Những tay vợt "tốt lỏi"

Đó gần như là một "định lý" của tennis hiện đại

Andy Murray dù được đánh giá cực cao ở kỹ năng trả giao bóng, giao bóng một, cú trái hai tay cùng sự linh hoạt trong cách đánh, nhưng chỉ vì cú thuận tay của anh chỉ đáng xếp "loại hai", nên phải tới khi gặp HLV Ivan Lendl và được nâng cấp kỹ năng ấy, anh mới giành hai danh hiệu lớn.

Nếu không hoàn thiện được quả phải, chưa chắc Murray đã vô địch US Open 2012

Andy Roddick, một trong những tay vợt thiên phú bậc nhất của tennis Mỹ và thế giới, vô địch US Open từ năm 2003, nhưng càng về sau càng bộc lộ nhược điểm về tâm lý cũng như hạn chế về sức bền và ý chí nên mất thêm chín năm chả giành thêm được danh hiệu lớn nào, để rồi vừa là người đầu tiên trong số các tài năng thế hệ 8x treo vợt kể từ sau Marat Safin.

Ngay cả Nadal, một trong những huyền thoại của tennis mọi thời đại, cũng phải hoàn thiện khả năng bước gần vào sân (và trong sân) để tấn công thì anh mới vô địch US Open sau khi đã đăng quang ở ba Grand Slam còn lại (trong đó có bảy Roland Garros dễ như lấy đồ trong túi). Và nên nhớ là Nadal thắng nhiều hơn thua trước Federer, rồi thắng cả ở Wimbledon và sân cứng Australian Open cũng là nhờ sự hoàn thiện chứ không phải anh chỉ có mỗi cú thuận tay bóng xoáy để dồn trái Federer.

Khi ba ngôi sao lớn còn là những bài học về sự hoàn thiện mới thành công thì dĩ nhiên các tay vợt khác chưa đạt tới sự hoàn thiện, thì họ cũng không thể vươn lên những tầm cao mới, trong đó có Djokovic với câu chuyện về thể lực.

Về những người còn lại ấy, đầu tiên phải nhắc tới một thực tế, là tennis thế giới có cả tá những người cao trên 2m để xếp hàng đầu danh sách những người có cú giao bóng sấm sét mà chưa từng có ai trong số đó đoạt danh hiệu Masters 1000 trong khoảng chục năm gần đây, chứ chưa nói tới Grand Slam.

Người ta vẫn nói tennis không phải bóng rổ là như thế. John Isner dù chẳng cần bật cao vẫn có thể giao bóng đập rất mạnh, Ivor Karlovic - người giao bóng nhanh nhất thế giới và thường đưa Nadal bước vào loạt tiebreak (ba trong bốn lần gặp đều có ít nhất một set tiebreak) - nhưng chung cuộc vẫn thua, đều chỉ là các tay vợt cao nhưng không lớn.

Thậm chí lối chơi cũng có những sự thay đổi ghê gớm mà trường phái độc chiêu không phải là đôi cánh để giúp các tay vợt bay cao.

Nếu như 16 và 11 năm trước, Richard Krajicek và Goran Ivanisevic, một trong những bất ngờ lớn nhất mọi thời đại của tennis thế giới, vô địch Wimbledon với tư cách là tay vợt không xếp hạt giống và chỉ có mặt ở London nhờ suất đặc cách, đều vô địch Wimbledon chỉ cần dựa vào lối chơi giao bóng lên lưới. Thì ngày nay, những người chơi theo trường phái ấy chỉ đủ để gặt hái những danh hiệu nhỏ, nếu như chúng ta không phản đối rằng Radek Stepanek giúp CH Czech vô địch Davis Cup 2012 - một giải đấu mà Serbia vẫn đang ngủ quên trong vinh quang, Tây Ban Nha thiếu vắng Nadal... - là thiếu tính cạnh tranh đỉnh cao. Bản thân cá nhân Stepanek cũng chỉ gặt hái được năm danh hiệu vừa và nhỏ trong sự nghiệp kéo dài hơn một thập kỷ rưỡi. Hay Michael Llodra cũng chỉ đủ tạo ra vài trận đáng nhớ ở các giải đấu, như Paris Masters gần đây.

Federer là mẫu tay vợt hoàn hảo
Mẫu tay vợt hoàn hảo

Câu hỏi ai là người xuất sắc nhất tennis thế giới kể từ kỷ nguyên Mở (và có lẽ là suốt mọi thời đại) thực ra đã tìm thấy câu trả lời ngay từ năm 2009, sau khi Federer giành Grand Slam thứ 14 ở Roland Garros.

Federer lúc đó dù chỉ sánh ngang với thành tích của Sampras, nhưng anh được thừa nhận là vượt lên trên bởi vô địch trên mặt sân đất nện ấy chính là biểu tượng của sự hoàn hảo. Sampras "chỉ" vô địch được ở ba giải còn lại chứ chưa bao giờ vào tới chung kết Roland Garros.

Lý giải tại sao một cách chi tiết hơn người ta có thể tìm thấy một cách dễ dàng là Federer trong khi cũng đã đạt tới tầm mức tinh hoa ở cú giao bóng và kỹ thuật volley thì anh còn hơn hẳn ở cú thuận tay và cú trái tay để chơi cuối sân và thi thoảng lên lưới.

Thậm chí Federer còn thiết lập nên những chuẩn mực mới cho môn thể thao này, như việc anh chơi tấn công mãnh liệt mà vẫn khoan thai, 32 tuổi vẫn trở lại ngôi số 1 thế giới để phá kỷ lục 286 tuần của Sampras, và giành danh hiệu Grand Slam thứ 17.

Chính vì đứng bên cạnh, liên tục đối đầu với một chuẩn mực cao như thế mà đôi khi nhiều người vẫn có cảm giác Nadal và Djokovic của ngày hôm nay, sau bao hoàn thiện và hàng loạt những kỷ lục phi thường của riêng họ vẫn còn đâu đó khiếm khuyết, thậm chí Nadal bị chê là... quá khỏe. Họ thực ra đã là những tay vợt hoàn hảo nếu so với các thế hệ trước kia, trong đó có những thứ vũ khí xuất chúng. Với Nadal là cú thuận tay. Với Djokovic là quả trả giao bóng và trái hai tay.
Quyền được chọn

Ở đây, người viết không dám nói rằng người chơi tennis thì cảm nhận về tennis đúng hơn, sâu sắc hơn người chưa (và không) chơi tennis. Nhưng gần như chắc chắn có sự khác biệt trong cách cảm nhận và thưởng thức giữa hai nhóm người này.


Mỗi thời một khác

Ngay cả những người vừa chơi vừa xem tennis thì thời điểm họ bắt đầu ở giai đoạn nào cũng ảnh hưởng rất nhiều tới không chỉ sự lựa chọn thần tượng mà ngay cả cách cảm nhận từng cú quả cũng thế. Chẳng hạn, với nhiều người, cú trái tay của Sampras là mẫu mực vì nó chỉ cần mở ngắn và vợt theo bóng dừng ở phía trên đầu là đủ, trong khi cú trái tay của Federer lại được nhiều fan mới đánh giá cao hơn bởi nó nhiều xoáy hơn nhờ cách cầm vợt và giai đoạn vợt theo bóng cũng sâu hơn (vắt ngược ra sau).

Hoặc có người cho rằng cách trả giao bóng kiểu Agassi là tối ưu vì anh đứng ôm sân và chạy cắt đường bóng để rút ngắn khoảng cách và thời gian. Đó thường là những người xem tennis từ trước khi thế giới bước sang thế kỷ 21. Cũng lại có người cho rằng kiểu đứng lùi thật sâu chờ cho bóng bớt lực và giảm xoáy rồi mới trả giao bóng mạnh mẽ như Nadal mới là hiệu quả nhất. Và đó dĩ nhiên là những người đến với tennis khi Nadal bắt đầu càn quét các danh hiệu.

Đi tìm một tay vợt hoàn hảo thế cho nên là một vấn đề khá chủ quan, dựa trên cảm tính, chứ không rõ ràng như việc chúng ta minh định xem ai là tay vợt xuất sắc nhất nhờ tổng hợp số danh hiệu lớn mà anh ta giành được cùng với những chỉ số phụ như các danh hiệu khác, tỉ lệ thắng thua trong các cuộc đối đầu đỉnh cao.

Thế nên dù có ai đó khẳng định rằng Federer xuất sắc nhất thì cũng đừng ngạc nhiên một khi lại khám phá ra rằng trong mắt anh ta, người hoàn hảo lại là Nadal, hoặc mãi vẫn là Sampras.
<font color="#CCCCCD">Theo 24H.com</font>