Hiep hoi nganh nong nghiep: Với tư cách là người đã từng đứng đầu ngành Trồng trọt, ông nhận định thế nào về thông tin hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu 70% các loại giống lúa?

TS Nguyễn Trí Ngọc: Thực tế hiện nay chúng ta đang gieo trồng lúa tại cả miền Bắc và miền Nam. Có hai loại giống lúa được dùng là loại giống lúa thuần và giống lúa lai. Giống thuần là giống có thể để lại vụ sau gieo cấy tiếp được còn giống lai thì vụ sau phải mua tiếp giống để gieo cấy mới đảm bảo chất lượng, nếu tiếp tục gieo cấy thì sẽ cho gạo có phẩm cấp thấp đi.


TS Nguyễn Trí Ngọc. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nếu tách riêng lượng giống lúa lai thì hiện Việt Nam mới sản xuất được khoảng hơn 30% và đang phải nhập khoảng 70% giống này (chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ). Trong 70% lượng giống nhập khẩu thì chủ yếu chỉ dùng khoảng gần 30% để xuống giống cho vụ Đông Xuân ở miền Bắc.

Nếu tính tổng lượng giống bao gồm cả giống lúa thuần và giống lúa lai dùng cho cả nước thì khối lượng giống nhập khẩu chỉ chiếm 10%.

Xin ông nói rõ thêm về khả năng tự đáp ứng nhu cầu về giống lúa hiện nay của Việt Nam?

TS Nguyễn Trí Ngọc: Hiện nay các giống lúa thuần là do Việt Nam làm ra, đồng thời chúng ta chủ động nghiên cứu, chọn tạo 30% giống lúa lai. Tuy nhiên, nghiên cứu giống lúa lai thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ của lực lượng khoa học.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020, nhưng thực tế việc nghiên cứu giống cây trồng nói chung và giống lúa nói riêng chưa có được nguồn lực tập trung. Thực tế nông nghiệp đóng góp 20% GDP cho toàn nền kinh tế nhưng mới chỉ được đầu tư trở lại khoảng 6,5%. Công tác nghiên cứu và phát triển giống cây trồng cũng chỉ được đầu tư một phần nhỏ trong đó.

Hiện chúng ta đang cần chọn 6, 7 loại giống lúa để làm giống lúa quốc gia. Nhưng chỉ từ năm 2008-2012, tại các tỉnh phía Bắc đã có 111 giống lúa được công nhận cho sản xuất thử. Với lượng giống lớn như vậy liệu công tác quản lý và chọn giống quốc gia có gặp khó khăn không thưa ông?

TS Nguyễn Trí Ngọc: Đúng là việc quản lý giống hiện nay đang gặp khó khăn vì lượng giống được công nhận quá lớn nhưng đưa vào sản xuất thì ít. Theo tôi, cần phải có cơ chế để số lượng giống được công nhận tỷ lệ thuận với số lượng giống được đưa vào sản xuất. Việc này đòi hỏi các nhà khoa học phải gắn kết được với các nhà doanh nghiệp để nghiên cứu theo nhu cầu thực tế nhiều hơn nữa.

Tôi khẳng định hoàn toàn có thể chọn gạo làm sản phẩm chiến lược quốc gia. Nhưng để chọn tạo được giống quốc gia, đòi hỏi phải có một lượng giống lớn để chọn được những giống ưu việt nhất. Vì vậy, cần một lượng giống lớn để có nguồn chọn lọc là điều cần thiết.

Hiện nay đã có nhiều công ty giống cây trồng xuất hiện tại Việt Nam và nắm được nhu cầu mua giống của nông dân, nếu không có phương pháp quản lý đúng đắn sẽ dẫn đến sự hạn chế trong việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp cũng như đánh mất thị trường nội địa rộng lớn.

Nguồn: https://hiephoinongnghiep.com/thuc-h...giong-lua.html