspin, khi cần chuyển qua tấn công uy lực bằng topspin hay flat, kiểu cầm vợt này bị gò bó và gây cản trở đáng kể. Để khắc phục tình trạng này, hầu hết các tay vợt cầm kiểu western khi cần dứt điểm sẽ chuyển sang cầm kiểu semi-western, các tay vợt cầm kiểu eastern khi cần nâng bóng hay xử lý bóng cao cũng chuyển sang cầm semi-western.

    Semi-western là kiểu cầm vợt hiện đại, mới phát triển những năm gần đây, tận dụng đựơc ưu thế cân bằng giữa lợi thế tấn công mãnh liệt của kiểu cầm eastern và lợi thế phòng thủ kiên cường của kiểu cầm western. Ngày nay kiểu cầm này rất được ưa chuộng bởi các tay vợt có nguồn gốc phát triển trên mặt sân đất nện, khi chuyển sang các mặt sân cứng họ sẽ sử dụng kiểu cầm vợt này. Ngược lại các tay vợt phát triển trên mặt sân cứng, khi chuyển sang đất nện cũng chuyển sang kiểu cầm này. Chính vì thế kiểu cầm này hiện nay được tất cả các tay vợt tin dùng vì chơi tốt trên mọi loại mặt sân. Vị trí cầm vợt sẽ đặt lòng bàn tay ở vị trí giữa Eastern và Western, tạo ra một lực nâng lên vừa phải với một lực trước sau tương đối lớn. Điều này đảm bảo cho các tay vợt có thể phát huy tối đa sức đôi công với bóng topspin, một loại kỹ thuật tạo bóng xoáy lên đòi hỏi một lực đi qua bóng theo hướng từ sau ra trước - từ dưới lên trên và từ trong ra ngoài. Ngoài topspin là thứ bóng chủ lực cho kiểu cầm vợt này, kiểu cầm này cho phép cổ tay khá linh hoạt trong tấn công bóng và phòng thủ kiên cường. Tuy nhiên kiểu cầm này hạn chế sức đánh bóng ngang – flat vì phương lực không đủ để phát huy tốc độ của loại bóng này, nếu dùng cú lob ngang thì loại cầm vợt này vẫn có tác dụng nhất định, nhưng không phải là lựa chọn của các tay vợt ưa flat. Với những người ưa dùng cú Lib bóng, loại cầm vợt này có tác dụng tốt nhất vì sức nâng lên của lực giúp cho cú lib được thực hiện dễ dàng hơn và bóng ổn định hơn so với kiểu eastern và western, đặc biệt trên các mặt sân cứng. Hiện nay đây là kiểu cầm vợt chủ yếu nhất trên các sân đấu quốc tế, tại các sân phong trào xu hướng chuyển sang kiểu cầm vợt này cũng đang lên cao. Ở đây phát sinh một vấn đề là cầm semi-western ở vị trí nào là phù hợp với mỗi tay vợt. Để hiểu rõ hơn ta sẽ sang mục cán vợt.



    Ảnh trên, tác động của cách cầm vợt đối với mỗi người trong đời sống thực. Federer vẫn cầm cup bằng kiểu cầm eastern forehand, còn M.Hingis với kiểu cầm western forehand

    Cán vợt Với một cán vợt tiêu chuẩn thông thường có hai loại, một là loại cán vợt dẹt, tức là chiều dầy của cán vợt nhỏ hơn chiều ngang của nó, theo hướng đo chiều dầy của thân vợt, tạo thành một hình bát giác dẹt. Loại vợt thứ hai là loại cán vợt đều, loại mà chiều dầy của cán gần như ngang bằng với chiều ngang của nó, tạo thành một hình bát giác đều. Hai loại cán vợt này cho ra hai loại công năng khác nhau và được các loại hình vận động viên khác nhau ưa dùng. Đối với các tay vợt cổ điển ưa giao banh lên lưới tấn công, một cán vợt dẹt cho ra một vùng kiểm soát tốt hơn với kiểu cầm continental. Vợt sẽ được giữ vững khi giao banh sắc mạnh và cú volley sẽ vững chắc khi phải đối chọi với lực đánh trả rất lớn. Đối với kiểu hình đôi công cuối sân, một cán vợt đều cho ra một sự vững chắc ở mọi tư thế đánh bóng linh hoạt đòi hỏi kiểu tay cầm luôn phải thay đổi cho từng vị trí đánh bóng. Ở chiều ngược lại, khi đang ở vị trí cuối sân, một cán vợt dẹt không phải không thể đánh bóng đôi công hữu hiệu đựơc, nhưng rõ ràng so với loại vợt cán đều, góc cán vợt dẹt chịu lực nâng bóng sẽ ít hơn và độ hiệu quả sẽ không bằng. Cũng như vậy, các vợt cán đều khi giao banh và trên lưới sẽ không được mạnh mẽ và linh hoạt bằng, chứ không thể nói là không giao banh tốt được. Ngày nay hầu hết các tay vợt chuyên nghiệp lựa chọn kiểu cán đều, điều này liên quan tới đấu pháp đánh bóng cuối sân là chính, phần nữa là kiểu cầm vợt semi-western thịnh hành rất ưa loại cán vợt đều này.

    Các loại vợt hiện nay để tìm ra được cây vợt có cán phù hợp với từng người cầm semi-western là một vấn đề rất nan giải. Với các tay vợt chuyên nghiệp, họ có nhà sản xuất thiết kế riêng phù hợp với từng góc cạnh của bàn tay, ngón tay. Nếu những tay vợt chưa vừa ý có thể tìm các nhà độ vợt khác giúp họ điều chỉnh cán vợt cho phù hợp hơn. Ở Việt nam, tôi chưa thấy có ai nhận làm điều này, các tay vợt hầu hết phải tự tìm cho mình một vị trí semi-western phù hợp với cây vợt đang sở hữu. Và cũng vì điều này ta sẽ chuyển sang một vấn đề khác liên quan tới các ngón tay cầm vợt, đó là tư thế cầm vợt.

    Tư thế cầm vợt là cái cách mà một tay vợt cầm lấy cán vợt trong quá trình sử dụng. Nó biểu hiện bằng các vị trí tư thế của các ngón tay ôm lấy cán vợt. Mỗi người chơi sẽ tự chọn lấy một cán vợt hình bát giác với kích thước chuẩn tương đối phù hợp với độ dài của các đốt ngón tay, độ dài của bàn tay để ôm vừa khít lấy các điểm tỳ được thiết kế trên cán vợt. Với các tay vợt chuyên nghiệp, kích thước của cán vợt được thiết kế tuyệt đối chính xác cho từng bàn tay của họ, sao cho không có bất kỳ một sự di lệch đáng kể nào có thể xảy ra trong quá trình sử dụng vợt. Nói dễ hiểu hơn là khi thao tác kỹ thuật, cán vợt và bàn tay không có độ ‘dơ’ / ba via…. Với hầu hết người chơi phổ thông, kích thước cán vợt tiêu chuẩn là tương đối phù hợp và họ có thể tự chỉnh sửa bằng cách thay đổi loại cuốn cán cho phù hợp nhất có thể được. Và ở tốc độ bóng dưới 180kmh, hầu như lực tác động không ảnh hưởng nhiều tới khả năng ‘dơ’ của cán vợt và tay cầm vợt.

    Dựa vào thiết kế của cán vợt và tay cầm vợt, có ba dạng tư thế cầm vợt như sau. Loại cầm vợt vuông, tức là tay cầm vợt với các ngón tay gần như vuông góc với cán vợt, cổ tay và cẳng tay tạo với thân vợt một góc vuông. Loại cầm vợt này được các tay vợt ưa cổ tay linh hoạt sử dụng trong giao banh lên lưới là chính, vì tận dụng đựơc góc cổ tay rộng mở, tư thế cổ tay linh hoạt và tăng thêm độ nặng của balance vợt. Kiều cầm này cũng được các tay vợt đánh bóng trái tay bằng hai tay sử dụng nhiều, vì có nhiều tiện ích hơn cho bàn tay thứ hai nằm trên cán vợt. Ngược lại, ở tư thế phòng thủ đôi công cuối sân, loại cầm thuận tay này bị cản trở bởi khả năng kiểm soát vợt dưới áp lực bị đối phương tấn công là không đầy đủ. Hiện nay không nhiều tay vợt chuyên nghiệp lựa chọn kiểu cầm vợt này. Các tay vợt phong trào ngày nay cũng không sử dụng kiểu cầm vợt này vì không có nhiều người sử dụng lên lưới làm chiến thuật.

    Loại cầm vợt dài, là tay cầm vợt chạy dài theo cán vợt, bàn tay đặt chéo theo chiều dài của cán vợt tạo ra một diện tích cầm vợt lớn nhất. Loại cầm vợt này sẽ tạo ra một kết cấu vững chắc liên kết tay-vợt cho những tay vợt có những hạn chế nhất định trong việc kiểm soát vợt khi đánh bóng mạnh, đặc biệt là cú giao banh. Vì tính chất vững chắc của nó, nên kéo theo sự thiếu linh hoạt của nó, đưa tới một lối đánh giảm uy lực và độ linh hoạt. Ở cấp độ chuyên nghiệp, rất ít tay vợt bị hạn chế bởi khả năng kiểm soát bóng, cho nên cũng rất ít tay vợt lựa chọn kiểu cầm vợt này. Trên các sân đấu phong trào, nhiều người vẫn lựa chọn kiểu cầm vợt này cho kiểm soát đầu vợt tốt hơn và độ ổn định của cú đánh tốt hơn.

    Loại cầm vợt đều/cân bằng, là tay cầm vợt chạy dài theo cán vợt với một góc vừa phải, bàn tay nắm lấy cán vợt ở tư thế khá thoải mái và dễ chịu, các ngón tay nắm chắc lấy các điểm góc của cạnh cán vợt. Tư thế này được hầu hết các tay vợt có khả năng kiểm soát bóng tốt, ra lực mạnh mẽ lựa chọn bởi khả năng phát huy tối đa sức đánh bóng trong khi vẫn kiểm soát bóng hoàn hảo. Với hầu hết mọi người, kiểu cầm vợt này là kiểu hay nhất, phát huy hết mọi lợi thế của kỹ thuật và hạn chế những chấn thương có thể mắc phải. Đây là lựa chọn phổ biến cho hầu hết những người chơi quần vợt đã có kinh nghiệm và muốn phát huy hết các tố chất kỹ thuật của mình. Vấn đề ở chỗ khả năng kiểm soát vợt của bạn phải hoàn hảo thì loại cầm vợt này mới phát huy tác dụng được, chính vì thế mà ta phải xem xét tới độ cao của tay cầm vợt, vì nó liên quan tới độ cân bằng của vợt – balance….

    (Còn tiếp...)

  2. #2

    Ngày tham gia
    Dec 2013
    Bài viết
    0
    (tiếp...)

    Độ cao của tay cầm vợt
    có ba loại chính, một là dạng cầm vợt rất cao. Loại này toàn bộ bàn tay nằm hoàn toàn trên cán vợt, phần đuôi của cán vợt - chỗ gồ lên, nằm lộ ra ngoài của bàn tay cầm vợt. Loại này sẽ cho ra một mức vợt cân bằng tốt hơn nhiều, khả năng kiểm soát cây vợt tốt hơn vì tư thế cầm vợt tạo ra một lực giữ/đỡ chắc chắn hơn. Bù lại sẽ thiếu độ linh hoạt, di động hơn so với các kiểu cầm vợt thấp ta sẽ nói dưới đây. Hầu hết các tay vợt có lối chơi tấn công mạnh mẽ sẽ lựa chọn kiểu cầm vợt cao này, vì nó sẽ ổn định cú đánh mà không quá ảnh hưởng tới việc ra lực.

    Loại cầm vợt trung bình, là dạng cầm vợt ở độ cao chuẩn. Một kiểu cầm vợt chuẩn là thế nào. Nếu bạn quan sát sẽ thấy đuôi cán vợt gờ cao hẳn lên, thiết kế này vốn để đảm bảo cho vợt không tuột ra khỏi tay người chơi trong quá trình vận động, đặc biệt là các cú đánh bóng từ trên xuống như giao banh hay smash. Vậy thiết kế này dựa vào cái gì để giữ cho vợt không bị tuột khỏi tay cầm vợt. Nếu bạn sờ vào khu vực gần cổ tay của mình, chỗ giao giữa ngón cái kéo dài ra và ngón út kéo dài xuống, người ta gọi là gốc của ô mô út, ngay sát hệ xương cổ tay, sẽ có một cái xương tròn nhô hẳn lên rất dễ nhận ra khi ấn nhẹ vào. Cái xương tròn đó chính là cái chốt để tỳ vào vùng gờ lên trên đuôi cán vợt. Nếu nó nằm đúng trên đó, tức là bạn đang cầm vợt ở một độ cao chuẩn. Với độ cao chuẩn, thì độ cân bằng của vợt là chuẩn theo đúng thiết kế của nhà sản xuất, khả năng phát huy tối đa năng lực của cây vợt là ở đây. Đây là sự lựa chọn của hầu hết các tay vợt từ phong trào tới chuyên nghiệp.

    Loại cầm vợt thấp, tức là đuôi cán vợt nằm gọn trong lòng bàn tay người chơi. Nhiều người tự chọn cho mình một vị trí thích hợp để nắm cán vợt trong lòng bàn tay sao cho kiểm soát vợt được như ý mình. Đây là sự lựa chọn của rất nhiều tay vợt đẳng cấp, muốn phát huy tối đa lợi thế kiểm soát vợt hoàn hảo của mình và tận dụng được sự tăng thêm balance cho vợt sẽ giúp tăng thêm đáng kể lực cho các cú đánh. Trước đây hầu hết những người muốn tăng thêm balance cho các cú đánh sẽ lựa chọn loại vợt dài hơn ¼ -1/2 inch, nhưng ngày nay họ sẽ lựa chọn tăng thêm độ cân bằng này bằng cách cầm vợt thấp, thậm chí rất thấp. Lẽ đương nhiên là nếu kiểm soát vợt tốt, cách cầm vợt này tăng thêm vài phần trăm uy lực của cú đánh do cánh tay đòn dài hơn và độ di động của bàn tay cầm vợt cũng lớn hơn nên góc đánh cũng mở rộng hơn. Ở vào vị thế ngược lại, nếu kiểm soát bóng không tốt, cách cầm vợt này làm hỏng các cú đánh nhiều nhất và phạm nhiều lỗi đánh bóng hỏng nhất. Tại Việt nam trên các sân đấu phong trào, không nhiều người lựa chọn lối cầm vợt này, vài người cũng lựa chọn nó do trào lưu học hỏi các tay vợt chuyên nghiệp khác, nhưng rõ ràng khả năng phát huy năng lực của nó chưa thấy nhiều, số lỗi phạm phải tăng lên đáng kể. Những tay vợt hàng đầu quốc gia Việt nam cũng hay sử dụng lối cầm vợt thấp thế này, đó là vì họ không phải thi đấu quốc tế, nơi tốc độ và sức mạnh của các đường bóng là rất lớn, ngoài khả năng kiểm soát vợt của họ. Đối thủ của họ thường là những tay vợt yếu hơn nên họ cố tận dụng khả năng kiểm soát vợt tốt hơn của mình để cầm vợt thấp, cố dành ra chút lợi thế.

    Nhưng tất cả các kiểu cầm vợt, các vị trí tư thế cầm vợt…. đều liên quan tới cách đặt các ngón tay trên cán vợt. Hầu hết sẽ lựa chọn 3 ngón tay cuối cầm chắc vào cán vợt – út, áp út/nhẫn, giữa. Các đốt ngón tay tỳ chặt vào các cạnh của cán vợt, các khớp ngón tay siết chặt vào các góc của cán vợt. Ngón tay cái ôm qua nửa bên kia của cán vợt, đối diện với các ngón còn lại và tạo thành một gọng kìm siết chặt cán vợt. Ngón tay cái kết thúc ở phía trên của ngón tay giữa và sát với ngón tay giữa. Ngón tay trỏ thư giãn hơn và nhẹ nhàng đặt lên phía trên cùng của tất cả các ngón tay còn lại, nhẹ nhàng siết chặt vào cán vợt theo các góc cạnh của cán vợt, tạo thành một ngón ‘cò’ để điều khiển toàn bộ sự di chuyển của vợt. Việc ra lực phụ thuộc vào cơ lực của cơ thể qua tay tới vợt, các ngón tay khác sử dụng để giữ vợt liền với tay thành một khối thống nhất mà linh hoạt - vừa chuyển tải các lực tạo ra để đánh vào bóng, vừa phải ổn định lực tác động ngược lại từ bóng đang di chuyển tới chấn vào cơ thể….. Với forehand, ngón tay cái để giữ lực đánh ra trước được ổn định trong khi bàn tay và các ngón tay khác đưa lực ra trước khi đánh bóng, 3 ngón tay dưới còn giữ cho lực chấn ngược ra sau được ổn định khi vợt tiếp bóng, ngón trỏ giữ việc định hướng di chuyển của vợt. Với backhand thì tác dụng của các ngón tay tạo lực và ổn định lực theo hướng ngược lại, riêng ngón trỏ vẫn giữ tác dụng định hướng.

    Ảnh trên, Rafael Nadal với kiểu cầm vợt semi-western cho cú thuận tay, cách cầm vợt của anh ta là khá thấp nhưng vẫn chiếm tới 55/100 chiều dài cán vợt, tư thế cầm vợt khá cân bằng. Anh ta sử dụng một cán vợt đều với kích thước khá nhỏ, cầm lọt trong lòng bàn tay hơi ngửa khi cầm vợt, một phần lớn vẫn nằm sau lưng của cán vợt.


    Ảnh trên, tay vợt Đài Trang đã có một kiểu cầm western với bàn tay ngửa hoàn toàn, cách cầm vợt quá thấp chỉ chiếm tới 40/100 chiều dài cán vợt ở tư thế cầm vợt khá vuông. Với một cán vợt đều, có chu vi chuẩn, kiểu cầm vợt này đặc trưng của các số 1 Việt nam.

    Ảnh trên, A.Roddick với kiểu cầm vợt eastern cho cú giao banh mạnh, thường là FLAT. Lòng bàn tay đặt phía sau cán vợt, tư thế cầm vợt chuẩn, độ cao trung bình, với một cán vợt đều có chu vi chuẩn.


    (Phần sau - KỸ THUẬT CẦM VỢT CỦA HAI TAY ĐÁNH BÓNG).

  3. #3

    Ngày tham gia
    Dec 2013
    Bài viết
    0
    Bài dài quá, em đọc hoa cả mắt. Để dành đọc từ từ vậy.

  4. #4

    Ngày tham gia
    Jan 2014
    Bài viết
    0
    có bài nào ngắn mà hiệu quả nhiều đâu bác

  5. #5

    Ngày tham gia
    Jan 2014
    Bài viết
    0
    hay quá lý thuyết rất khoa học

  6. #6

    Ngày tham gia
    Oct 2013
    Bài viết
    0
    Trích dẫn Gửi bởi Nghia90
    hay quá lý thuyết rất khoa học
    nhưng mà thực hành thì hơi khó

  7. #7

    Ngày tham gia
    Jul 2013
    Bài viết
    0
    Đọc chẳng hiểu gì cả, nhưng xem hình thì hiểu liền, cám ơn bác chủ

  8. #8

    Ngày tham gia
    Dec 2013
    Bài viết
    0
    cho minh hoi may bac co anh em nao tren dien dan minh cam vot so 6 kg vay...?

  9. #9
    Trích dẫn Gửi bởi namson
    Ở Việt Nam mình thì đa số cầm vợt theo cách của ........ thần tượng. Thấy FEd, Nad, Mur như thế nào thì sẽ bị ảnh hưởng. Và như thế sẽ tạo thành 1 số đông kiểu này và kiểu khác.
    Bác nói đúng nè.

    Sư phụ em thì ngưỡng mộ Novak, nên dạy em cách cầm vợt kiểu Novak. Trong suốt thời gian học em ko dám cãi lại và cầm đúng kiểu này. Nhưng em lại ngưỡng mộ FedEX và cho đến khi xuống núi thì em lại tự động chuyển và tập dần theo cách cầm của tàu tốc hành.

    Còn về lối đánh em tổng hợp của tất cả các tay vợt trong top 10 nên giờ em bị tẩu hỏa nhập ma và giờ cứ lẹt đẹt mãi nè, heheheeeee.

    E lên núi học lại thôi.

  10. #10

    Ngày tham gia
    Oct 2013
    Bài viết
    0
    Ở Việt Nam mình thì đa số cầm vợt theo cách của ........ thần tượng. Thấy FEd, Nad, Mur như thế nào thì sẽ bị ảnh hưởng. Và như thế sẽ tạo thành 1 số đông kiểu này và kiểu khác.

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •